Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vun đắp hệ giá trị gia đình Việt Nam (Bài 2): Thử lý giải nguyên nhân “thảm án” gia đình

Thứ Hai 14/11/2022 | 09:56 GMT+7

VHO Gia đình là nơi đầu tiên và cũng là chốn cuối cùng thực hiện chức năng giáo dục đạo đức, lối sống cho con người, vậy vì sao những thảm án gia đình xuất hiện dồn dập với tính chất cuồng bạo ngày càng gia tăng? Đau đáu trăn trở, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, phê bình đã đi tìm nguyên nhân của sự xuống cấp đạo đức dưới góc độ xã hội học, nhằm mong có được giải pháp hữu hiệu để bảo tồn văn hóa gia đình Việt Nam trong dòng chảy hiện đại.

 Tình yêu của anh Đoàn Ngọc Bảo và chị Nguyễn Thị Lệ Thu là minh chứng tình yêu thương chính là sức mạnh, điểm tựa giúp gia đình vượt qua mọi rào cản Ảnh: FB của nhân vật

 Những nhiễu loạn giá trị văn hóa truyền thống

Từ xa xưa, nề nếp gia đình luôn được người Việt đề cao và coi trọng. Kho tàng tục ngữ, ca dao của chúng ta có rất nhiều câu thể hiện điều này: Từ sự gắn bó thiêng liêng của tình mẫu tử, phụ tử như “Cá chuối đắm đuối vì con”, “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; cho đến tình nghĩa anh em ruột thịt: “Anh em như thể tay chân/Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”... Đối với quan hệ vợ chồng, tình nghĩa và sự thuỷ chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, là mối ràng buộc trách nhiệm suốt cả đời người: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”… Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị thiêng liêng, đó là sự hòa thuận, chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, sự yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với ông bà, cha mẹ. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam sức sống mãnh liệt và sự tôn kính với cội nguồn.

Thời nay, văn hóa ứng xử đã có nhiều thay đổi so với trước kia, và mặt trái của nó là sự xuất hiện những sai lệch chuẩn mực trong quan hệ gia đình. Nhiều bậc cha mẹ bỏ mặc con để đi tìm nguồn hạnh phúc và thú vui riêng. Ngược lại, cũng có rất nhiều thành phần con cái bất hiếu với cha mẹ, bỏ rơi đấng sinh thành lúc già yếu, đau ốm, thậm chí còn tìm cách hãm hại họ để cướp đoạt tài sản. Phải nhìn thẳng vào thực tế là những giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn mạnh mẽ.

Lý giải sự “lệch chuẩn” về đạo đức, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, bên cạnh sự phân giải các giá trị truyền thống, sự du nhập quan niệm và nhận thức từ bên ngoài, chúng ta cũng chưa hình thành được một cách vững chắc những giá trị và chuẩn mực mới trong các mối quan hệ gia đình, từ đó gây ra “những nhiễu loạn giá trị”. Theo ông, sự nhiễu loạn này là điều không thể tránh khỏi khi xã hội có những chuyển hóa từ cái cũ sang cái mới, cụ thể ở xã hội Việt Nam là chuyển từ thời kỳ nông nghiệp sang công nghiệp hóa. Kể cả về mặt luật pháp, chúng ta cũng chưa có sự căn chỉnh đến nơi đến chốn, chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn những hành vi trái với luân thường đạo lý. Những đứa con đánh lại ông bà, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, nếu chiểu theo quy định xưa thì đều bị xếp vào tội “bất hiếu” là một trong 10 tội đại ác, ngang hàng với mưu phản, đại nghịch, phản quốc.

Còn với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, thì những vụ thảm án diễn ra trong gia đình là câu chuyện không mới bởi lẽ giai đoạn nào cũng những câu chuyện đau lòng tương tự. Tuy nhiên, sự gia tăng liên tục thời gian qua là điều đáng lo lắng. Dẫn câu chuyện về việc 3 cô con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên, ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: “Việc bà mẹ chia đất cho 4 người con như thế nào là quyền của bà. Trong mỗi gia đình, sự kính trọng của con cái với cha mẹ là điều hiển nhiên phải có, đó là đạo lý, là nguyên tắc sống. Bố mẹ có công sinh thành, dưỡng dục con cái từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành, ngay cả khi họ có thể không công bằng thì con cái cũng không có quyền phản đối. Những người tử tế, có đạo đức chắc chắn không bao giờ đòi bố mẹ phải chia chác đất đai, nhà cửa, tiền của. Hơn thế, họ còn phải có trách nhiệm nuôi nấng, phụng dưỡng bố mẹ già”.

 Tuyên truyền về PCBLGĐ được các tỉnh, thành phố triển khai với nhiều hình thức đa dạng và sự phối hợp của nhiều đối tượng xã hội Ảnh: T.L

Đại dịch Covid-19 là “giọt nước tràn ly”

Ở góc nhìn của mình, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định, đại dịch Covid-19 như một tai họa giáng xuống mọi quốc gia trên thế giới và hệ lụy của nó đã làm tan nát các mối quan hệ xã hội, đánh mất các giá trị đạo đức tử tế và tốt đẹp giữa con người với nhau, trong đó mối quan hệ ứng xử trong gia đình bị ảnh hưởng lớn nhất. Theo bà, đại dịch chính là phép thử đối với mỗi gia đình, đồng thời nó là “giọt nước tràn ly” khiến những mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm. Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ án mạng cũng như bạo lực gia đình dồn dập xảy ra, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và lo lắng. Việc ở nhà chống dịch sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để gắn bó các thành viên, tuy nhiên, nó sẽ trở thành “ngục tù” nếu ai đó phải sống trong cảnh bạo lực, trong sự kìm nén tâm lý kéo dài bởi những mâu thuẫn chất chứa...

Cùng nhìn về vụ việc 3 cô con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng bày tỏ sự phẫn nộ: “Bà mẹ không sai, bà có quyền chia đất, chia nhà cho các con theo ý muốn. Rất có thể bà có lý khi muốn chia phần tài sản lớn hơn cho con trai để anh này lo liệu hương hoả về sau. Những vụ án mạng xảy ra bởi chính những người thân đã cho thấy mọi quan hệ đạo đức trong gia đình đang bị đảo lộn tới mức báo động. Xã hội và dư luận đều cảm thấy phẫn uất trước việc dì ghẻ hành hạ con riêng của chồng đến chết, những người ông dám hãm hiếp cả cháu gái ruột của mình, những người bà cặp kè với người đáng tuổi con, cháu... Rõ ràng, những người này đều đang mất phương hướng. Họ thiếu thốn từ tình cảm tới vật chất, tinh thần, dẫn tới đánh mất đi luân thường đạo lý”.

Từ góc nhìn xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Hàng loạt những vụ án hình sự xảy ra từ chính những người ruột thịt đã cho thấy một suy nghĩ chung là đạo đức gia đình đang xuống cấp. Dư luận xã hội và bản thân các nhà nghiên cứu xã hội học đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này nhiều năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn chưa có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, dẫn tới các chức năng và giá trị trong gia đình bị suy giảm. Đa phần mâu thuẫn đều xuất phát từ vật chất, sự thực dụng, khi lợi ích cá nhân được đặt lên vị trí tối cao. Điều này không chỉ đem lại sự đau khổ cho chính bản thân hung thủ mà cho cả gia đình, người thân và cả xã hội”.

Sự du nhập ồ ạt của các sản phẩm văn hóa ngoại lai, mặt trái của nền kinh tế thị trường thời mở cửa đã làm băng hoại thuần phong mỹ tục, dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình, nạo phá thai tùy tiện… tất cả những thứ đó đang trực tiếp tàn phá đời sống văn hóa, tinh thần của các gia đình. Các mối quan hệ đạo đức truyền thống như kính trên nhường dưới, hiếu thảo, thủy chung… đã và đang bị xem nhẹ, coi thường. Chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chung sống với những hiện tượng “nhiễu loạn giá trị gia đình”, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ quy phục nó. Cần phải dựa trên những chuẩn mực cao nhất về tính nhân đạo trong việc định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình, chúng ta mới có thể phát huy được vị trí và vai trò của “tế bào xã hội” đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời chủ động hình thành, thích nghi với những chuẩn mực và giá trị mới phù hợp với dòng chảy hiện đại, để nét đẹp của gia đình Việt trường tồn bất biến với thời gian. 

 Hàng loạt những vụ án hình sự xảy ra từ chính những người ruột thịt đã cho thấy một suy nghĩ chung là đạo đức gia đình đang xuống cấp. Dư luận xã hội và bản thân các nhà nghiên cứu xã hội học đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề này nhiều năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta vẫn chưa có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, dẫn tới các chức năng và giá trị trong gia đình bị suy giảm. Đa phần mâu thuẫn đều xuất phát từ vật chất, sự thực dụng khi lợi ích cá nhân được đặt lên vị trí tối cao. Điều này không chỉ đem lại sự đau khổ cho chính bản thân hung thủ mà cho cả gia đình, người thân và cả xã hội.

(PGS.TS TRỊNH HÒA BÌNH)

THUÝ HIỀN

Kì 3: Nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực: Cần sự chung tay của toàn xã hội

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top