Du lịch đường thủy nội địa ở Đà Nẵng: Bằng cách nào để khởi sắc?

VHO- Dù sở hữu nhiều lợi thế về tự nhiên và xã hội để phát triển, nhưng du lịch đường thủy nội địa ở Đà Nẵng vẫn chưa thực sự khởi sắc. Vì thế, chính quyền và doanh nghiệp cần sớm nắm bắt thời cơ, đưa ra giải pháp mạnh mẽ để tăng sức hút cho loại hình này.

Du lịch đường thủy nội địa ở Đà Nẵng: Bằng cách nào để khởi sắc? - Anh 1

 Du thuyền hoạt động vào ban đêm trên sông Hàn

Theo nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung thành phốĐà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố có tổng cộng 49,2 km đường thủy nội địa. Trong đó đường thủy nội địa quốc gia ủy thác quản lý là 19,9 km, đường thủy nội địa do địa phương quản lý là 29,3 km.

Từ đề cương đến thực tế… là bao xa?

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa. Theo đó, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển; ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tháng 5.2022, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký ban hành quyết định phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng “Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kinh phí xây dựng đề án từ nguồn dự toán chi sự nghiệp du lịch được giao năm 2022 của Sở Du lịch Đà Nẵng với số tiền hơn 600 triệu đồng. Đề án trên nhằm mục đích hoàn thiện và triển khai quy hoạch phát triển du lịch đường thủy để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc; hoàn thiện, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, đội tàu, dịch vụ, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, chuyên nghiệp; phát triển mạng lưới đường thủy từ bờ ra đảo liên kết với các địa phương khu vực phía Nam, phía Bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

Từ đề án này, mục tiêu của Đà Nẵng là khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch… Cảng Sông Hàn sẽ được đầu tư hoàn thiện thành cảng chính phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư xây dựng đồng bộ bến thủy nội địa làm bến đi và bến đến trên tuyến đường thủy. Phấn đấu đến năm 2030, lượng khách du lịch đường thủy nội địa đến năm 2030 đạt 1,5-2 triệu lượt khách/năm. Quyết định 21/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và định hướng của chính quyền Đà Nẵng là cơ hội để du lịch đường thủy tại đây khởi sắc.

Cần chung tay của cộng đồng doanh nghiệp du lịch

Trên địa bàn Đà Nẵng đang có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu, sức chứa hơn 2.000 chỗ. Thành phố đã quy hoạch 39 vị trí đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa. Đến nay có 1 bến hoàn thành và công bố (bến CT15), 4 bến hoàn thành xây dựng nhưng chưa công bố bến, 10 bến đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng, ngoài ra còn 24 bến đang tạm dừng và chưa triển khai đầu tư xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp đề xuất thành phố cần chú trọng kêu gọi đầu tư, nâng cấp các cảng, bến thủy nội địa… để thu hút đông đảo du khách hơn. Đồng thời bản thân các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn và tàu du lịch nên tăng cường liên kết để “biến” du lịch đường thủy nội địa thành sản phẩm hấp dẫn, hút khách. Theo ông Lê Thái Bảo Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và du lịch Trường Sa, du lịch đường thủy cũng có thể coi là du lịch xanh. Với ưu thế về sông, biển, vịnh có cảnh quan đẹp, Đà Nẵng nên tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển đầu tư du thuyền cho du khách trải nghiệm. Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà chia sẻ: “Đà Nẵng cần đẩy nhanh các phương án phát triển du lịch đường thủy. Du khách đang rất quan tâm đến các tour dạo sông Hàn, du ngoạn trên vịnh Đà Nẵng, lặn ngắm san hô, đánh bắt hải sản… và chúng ta nên đáp ứng tốt các nhu cầu này”.

Theo ông Lộc, Đà Nẵng đang thiếu tour du lịch đường thủy ban ngày, chỉ có bán vé ban đêm nhưng vẫn chưa thu hút đông đảo du khách. Do đó, chính quyền thành phố cần mở thêm cơ chế, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để có thêm sản phẩm du lịch, ví dụ như có thể đóng thuyền buồm, phát triển các loại thuyền cỡ nhỏ như cách mà Hạ Long (Quảng Ninh) đang làm, nâng cao trải nghiệm của du khách. Đánh giá xu hướng mới của du lịch là trải nghiệm, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event đề xuất hình thành nhiều bến dọc tuyến sông từ trung tâm Đà Nẵng kéo dài lên phía Tây thành phố (huyện Hòa Vang), mỗi khu vực sẽ có hệ thống sản phẩm riêng biệt để tránh nhàm chán cho du khách. Hệ thống sản phẩm du lịch nên hướng tới việc gia tăng hoạt động như đánh bắt thủy hải sản, hoạt động nông nghiệp tại điểm cập tàu, tham quan địa điểm văn hóa, chèo kayak, camping, kết hợp tổ chức lễ hội trên sông hay khám phá không gian văn hóa của người đồng bào dân tộc ít người.

Hiện Sở Du lịch Đà Nẵng đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng tàu mới phù hợp để đưa khách tham quan, lưu trú tại khu vực vịnh Đà Nẵng. Đồng thời ưu tiên phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu Bồn thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ khách du lịch. Với các bến đã triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành hạng mục cầu tàu (Túy Loan, Thái Lai) tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm… 

 XUÂN SƠN

Ý kiến bạn đọc