Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Giữ nhịp cồng chiêng, xoang

Thứ Hai 21/11/2022 | 10:30 GMT+7

VHO - Kon Tum vừa tổ chức thành công hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ nhất, năm 2022. Hội thi nhằm góp phần bảo tồn và phát huy “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” - Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân cư các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người Bắc Tây Nguyên đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum, Sở VHTTDL tặng hoa, cờ lưu niệm cho các đoàn nghệ nhân tham gia Hội thi

Với chủ đề “Âm vang đại ngàn”, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ nhất, năm 2022 được diễn ra từ ngày 16-18.11.2022, tại TP  Kon Tum. Hội thi thu hút khoảng 800 nghệ nhân đến từ 30 đội của 10 huyện, thành phố trên toàn tỉnh. Trong đó, có 19 đội đã đạt thành tích xuất sắc tại hội thi cấp huyện. Các nghệ nhân sẽ tham gia trình diễn, thể hiện những loại hình nghệ thuật độc đáo, như: Hát dân ca, tái hiện trích đoạn lễ hội truyền thống, chỉnh chiêng... và đặc biệt là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng. Được dàn dựng hoành tráng và tập luyện công phu, các tiết mục tham gia Hội thi như một “Bản hòa ca giữa đại ngàn” để lại ấn tượng và thỏa lòng mong đợi của người xem và du khách.

Những tiết mục dự thi được các nghệ nhân dàn dựng công phu

Tại Hội thi, đoàn nghệ nhân thôn Đăk Wăk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei mang đến tiết mục hòa tấu Chiêng nứa kết hợp cùng Ting Ning, tái hiện lễ hội "Mừng lúa mới". Đây cũng là phần thi đoạt giải A tại Hội thi. Không giấu được sự phấn khởi nghệ nhân A Tia, đoàn nghệ nhân thôn Đăk Wăk chia sẻ: “Dù xã hội hiện đại đã ra đời nhiều nhạc cụ mới lạ nhưng đối với dân tộc Giẻ - Triêng chúng tôi, các nhạc cụ dân tộc vẫn là hay nhất. Bài hòa tấu này chúng tôi đã kế thừa từ các giai điệu truyền thống và có chút sáng tạo, đổi mới để phù hợp hơn. Tôi cùng các nghệ nhân khác cũng đã tích cực tập luyện để mang đến nhiều tiết mục đặc sắc nhất cho Hội thi lần này, với mong muốn giao lưu, học hỏi là chính”.

Đoàn nghệ nhân làng Chốt, thị trấn Sa Thầy đến mang đến hội thi lần này 4 tiết mục, gồm: biểu diễn cồng chiêng, xoang “Mừng lễ hội”; hòa tấu nhạc cụ truyền thống Nhớ lần đầu gặp nhau; hát dân ca Đánh rơi khăn mặt bên suối và trích đoạn nghi lễ Mừng lúa mới. Phần trình diễn của đội được Ban giám khảo đánh giá cao, và đoạt giải A.

Nghệ nhân A Huynh, đoàn nghệ nhân làng Chốt, thị trấn Sa Thầy tâm sự: “Cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, là diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống và lao động hằng ngày. Để phát huy và bảo tổn văn hóa cồng chiêng dân tộc Gia Rai cư ngụ ở huyện Sa Thầy, đoàn chúng tôi gồm 27 thành viên đã nỗ lực tập luyện để mang đến hội thi những tiết mục đặc trưng của dân tộc Gia Rai. Mong muốn của tôi đến với hội thi lần này, là được giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo của người Gia Rai và học hỏi thêm về nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của các dân tộc khác trong tỉnh”.

Theo Sở VHTTDL Kon Tum, tỉnh Kon Tum có 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ, gồm: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo. Hội thi được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân; là dịp để các thế hệ nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức Hội thi khen thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi, bao gồm: 10 Giải toàn đoàn; 19 giải chương trình; 3 giải chuyên đề cùng 41 giấy chứng nhận khác cho các nghệ nhân có thành tích xuất sắc. 

Hội thi hội tụ đầy đủ các loại hình văn nghệ dân gian, di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết, Hội thi lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô các cấp, đã phải ánh chân thực thực trạng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn tỉnh, trong đó văn hóa cồng chiêng được xem như trụ cột của các loại hình. Mặt đạt được có thể thấy ngay rằng, số lượng bộ cồng chiêng không ngừng được tăng lên, đội nghệ nhân tại các thôn làng liên tục được nhân rộng, hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức thường xuyên tạo môi trường giao lưu học hỏi giữa các nghệ nhân, địa phương… Có thể khẳng định rằng, tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ di sản không gian văn hóa cồng chiêng khi được UNESCO vinh danh.

“Điểm nhấn của Hội thi lần này là sự hội tụ đầy đủ của các loại hình văn nghệ dân gian, di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Lần đầu tiên, người dân Kon Tum cũng như du khách được thưởng thức mãn nhãn, đầy đủ nhất những nét đặc sắc, tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê... Thành công của Hội thi còn khẳng định được vai trò to lớn, nỗ lực của Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân của tỉnh nhà trong việc bảo tồn “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” - Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân cư các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng”, Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum nhấn mạnh.

“Ngay sau khi Hội thi kết thúc, ngành VHTTDL tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai những bước đi mạnh mẽ, vững chắc hơn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Việc làm này cần một chương trình chi tiết, lộ trình rõ ràng và có sự chung tay của các cấp chính quyền, toàn thể nhân dân và nghệ nhân. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chưa bao giờ là dễ dàng, nhanh chóng mà cần sự bền bỉ, đồng lòng của tất cả nghệ nhân - những chủ nhân văn hóa. Sự chủ động, tình yêu, tâm huyết với cội nguồn văn hóa truyền thống chính là ngọn đuốc cho sức sống bền vững của di sản”.

Tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ "Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên"

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo bày tỏ: “Tôi đánh giá rất cao ý tưởng này của tỉnh Kon Tum. Bây giờ chúng ta bảo tồn cồng chiêng trong không gian văn hóa của nó rất khó. Mà nghệ thuật cồng chiêng đã xác định rất rõ là giá trị đỉnh cao của nhân loại. Cách làm của Kon Tum tách nó ra khỏi cộng đồng, đưa nó vào cuộc thi mà thực chất của cuộc thi là liên hoan để khích lệ, khuyến khích tình yêu của lớp trẻ với cồng chiêng Tây Nguyên. Từ ý tưởng này, tôi tin rằng các tỉnh khác cũng sẽ nghiên cứu để học tập”. 

Theo bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, sau gần 20 năm từ khi văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO chính thức công nhận từ 25.11.2005, niềm tự hào về văn hóa cồng chiêng trong mỗi cộng đồng dân tộc khu vực Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng vẫn còn nguyên vẹn và đậm đà bản sắc. Hàng loạt các hoạt động thiết thực của tỉnh nhà, các cấp chính quyền và đặc biệt là sự nhiệt huyết của chính các nghệ nhân đã giúp cồng chiêng xuất hiện trong tất cả các hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, trở thành một “đặc sản” không thể thiếu trong hành trình khám phá, trải nghiệm văn hóa du lịch của tỉnh nhà.

Trong những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng luôn được quan tâm, chú trọng; các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả Đề án “bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum”; cồng chiêng gìn giữ, lưu truyền và sử dụng nhiều trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của bà con DTTS... Đến nay, đã có 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS trên địa bàn tỉnh bảo tồn, lưu giữ; hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức với sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của cộng đồng các DTTS; nhiều bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn... Di sản văn hóa hay nói cụ thể hơn là di sản không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tỉnh Kon Tum đã góp phần tạo nên “sức mạnh mềm”, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

NGỌC HÒA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top