Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khúc tráng ca đường 20 Quyết thắng

Chủ Nhật 13/11/2022 | 21:41 GMT+7

VHO - Sách Đường 20 Quyết thắng đã ghi lại “ở đường 20 Quyết thắng, đất đá trên mỗi cây số đường, mỗi con suối, mỗi thước ngầm đều khét mùi bom đạn, trộn lẫn thép gang, mồ hôi và máu với đầy ắp những chiến tích và cả những hy sinh không sao diễn tả hết, nhất là ở các trọng điểm đánh phá của địch”.

Các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân hoả tuyến mở Đường 20   Ảnh: Tư liệu

Con đường của tuổi 20

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hệ thống đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình nói chung, các con đường nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn nói riêng là “Trung tâm hàng đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh”. Đặc biệt đường 20 Quyết thắng được coi là đầu mối trong hệ thống đường Hồ Chí Minh, đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Ngược dòng lịch sử, vào ngày mùng 1 Tết Bính Ngọ (ngày 21.1.1966), tại chân dốc Đồng Tiền, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Với hai hướng chính Đông - Tây đồng thời khởi công, huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Theo tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, từ phía Đông, công trường 20 chịu trách nhiệm thi công từ Phong Nha đến sông Ta Lê do Phan Trầm chỉ huy. Lực lượng thi công gồm Trung đoàn 10, Trung đoàn 4 và các tiểu đoàn Thanh niên xung phong đến từ các tỉnh Nam Hà, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Đây là đoạn đường khó khăn nhất, khối lượng lớn nhất với các điểm thi công khó như dốc Đồng Tiền, U Bò, Khe Diêm và đặc biệt là dốc Ba Thang.

Tại dốc Ba Thang, các chiến sĩ công binh phải thường xuyên treo mình trên vách đá, mồ hôi thấm ướt lỗ mìn. Sau 15 ngày đêm liên tục thi công với choòng tay và thuốc nổ, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 10 đã làm nên kỳ tích “Hạ gục Ba Thang”.

Mũi phía Tây là công trường 128 thi công từ Lùm Bùm đến Ta Lê… Việc thi công cũng không kém phần vất vả, đoạn qua đèo Phu La Nhích dốc dựng đứng, đoạn qua các sông Chà Là, Ta Lê nước chảy rất xiết.

Sân khấu thực cảnh tái hiện cảnh mở đường 20

Sau gần 4 tháng thi công, hai mũi chủ công gặp nhau tại Km65 vào ngày 14.4.1966, lúc này con đường chính thức khai thông. Theo tư liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh cho biết, đã có gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ, TNXP và dân công hoả tuyến tham gia ở đường. Đường 20 đã hoàn thành trong thời gian kỷ lục 4 tháng thi công với hơn 1 triệu mét khối đất đá được đào đắp…

Cuối năm 1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vào thăm và kiểm tra tuyến đường đã khẳng định: “Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập, tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên”.

Các lực lượng trên đường 20 Quyết thắng đã không quản ngại gian khổ, hy sinh với tinh thần người trước ngã, người sau thay thế, “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá, ta sửa ta đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt! Tất cả vì chiến thắng!”.

Huyền thoại hang Tám Cô

Sau khi mở đường 20 thắng lợi, quá trình chi viện cho chiến trường miền Nam bằng xe cơ giới tiếp tục thông suốt. Phát hiện đường 20 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom đánh phá hủy diệt.

Đồng đội tề tựu cất tiếng hát trước hang Tám Cô

Mỗi cung đường, địa danh trở thành một tọa độ lửa vô cùng khốc liệt, như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, ngầm Trạ Ang, Km14, Km16, phà Xuân Sơn... Trong đó trọng điểm ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) là 1 trong 42 điểm địch đánh phá ác liệt nhất trên 16 nghìn km mạng lưới đường mòn Hồ Chí Minh.

Đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn. Có thời điểm như khoảng cuối tháng 11.1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm ATP.

Trong 15 ngày, số bom Mỹ ném xuống ATP lên đến 17.625 tấn; trung bình 1km đường là 2.203 tấn (mỗi mét đường chịu 2,2 tấn bom). Đây là những con số vô cùng kinh khủng đối với bất kỳ cuộc chiến nào trên thế giới.

Cách đây tròn 50 năm, vào chiều 14.11.1972 trở thành buổi chiều bi tráng. Trong khi các lực lượng đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa đường thì máy bay Mỹ ập đến rải bom đánh phá.

Tám thanh niên xung phong thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 cùng với năm chiến sĩ pháo cao xạ chạy vào trú ẩn trong hang đá tại Km16+200. Máy bay địch ném một loạt bom làm rung chuyển núi rừng, khối đá nặng hơn 100 tấn đổ ập xuống bịt kín miệng hang nơi 8 anh, chị thanh niên xung phong: Đỗ Thị Loan, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Hữu Phương, Trần Thị Tơ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Lương, Lê Thị Mai đều cùng quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang trú ẩn.

Loạt bom cũng đã làm 5 chiến sĩ pháo cao xạ: Mai Đức Hùng, Đinh Công Đính, Nguyễn Văn Quận, Sầm Văn Mắc, Nguyễn Văn Thủy hy sinh trước cửa hang. 

Khi khói bui bay đi, đồng đội tìm mọi cách để cứu các anh, các chị ra khỏi hang nhưng đều bất lực... Cách nhau một vách đá, đồng đội bên ngoài nghe rõ tiếng kêu cứu trong hang vọng ra: “Mẹ ơi, bầm ơi, cứu con với!”, “Các anh, các chị ơi, cứu chúng em với”….

Tiếng kêu cứu làm xót xa, thắt lòng đồng đội ở bên ngoài. Vì thế, cứ mỗi lúc hết đợt đánh phá của địch, các lực lượng bộ đội lại có mặt ở cửa hang để tìm cách phá đá mở cửa nhưng lực bất tòng tâm. Từng ngày trôi qua, tiếng kêu cứu yếu dần, đến ngày thứ 9 thì chìm vào im lặng. 

Du khách đến tham quan tại Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết thắng (xã Tân Trạch, Bố Trạch)

Đất nước hòa bình, quần thể Đền tưởng niệm các AHLS đường 20-Quyết thắng được hình thành. Nhiều du khách đến thăm đều có chung một câu hỏi, vì sao gọi là hang Tám Cô, trong lúc tám liệt sỹ TNXP hy sinh ngày 14.11.1972 lại có bốn nam và bốn nữ.

Theo các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu trên hệ thống đường Hồ Chí Minh ở Quảng Bình giai đoạn 1966-1972, có một tiểu đội nữ TNXP gồm tám cô gái phụ trách đoạn đường thuộc Km16+200, chốt trong một hang đá ở ven đường. Bộ đội, TNXP hành quân qua đây thân thiết gọi tên hang đá các cô đóng chốt là hang Tám Cô.

Theo thời gian, tên gọi lớp người đi trước truyền lại cho lớp người sau rồi trở thành địa danh thân thuộc. Khi tám TNXP quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa hy sinh tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên, vậy là... hang Tám Cô hóa thành huyền thoại.

50 năm đã trôi qua, ở nơi di tích quốc gia đặc biệt, đồng đội, đồng chí và người dân ngày ngày đến thắp nén hương tưởng nhớ sự hy sinh vĩ đại của các AHLS, nhớ về quá khứ hào hùng, nhớ về “địa chỉ đỏ” - khúc tráng ca đường 20 Quyết thắng.

TÂN BÌNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top