“Cơn khát” nhân lực ngành Kiến trúc

VHO - Xây dựng thành phố thông minh đang là chủ đề mà nhiều chuyên gia về đô thị quan tâm hiện nay. Thống kê cho thấy, sau đại dịch Covid-19, ngành kiến trúc xây dựng cần thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm. Tại Hội thảo “Kiến trúc đô thị thông minh” do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức chiều 18.11, các chuyên gia quốc tế đã cùng thảo luận chuyên sâu về nội dung này.

“Cơn khát” nhân lực ngành Kiến trúc - Anh 1

GS Robyn Dowling đã mang đến hội thảo những kiến thức thú vị về tiểu sử các thành phố, thách thức của thành phố thông minh, cách quản trị thông minh… 

Hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc đô thị. Đặc biệt có sự góp mặt của GS Robyn Dowling - Hiệu trưởng Trường Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị - ĐH Sydney (Úc), nơi có các kiến trúc sư hàng đầu đã tham gia thiết kế và xây dựng nên Nhà hát Con Sò nổi tiếng, biểu tượng của nước Úc. Hội thảo còn có sự góp mặt của diễn giả Jonathan TROUILLON - Giám đốc Kobi Lighting Studio tại Việt Nam.

Những năm vừa qua, Việt Nam có đang tốc độ đô thị hóa chóng mặt của khu vực. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng 0,6% so với năm 2021. Đến tháng 6.2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 thì tốc độ đô thị hóa của nước ta phải đạt đến con số 50-60%. Con số đó minh chứng cho “thời điểm vàng” của ngành kiến trúc xây dựng. 

Tuy nhiên, để xây dựng thành phố thông minh bao gồm nhiều yếu tố: Công nghệ thông tin, kiến trúc, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế… Riêng TP.HCM, với mục tiêu trở thành đô thị thông minh, giáo dục cần đi đầu, giữ vai trò trọng tâm để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu. Thống kê cho thấy, sau đại dịch Covid-19, ngành kiến trúc xây dựng cần thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm, nhưng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. Thực tế hiện nay, các công trình lớn của đất nước đang thu hút nhiều các kiến trúc sư nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam. Vậy, làm thế nào để các kiến trúc sư, các nhà thiết kế nội thất của Việt Nam có được tiếng nói trong những hạng mục công trình quan trọng trong nước và trên trường quốc tế? Việc nghiên cứu và giảng dạy theo hướng quốc tế hóa để sinh viên các ngành thiết kế nội thất, kiến trúc xây dựng được tiếp cận với các kiến thức bên ngoài là điều vô cùng quan trọng. 

Bàn về chủ đề này, GS Robyn Dowling có bài phân tích “Smart City Research and Teaching - Nghiên cứu và giảng dạy về đô thị thông minh”. GS Robyn Dowling từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội - Úc. Bà là một nhà nghiên cứu hàng đầu về địa lý xã hội và văn hóa của các thành phố. Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, viết sách và giảng dạy về lĩnh vực này,  GS Robyn đã mang đến những kiến thức thú vị về tiểu sử các thành phố, thách thức của thành phố thông minh, cách quản trị thông minh… 

Hội thảo “Kiến trúc đô thị thông minh” mang đến nhiều thông tin bổ ích không chỉ cho các bạn sinh viên mà còn cho các giảng viên và những ai đang làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng đô thị. Đặc biệt, đây là cơ hội để các sinh viên ngành Thiết kế nội thất có cơ hội giao lưu, lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kiến trúc đô thị, mở ra nhiều cơ hội học tập và định hướng công việc cho các bạn. Từ đó, góp phần nâng cao nguồn nhưng lực trong lĩnh vực thiết kế nội thất, kiến trúc, thúc đẩy xây dựng và phát triển TP.HCM thành một đô thị thông minh.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc