Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Thứ Bảy 19/11/2022 | 12:34 GMT+7

VHO- Sáng nay 19.11 tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) phối hợp với Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực đã tập trung thảo luận một số vấn đề như lý luận, thực tiễn trong bảo tồn, phát huy giá trị trong trang phục truyền thống của đồng bào DTTS; giải pháp, khuyến nghị nhằm phục hồi trang phục truyền thống đối với các dân tộc không còn giữ được trang phục của dân tộc; chính sách cần có để góp phần bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế….

Toàn cảnh Hội thảo

Trang phục là tài sản vô giá với văn hoá dân tộc

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết, các DTTS có truyền thống văn hóa phong phú, độc đáo, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó, trang phục là thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, bản sắc; là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Tùy theo điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và xã hội, mỗi dân tộc đã lựa chọn, hình thành các nguyên liệu, chất liệu, quy trình, thức dệt, nhuộm, may, thêu, trang trí, cấu trúc hình dáng và màu sắc của các bộ trang phục truyền thống theo những giá trị, bản sắc riêng của mình. Thông qua trang phục truyền thống, các DTTS không chỉ thể hiện được “gu” thẩm mỹ mà còn phản ánh được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình.

Vụ trưởng Vụ Văn hoá dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu tại Hội thảo

“Trải qua các thời kỳ lịch sử, các DTTS nước ta đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng qua trang phục. Mỗi dân tộc đều có những bộ y phục riêng, đẹp, độc đáo, thấm nhuần các giá trị truyền thống của mỗi tộc người. Nhiều người trong số chúng ta từng phải thán phục trước sự sáng tạo, khéo léo trong kỹ năng cắt may, thiết kế vừa kín đáo nhưng vẫn làm nổi bật nét đẹp hình thể của người phụ nữ qua bộ y phục. Có thể ví dụ người phụ nữ Mông, Dao, Pà Thẻn, La Hủ.... với bộ y phục mang màu sắc sặc sỡ, kết hợp với các hình thức trang trí kim loại nhằm tạo hiệu quả màu sắc và âm thanh. Nữ phục người Thái, Mường với những gam màu có sự tương phản giữa váy - áo hay trang trí, tạo sự duyên dáng, uyển chuyển của người phụ nữ…”, bà Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết thêm.

Tuy nhiên trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới; sự tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đồng bào các DTTS ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hoá của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân rất ít người, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hoá cao… Mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở thế hệ trẻ cũng ngày càng ít dần. Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống nói chung, trang phục truyền thống các DTTS, làm thế nào để các DTTS, thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa… là vấn đề đã và đang đặt ra với nhiều thách thức.

Ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo tồn trang phục DTTS

Cụ thể, ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Uỷ ban dân tộc) cho hay đang có thực trạng chỉ trong các dịp lễ, tết, hội, đồng bào mới mặc trang phục truyền thống, nhưng được may bằng vải công nghiệp với nhiều chủng loại, hoa văn giống nhau, bày bán trên thị trường. Việc không sử dụng trang phục truyền thống dân tộc mình ngày càng phổ biến ở một số dân tộc, nhất là nhóm dân tộc có dân số ít. “Trang phục truyền thống của một số dân tộc bị pha tạp nhiều cả về chất liệu và kiểu dáng, dẫn đến khó phân biệt trang phục của dân tộc nào. Nguyên nhân là bởi nhiều người cho rằng sự cầu kỳ, rườm rà trong các bộ trang phục truyền thống vừa gây bất tiện cho công việc, sinh hoạt, vừa gây tốn kém. Trong khi đó, những bộ trang phục bán sẵn khá tiện dụng, giá thành rẻ. Đáng nói hơn, những làng nghề dệt thổ cẩm giờ đây cũng còn rất ít. Mặt khác, đồng bào các dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống nhưng không đủ sức cạnh tranh với hàng thổ cẩm hiện đang bán trên thị trường. Điều đó khiến đồng bào không còn mặn mà với nghề truyền thống. Các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một”, ông Đinh Xuân Thắng nêu.

Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung nêu rõ, đồng bào DTTS cần sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình thường xuyên mới có thể giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống

Cùng chung trăn trở, đại diện Ban Dân tộc – Tôn giáo (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) dẫn chứng cụ thể về một khảo sát thực trạng đời sống văn hóa của đồng bào Mông ở Tuyên Quang, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện với 564 hộ gia đình người Mông ở các thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy chỉ có 21/564 hộ người Mông trả lời thường xuyên mặc trang phục truyền thống (bằng 3,7%). 327/564 hộ trả lời thỉnh thoảng mới mặc (bằng 57,9%). Đáng lo ngại hơn cả là gần nửa số hộ người Mông trả lời không mặc trang phục truyền thống. Theo thống kê của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2013, có đến 40/54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống đúng như những gì mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ. Số người DTTS mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày có xu hướng ngày càng ít. Phần lớn trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ còn được lưu giữ trong các bảo tàng hoặc trung tâm văn hóa. Trong nhà trường vùng  DTTS cũng vậy, đa số học sinh mặc trang phục của người Kinh, trang phục hiện đại khi đến trường. Thực tế này cho thấy, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một.

Các chuyên gia trong lĩnh vực, đồng bào DTTS đề xuất nhiều giải pháp tăng cường bảo tồn, phát huy trang phục  truyền thống các dân tộc Việt Nam

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ nhân, diễn viên quần chúng người DTTS

Để giải quyết thực trạng trên, tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp để tăng cường công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, các chuyên gia nhận định phải chú trọng truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị và tầm quan trọng của bảo bảo tồn trang phục truyền thống. Các địa phương cần tăng cường vận động đồng bào DTTS mặc trang phục truyền thống thường xuyên, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS là tài sản quý giá của văn hoá dân tộc Việt Nam. Ảnh: Đ.T

PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại đề xuất thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở phải nâng cao nhận thức; xác định bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống các DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Các giải pháp trong bảo tồn, nâng cao giá trị trang phục truyền thống của đồng bào DTTS phải đáp ứng được yêu cầu trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021. Cùng với đó, việc tăng cường đầu tư, cụ thể hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hoá nói chung trang phục truyền thống các DTTS cần được đưa vào các văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, hoạt động của địa phương. Ngoài ra, ưu tiên, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030; chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xoá đói giảm nghèo… vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, trong đó có trang phục truyền thống các DTTS.

ĐÌNH TOÁN - HOÀNG NGUYÊN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top