Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giáo dục nghệ thuật ở nơi công cộng

Thứ Hai 14/11/2022 | 10:27 GMT+7

VHO- Chiều Chủ nhật vừa rồi, tôi đến dự buổi hòa nhạc Giai điệu mùa thu được biểu diễn ngoài trời do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức. Buổi biểu diễn này thực sự ấn tượng không chỉ bởi chất lượng đỉnh cao của dàn nhạc với các tác phẩm âm nhạc kinh điển thế giới kết hợp với những nhạc phẩm Việt Nam quen thuộc, mà quan trọng hơn, ý nghĩa của buổi hòa nhạc đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật công cộng, và nhiều điều hơn thế!

Chương trình nghệ thuật đã mở ra hướng mới trong việc thưởng thức và thu hút khán giả, du khách

Chúng ta đều biết nghệ thuật quan trọng như thế nào đối với cuộc sống của con người và tinh thần của xã hội. Đại thi hào Nga Phê-đo Mi-khai-lô-vích Đốt-xtôi-ép-xki đã nói rằng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Nghệ thuật thì lại chính là hiện thân cụ thể nhất của cái đẹp. Vì thế, khi con người hướng đến nghệ thuật, những giá trị của nghệ thuật đem đến tinh thần nhân văn, sáng tạo, đạo đức cho mỗi người và toàn xã hội. Không nghi ngờ gì, sự phát triển của nghệ thuật thể hiện trình độ của một xã hội văn minh, đồng thời là đích đến cho sự phát triển của đất nước.

Buổi hòa nhạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam quan trọng bởi lẽ, đây là cách chúng ta đưa nghệ thuật đến với công chúng một cách hữu hiệu nhất. Buổi biểu diễn ngoài trời – nghệ thuật công cộng - là hình thức đưa nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật cho công chúng theo cách trực quan, sinh động và gần gũi nhất. Tôi có thể nhìn thấy sự tò mò, háo hức của rất nhiều bạn trẻ đến nghe nhạc tại đây. Tôi tin rằng, rất nhiều trong số họ lần đầu tiên được tiếp xúc với nhạc giao hưởng, và cũng chắc chắn rằng, một phần đông trong số đó sẽ có một cảm nhận khác, yêu thích nhiều hơn đối với loại hình âm nhạc sang trọng nhưng luôn được cho là khó nghe này. Đó là những tín hiệu, bước đi đầu tiên của giáo dục nghệ thuật.

Giáo dục nghệ thuật rất quan trọng để đưa mọi người đến với nghệ thuật. Trên thế giới, những hình ảnh, ví dụ về giáo dục nghệ thuật ở nơi công cộng không phải là chuyện hiếm, thậm chí được coi là một nhiệm vụ bắt buộc của các tổ chức nghệ thuật. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích như nâng cao nhận thức, hiểu biết của công chúng về nghệ thuật để phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu cho tổ chức nghệ thuật, tác động lan tỏa đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt hơn là xây dựng nên những đô thị đáng sống, ở đó các hoạt động nghệ thuật công cộng góp phần tạo nên sự hấp dẫn, vui vẻ, hạnh phúc cho người dân, và tinh thần tích cực cho thành phố.

Sự kiện buổi hòa nhạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đạt được hiệu ứng tương tự như vậy. Nếu như Bảo tàng có thêm một hoạt động, trải nghiệm mới, thu hút khán giả đến với không chỉ buổi hòa nhạc, mà họ sẽ đến với các triển lãm, sưu tập tranh của Bảo tàng, thì Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có thêm cơ hội để phát triển khán giả, xây dựng thương hiệu; Ngay cả các dịch vụ khác như cafe, bán hàng lưu niệm... cũng có những lợi ích của riêng mình. Đối với công chúng, đó là cơ hội được đến với nghệ thuật. Đối với Hà Nội, đó là minh chứng cho tinh thần của thành phố sáng tạo đã được UNESCO ghi danh từ năm 2019, đã tạo môi trường thuận lợi cho mọi sáng tạo, hoạt động nghệ thuật của Thủ đô. Tất cả giúp cho chúng ta một cách nhìn lạc quan, tích cực hơn về sự phát triển nghệ thuật nói riêng, tương lai của thành phố Hà Nội và đất nước nói chung. Đó cũng là cách chúng ta định hình lợi ích của nghệ thuật đối với sự phát triển chính trị, kinh tế - xã hội.

Giờ đây, phát triển nghệ thuật cần phải được thực hiện một cách cụ thể, gần gũi. Giáo dục nghệ thuật đem đến lợi ích cho toàn xã hội, và cần có sự quan tâm của cả xã hội. Chúng ta hy vọng rằng, những sự kiện như buổi hòa nhạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ được nhân rộng hơn. Các sự kiện tương tự sẽ được tổ chức một cách chuyên nghiệp, theo đúng tinh thần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo, dựa trên cơ sở của những kế hoạch chi tiết, khả thi, với hoạt động truyền thông rộng rãi, và huy động nguồn tài trợ, giúp đỡ từ mỗi người dân, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội. Từ đó, giúp chúng ta thêm yêu nghệ thuật, và nghệ thuật lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất về cái đẹp, sự chia sẻ, tình yêu thương cho con người. Đấy là những gì chúng ta rất cần để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top