Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Dòng phim kinh dị Việt chủ đề "xác sống”: Hy vọng để rồi… thất vọng

Thứ Sáu 18/11/2022 | 10:46 GMT+7

VHO- Lâu nay, mỗi khi có một bộ phim kinh dị Việt ra rạp, nếu vấp phải ý kiến trái chiều, thì y như rằng các nhà làm phim sẽ phân bua: “Do kiểm duyệt cắt xén nên không còn hấp dẫn”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dù “ải kiểm duyệt” đã thông thoáng và rộng mở, thì những bộ phim chủ đề này vẫn không khá hơn là bao, khi tiếp tục đi vào vết xe đổ “nói một đằng, làm một nẻo”…

Bộ phim kinh dị Việt “Virus cuồng loạn” bị đánh giá là thảm họa

Mùa phim nửa cuối năm 2022 chứng kiến hai cái tên mới mẻ, hứa hẹn thổi vào làn gió lạ cho thể loại kinh dị Việt, đó là Cù lao xác sống Virus cuồng loạn. Dù được “tung hô” có nhiều yếu tố hấp dẫn, tạo bất ngờ cho người xem và đặc biệt là mang đến những điểm mới lần đầu tiên, thế nhưng đến khi ra rạp, cả hai đều không thu được thành công như kỳ vọng, bởi lẽ chất lượng chỉ ở mức trung bình yếu, kịch bản thiếu logic và sạn thì chi chít.

Doanh thu bê bết

Cù lao xác sống (khởi chiếu đầu tháng 9.2022) được xem là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên khai thác đề tài zombie. Đặc biệt, phim không bị kiểm duyệt yêu cầu cắt xén, chỉnh sửa mà vẫn được giữ trọn vẹn nội dung. Điều này càng khiến người xem mong chờ và hy vọng nhiều hơn bao giờ hết, bởi đây được coi như “phát súng” mở đường để các dự án phim zombie “made in Vietnam” ra đời. Chuyện phim kể về thầy thuốc Công, dẫn cha già và con gái nhỏ chạy trốn khỏi bầy xác sống đang điên cuồng tấn công con người tại một cù lao miền Tây. Trên hành trình đấu tranh sinh tồn, gia đình anh được những người xa lạ tận tình giúp đỡ. Từ đây, phim đề cao giá trị, ý nghĩa nhân văn, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, ruột thịt… Thế nhưng, chưa kịp vui mừng cho bước “dấn thân” mới của điện ảnh Việt, thì khán giả đã nhanh chóng thất vọng nặng nề. Nhiều người cho rằng, Cù lao xác sống không khác gì “nồi lẩu thập cẩm” nấu vụng khi pha trộn vừa kinh dị, vừa hài, vừa mùi mẫn… nhưng chẳng hề ăn khớp với nhau.

Hai tháng sau đó, Virus cuồng loạn mạo hiểm tấn công mảng phim kinh dị xác sống tại Việt Nam, thế nhưng tác phẩm của đạo diễn trẻ Nguyễn Trần Nhất Duy một lần nữa lại khiến công chúng thất vọng tràn trề bởi nội dung sơ sài và vô số lỗi sai ngớ ngẩn. Phim kể câu chuyện về một ê kíp làm phim đang thực hiện dự án zombie tại khu nghỉ dưỡng. Bất ngờ, họ lại gặp phải zombie thật, trải qua ngày đêm chống chọi và chạy trốn tưởng rằng rất kịch tính ấy, nhưng… không! Khó mà tin được khi nội dung phim kinh dị lại được gán ghép với chủ đề… an toàn thực phẩm. Nguồn cơn được đạo diễn lý giải là do thức ăn độc hại, mất vệ sinh khiến con người biến thành xác sống. Sự ngô nghê đến “vô cực” của Virus cuồng loạn khiến ai nấy không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Sau rốt, Cù lao xác sống dù bị chê bai thậm tệ vẫn hốt hơn 11 tỉ đồng trong vòng chưa đầy 1 tuần; còn Virus cuồng loạn sau 5 ngày công chiếu chỉ thu về hơn 100 triệu dù “một mình một rạp” ở hạng mục phim Việt. Rõ ràng, so với mặt bằng chung thì những con số này bị coi là quá thấp, trong khi kinh dị là địa hạt “màu mỡ” và là “gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền điện ảnh trên thế giới.

Phải chăng, thiếu tôn trọng người xem?

Theo đạo diễn trẻ Nguyễn Ngọc Nhất Duy, việc liều lĩnh sản xuất một bộ phim zombie là bởi nguồn cảm hứng xuất hiện từ thời còn trên ghế nhà trường, niềm đam mê đó đã thôi thúc chàng trai trẻ lội ngược dòng dư luận để hoàn thiện dự án cá nhân đầu tay. Ý tưởng hoành tráng là vậy, nhưng thực tế những gì Virus cuồng loạn thể hiện là ngược lại. Mở đầu cho việc lao xao dư luận và nhận về hàng loạt chỉ trích là đoạn trailer dài 1 phút 34 giây đã phơi bày tất cả điểm yếu của bộ phim. Chưa kể, các dòng chữ quảng bá cũng hết sức ngô nghê, sai chính tả, tạo cảm giác không tôn trọng người xem. Từ đây, đã có những dự báo không mấy khả quan cho sản phẩm đầu tay của chàng đạo diễn trẻ.

Và quả thật, không nằm ngoài phán đoán, phim bị đánh giá là “thảm họa”. Khởi đầu nhàm chán, diễn biến tệ hại và cái kết không thể phi logic hơn. Kịch bản không chắc tay khiến “sạn” phim xuất hiện cũng là điều dễ hiểu, cùng với đó là lời thoại dông dài, vô nghĩa, thậm chí có những đoạn âm thanh một đằng, khẩu hình một nẻo. Ở phần hóa trang, các xác sống chỉ đơn giản đeo kính áp tròng trắng dã, bôi trét thêm ít sơn đỏ giả máu trên người với dáng đi xiêu vẹo giả trân… khiến cho “Thượng đế cũng phải mỉm cười”. Phần âm thanh, nhạc phim thì nhạt nhòa, suốt gần 80 phút chỉ toàn tiếng “ú ớ”, la hét ồn ào, náo loạn khiến khán giả mệt mỏi.

Tương tự, ở Cù lao xác sống, người xem ra về với vô vàn “dấu chấm hỏi” trước sự hồn nhiên của lũ zombie lẫn các nhân vật phim. Thay vì sợ hãi, người dân vùng cù lao tỏ ra quen thuộc với xác sống vì đã trông thấy chúng trên phim ảnh. Có người bật radio cho chúng nghe, có người lại xem chúng như trò đùa, thấy đang ngủ nên gọi dậy để… chọc chơi cho vui. Đỉnh điểm là họ đánh lừa chúng bằng cách hôn nhau để ngừng thở, hoặc hát cải lương để tạo sự chú ý, từ đó thu hút zombie về phía mình. Những tình huống này đã khiến nhiều người phải… chuồn vội ra khỏi rạp trước khi đèn sáng.

Việc mạnh dạn bước ra vùng an toàn để dấn thân vào một thể loại mới của các nhà làm phim trẻ là điều rất đáng hoang nghênh và cổ vũ. Tuy nhiên, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, thì cách làm này nếu vẫn cứ tái diễn thì sẽ vô tình “giết chết” điện ảnh nước nhà. Bởi một tác phẩm điện ảnh ngoài việc mang đến những giá trị về nghệ thuật, những bài học nhân văn… thì việc đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng là rất quan trọng. Nếu cứ mãi “vấp ngã” thế này, thì sớm muộn gì người xem cũng quay lưng với phim Việt vì đã mất niềm tin quá nhiều.

Rõ ràng, dòng phim kinh dị dù được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ” tại Việt Nam, nhưng để “cày xới” đúng cách và mang lại mùa màng bội thu thì thật sự không dễ dàng. Thất bại nối tiếp thất bại, nếu còn muốn khai thác thêm chủ đề này, các ê kíp làm phim cần phải thận trọng hơn, đầu tư nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để không “đánh đâu thua đấy” ngay trên sân nhà. 

BÁ TRƯỜNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top