Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Định hướng, quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu

Thứ Hai 21/11/2022 | 15:04 GMT+7

VHO- Tại cuộc họp với Bộ VHTTDL mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất một số nội dung liên quan đến định hướng, quy hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu.

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Bạc Liêu phấn đấu có 1 Khu du lịch quốc gia được công nhận vào năm 2030

Theo đó, thời gian qua, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển đáng kể, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục tăng trưởng, vị thế của du lịch Bạc Liêu từng bước được khẳng định trong khu vực. Ước tính, đến hết năm 2022, tổng thu du lịch toàn tỉnh đạt 3.200 tỉ đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2018, đón tiếp khoảng 3,6 triệu lượt khách, tăng hơn 2 lần so với năm 2018. Bạc Liêu tiếp tục nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tổng thu dịch vụ du lịch và lượng khách du lịch nhiều nhất vùng ĐBSCL. Bạc Liêu đang dần định hình trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL và đang từng bước khẳng định vai trò của 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI đã xác định.

Đồng thời, cụ thể hoá Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 17.12 của BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XV về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nhà hát Cao Văn Lầu ở thành phố Bạc Liêu

Ngành Du lịch Bạc Liêu cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước; xét về quy mô Bạc liêu là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL. Chỉ tiêu đến năm 2025, đón 7 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 10 nghìn tỉ đồng, đóng góp 7% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30 nghìn lao động (12 nghìn lao động trực tiếp), toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, 1 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Chùa Xiêm Cán nổi tiếng ở thành phố Bạc Liêu

Đến năm 2030, Bạc Liêu có ngành Du lịch phát triển bền vững với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp; là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL cả về quy mô và chất lượng. Chỉ tiêu đón 12 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 28 nghìn tỉ đồng, đóng góp 10,9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 50 nghìn lao động (20 nghìn lao động trực tiếp), toàn tỉnh có 20 điểm du lịch, 2 khu vực lịch cấp tỉnh được công nhận, trong đó 1 khu du lịch được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Tại cuộc họp, tỉnh Bạc Liêu cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đề xuất bổ sung vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia đối với Khu du lịch Nhà Mát.

Khu du lịch Nhà Mát

Khu du lịch này thuộc địa phận xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát (Thành phố Bạc Liêu), xã Vĩnh Hậu A (huyện Hoà Bình), khu vực ven biển, cách Trung tâm thành phố Bạc Liêu 6km, có thể tiếp cận bằng đường bộ hoặc đường biển và đường sông thuận tiện.

Quy mô có thể khai thác phát triển du lịch là 19.849ha. Đặc điểm nổi bật về tài nguyên du lịch ở khu này là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển kết hợp các công trình điện gió với các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, thân thiện môi trường; các cơ sở tôn giáo tâm linh nổi tiếng như: Quán âm phật đài, Thiền viện Trúc Lâm, chùa Xiêm Cán; trải nghiệm các giá trị văn hoá cộng đồng bản địa của đồng bào Khmer; trải nghiệm vườn cây ăn trái; trải nghiệm di sản văn hoá vật thể nghề làm muối và chăm sóc sức khoẻ từ muối.

Chùa Ghositaram là công trình tôn giáo mang phong cách kiến trúc người Khmer

Tính chất khu du lịch này là du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch văn hoá cộng đồng dân tộc thiểu số, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn và nông nghiệp công nghệ cao.

Khu du lịch Nhà Mát nếu được đưa vào danh mục các khu vực có tiềm năng trở thành Khu du lịch quốc gia sẽ được xác định ranh giới lập quy hoạch trên địa bàn 4 xã, phường như đã nêu ở trên.

Về hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ du lịch, với vị trí cách thành phố Bạc Liêu khoảng 6km, việc kết nối giữa Khu du lịch Nhà Mát với Trung tâm thành phố Bạc Liêu rất thuận lợi. Khu du lịch này nằm trên trục đường bộ ven biển kết nối từ các tỉnh Trà Vinh- Bến Tre- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau đang được đầu tư. Dự án cao tốc Hà Tiên- Rạch Giá- Bạc Liêu với điểm cuối tại khu vực ven biển thành phố Bạc Liêu đã được đưa vào quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia sẽ có điều kiện phát triển du lịch và kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành phố; đặc biệt là với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, khách quốc tế từ Thái Lan, Campuchia.

Bạc Liêu xây dựng sản phẩm trải nghiệm di sản văn hoá vật thể nghề làm muối và chăm sóc sức khoẻ từ muối

Bạc Liêu cũng đang tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng dịch vụ khu vực Khu du  lịch Nhà Mát như: Dự án xây dựng cầu dẫn bến tàu du lịch Bạc Liêu- Côn Đảo và khu vực cảnh quan nhân tạo trên biển Bạc Liêu; dự án đầu tư tuyến du lịch sinh thái ven biển Bạc Liêu, các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển. Hiện nay tỉnh đã kêu gọi được một số nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã chấp nhận chủ trương đầu tư và đang gấp rút triển khai 3 dự án gồm nhà ở mật độ cao Hiệp Thành- Vĩnh Trạch Đông, nhà ở kết hợp quảng trường Vĩnh Trạch Đông, nhà ở kết hợp công viên cây xanh Vĩnh Trạch Đông…Trong đó, quần thể nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao kết hợp với sân golf quy mô 400ha dự kiến khánh thành và đi vào hoạt động năm 2024.

Định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu

Về phát triển không gian, tuyến du lịch, tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ VHTTDL trong quá trình lập quy hoạch xác định 4 hướng tuyến kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL với Bạc Liêu gồm: Tuyến đã được đầu tư và khai thác hiệu quả (trục trung tâm 1A kết nối qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau); tuyến đang được đầu tư khai thác ( kết nối Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng- Bạc Liêu- Cà Mau); tuyến du lịch đầu tư thời gian tới…

Công trình điện gió đầu tiên của Việt Nam ở Bạc Liêu

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ VHTTDL xem xét trong quá trình lập quy hoạch quan tâm đến việc định hướng phát triển đô thị du lịch thành phố Bạc Liêu. Hiện nay, tỉnh bạc Liêu đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí trở thành đô thị loại 1, đô thị trung tâm của Tiểu vùng bán đảo Cà Mau. Phấn đấu đến năm 2030 đưa thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị du lịch, là trung tâm điều tiết, kết nối, tạo động lực phát triển du lịch của các đô thị thuộc khu vực ĐBSCL. Trong đó, Bạc Liêu đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án liên quan đến phát triển du lịch dịch vụ như: Các khách sạn đạt chuẩn 4-5 sao (hiện trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 4 dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao đã khởi công xây dựng); hệ thống dịch vụ đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các khu vui chơi, giải trí tổng hợp chất lượng cao, đặc biệt là giải trí về đêm, các trung tâm thương mại, siêu thị…

Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch chỉ đạo các đơn vị có liên quan hỗ trợ, tư vấn thành phố Bạc Liêu xây dựng Đề án tổng thể phát triển sản phẩm du lịch để có định hướng đầu tư và kêu gọi đầu tư thời gian tới.

Thành phố Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí trở thành đô thị loại 1

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Đề án phát triển du lịch thành phố Bạc Liêu cần có điểm nhấn về sản phẩm chính. Trên cơ sở những ưu điểm và tiềm năng, sản phẩm du lịch của Bạc Liêu là văn hóa và ẩm thực, từ đó cần xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển hai dòng sản phẩm chính này. Để xây dựng được Đề án, tỉnh cũng cần quan tâm đến quy hoạch phân khu cũng như vùng phát triển của thành phố Bạc Liêu, đưa ra những định hướng phát triển lâu dài, đồng thời có các chuyên gia tư vấn trong quá trình xây dựng Đề án.

Về giải pháp phát triển thành phố Bạc Liêu trở thành trung tâm dịch vụ của vùng ĐBSCL, Tổng cục trưởng cho biết, trong dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam mà Bộ VHTTDL đang xây dựng, nội dung này đã được đưa vào trong phương án phát triển. Để trở thành trung tâm du lịch của vùng, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh điểm nhấn là Khu du lịch Nhà Mát, cần quan tâm phát huy tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa; hoàn thiện hệ thống dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hạ tầng giao thông để thuận tiện liên kết với các địa phương.

Để đưa Khu Du lịch Nhà Mát trở thành Khu Du lịch quốc gia, tỉnh Bạc Liêu cần có quan điểm, quy định phát triển các hoạt động vui chơi giải trí nhưng vẫn bảo tồn được vẻ đẹp thiên nhiên của khu du lịch này. Đồng thời cần có quy hoạch, quy định cụ thể, lấy đó là công cụ đánh giá, kiểm tra, giám sát để phát triển khu du lịch.

NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top