Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Phát triển văn hoá gắn với du lịch Vùng Tây Nguyên

Chủ Nhật 20/11/2022 | 15:30 GMT+7

VHO -  Sáng 20.11, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; lãnh đạo một số bộ, ngành, 5 tỉnh Vùng Tây Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện quan trọng "3 trong 1" đối với Vùng Tây Nguyên, gồm 3 nội dung chính: Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên.

Công bố Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh Vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá.

Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ che phủ rừng trên 47%.

Để thực hiện Nghị quyết số 23, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương,..) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt trình bày tham luận về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe một số báo cáo tham luận của các bộ, ngành, địa phương, cũng như các doanh nghiệp đóng trên địa bàn 5 tỉnh  Tây Nguyên về thực trạng, khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực. 

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum mong muốn các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.

"Tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang nói.

Với tham luận: “Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vùng Tây Nguyên”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã nêu bật những tiềm năng và thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Tây Nguyên cũng như một số vấn đề về phát triển du lịch gắn với góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống vùng Tây Nguyên.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận, Thủ tướng đánh giá nhiều ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi; qua đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên, góp phần đưa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nhưng, theo Thủ tướng, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng do 4 nguyên nhân chính. Đó là kết cấu hạ tầng còn bất cập; nguồn lực còn thiếu; kết nối vùng còn chưa tốt; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Nhắc lại câu chuyện cách đây 20 năm xảy ra vụ việc bất ổn tình hình, Thủ tướng cho biết khi đó, chúng ta phải ổn định tình hình chính trị trên cơ sở đó phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên. Hiện nay, tình hình thay đổi, chúng ta chuyển trạng thái, phát triển kinh tế-xã hội để ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội Tây Nguyên.

"Làm tốt kinh tế-xã hội thì góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngược lại, tình hình ổn định tốt thì mới yên tâm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là 2 mặt song song của quá trình nhưng tuỳ tình hình mà thay đổi thứ tự ưu tiên", Thủ tướng nói, đồng thời nêu rõ quan điểm phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.

Xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực (như công nghệ, quản trị, tài chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Một quan điểm chỉ đạo nữa, theo Thủ tướng, là phải có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân. Lấy con người là chủ thể, là trung tâm để đối phó với các thách thức. Các chính sách phải hướng về người dân và người dân phải tham gia xây dựng chính sách.

Phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.  Tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. "Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ". "Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất", Thủ tướng cho biết.

Thứ 2, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.

Thủ tướng cho rằng, giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, hàng lang kinh tế Bắc – Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc – Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Chính phủ, địa phương thăm Triển lãm ảnh Tây Nguyên xanh Hài Hoà - Bền Vững do Bộ KH&ĐT, Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện

Thứ 3, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, cần lưu ý phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề. "Các đồng chí phải chủ động chứ không ai làm thay được", Thủ tướng đề nghị.

Thứ 4, cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ, tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra.

Thứ 5, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch.

Thứ 6, phát triển văn hoá gắn với du lịch.

Thứ 7, phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững. Muốn vậy phải xuất phát từ bài toán quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Thứ 8, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, ngồn vốn xã hội, hợp tác công tư. Đầu tư công thì kết hợp cả nguồn lực Trung ương và địa phương.

Thứ 9, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Nói phải đi đôi với làm, đã hứa, cam kết thì phải thực hiện

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh xúc tiến đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành với Chính phủ, các địa phương; tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên.

"Các nhà đầu tư đã nói phải làm, đã cam kết, đã hứa thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, cân bằng lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công, cứ 10 ngày phải kiểm tra tiến độ các dự án, dứt khoát ai không làm được thì thay thế, không điều chuyển nguồn sang năm 2023, dành vốn cho các dự án giải ngân tốt.

Hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, vừa chống lạm phát vừa phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, phân loại trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp nào làm tốt, làm đúng thì cần công khai, minh bạch để nhà đầu tư yên tâm; doanh nghiệp nào khó khăn thì có cách hỗ trợ để tiếp tục phát triển, "anh nào làm sai thì phải xử lý để bảo vệ người làm tốt, làm lành mạnh môi trường đầu tư".

Thủ tướng cũng nêu rõ việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, không hoang mang dao động, không lơ là, mất cảnh giác. Trước diễn biến nhanh của tình hình thế giới thì phản ứng chính sách cũng phải nhanh chóng, kịp thời.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng lễ kiến trao thoả thuận hợp tác về phát triển bền vững Vùng Tây Nguyên giữa Bộ KH&ĐT và các đối tác phát triển, trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ của các địa phương trong vùng Tây Nguyên.

TÙNG QUANG – THÀNH KHIÊM 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top