Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đừng để Gia Lai là điểm “tiện đường thì đến” của Tây Nguyên

Thứ Năm 24/11/2022 | 21:13 GMT+7

VHO- Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai 2022 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 24.11 tại Hà Nội nhằm giới thiệu điểm đến Gia Lai, những chương trình du lịch đặc sắc, chất lượng của Gia Lai đến doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, thu hút trao đổi khách 2 chiều.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị

Muốn trải nghiệm mới phải tới Gia Lai

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Gia Lai, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Gia Lai và gần 100 các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Hà Nội và Gia Lai.

Hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Gia Lai được tổ chức nhằm cụ thể hóa chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Gia Lai và Hà Nội với mục tiêu tăng cường khả năng liên kết, khai thác hiệu quả thị phần khách du lịch tiềm năng của thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Gia Lai gặp gỡ, giao lưu với doanh nghiệp Hà Nội.

Với thế mạnh về các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và hệ thống dịch vụ, Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và mong muốn qua Hội nghị, tạo sự gắn kết doanh nghiệp giữa 2 địa phương cũng như thu hút sự liên kết, hợp tác đầu tư từ doanh nghiệp Hà Nội trong việc khai thác các sản phẩm du lịch Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để ngành Du lịch Gia Lai phục hồi sau hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Gần 100 doanh nghiệp du lịch Hà Nội và Gia Lai tham dự Hội nghị

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng: “Hà Nội và Gia Lai đều có thế mạnh, có tiềm năng riêng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương lại có sức hấp dẫn, độc đáo, có thế mạnh riêng về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn lực phát triển. Vì vậy, cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách”.

Ông Hiếu đề nghị: “Để sự liên kết này chặt chẽ và đem lại hiệu quả cao hơn nữa, đề nghị hai cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch hai địa phương; đảm bảo duy trì môi trường du lịch lành mạnh và các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn. Tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch, trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Bên cạnh đó, ông Trần Trung Hiếu cho rằng cần tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc của mỗi địa phương tới thị trường khách du lịch trong và ngoài nước thông qua các phương tiện, các kênh truyền thông của các địa phương, liên kết website. Phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, tích cực tham gia các sự kiện của 2 địa phương, hàng năm phối hợp tổ chức từ 1-2 chương trình, sự kiện du lịch chung.

Đề nghị các Hiệp hội du lịch, các Câu lạc bộ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các địa phương sẽ tiếp tục tích cực đồng hành, hưởng ứng và tích cực trong các hoạt động phát triển du lịch do 2 địa phương triển khai.

Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo

Hai địa phương phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; phối hợp tổ chức đoàn famtrio cho các doanh nghiệp du lịch khảo sát phát triển kết nối tuyến Hà Nội - Gia Lai và các địa phương lân cận.

Những năm gần đây, du lịch Gia Lai đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch Tây Nguyên, thu hút được đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch ưa khám phá. Gia Lai có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ như: Biển Hồ, thác Phú Cường, thác Mơ, thác 50, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng..., Mảnh đất Gia Lai còn là cái nôi của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, di sản được UNESCO công nhận với sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa bản địa người Jrai, Bahnar. Với những lợi thế này, Gia Lai xác định tập trung phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa.

Không chỉ có cảnh quan, văn hóa đa dạng đặc sắc, Gia Lai còn có rất nhiều các di tích văn hóa - lịch sử có giá trị cao: Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo; một số di tích lịch sử: Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ), Làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), Căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong, huyện Kbang)…

Tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang nét đặc trưng của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Pleiku), “Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh), Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); Ngày hội du lịch huyện Kbang (huyện Kbang)…

Năm 2022 tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia Lai ước đạt 950.000 lượt, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, khách nội địa ước đạt 947.500 lượt; tổng thu du lịch ước đạt 600 tỉ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Do vậy hoạt động xúc tiến du lịch vào thời điểm này sẽ góp phần giúp ngành Du lịch Gia Lai phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch.

Mùa hoa dã quỳ thu hút khách du lịch tới Gia Lai

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch  Hà Văn Siêu khẳng định, Hà Nội và Gia Lai là 2 điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. Việc 2 địa phương bắt tay nhau liên kết hợp tác để phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới là cơ hội để phục hồi ngành du lịch 2 địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, trong quá trình xây dựng, triển khai mối liên kết đòi hỏi 2 địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thay đổi của du khách. Điều này đòi hỏi các địa phương và doanh nghiệp cùng vào cuộc, phải làm nổi bật được thế mạnh của Gia Lai và cho du khách thấy, nếu muốn trải nghiệm mới phải tới Gia Lai.

Gia Lai phải trở thành điểm đến chính của Tây Nguyên

Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai cho biết: “Tại hội nghị này, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, ý tưởng để hình thành các tour tuyến mới; tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp; tăng cường trao đổi khách; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giới thiệu dịch vụ đảm bảo chất lượng với mức giá hợp lý”.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta tư duy lại về cách thức, phương thức làm du lịch để đảm bảo ngành kinh tế này phát triển hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho cộng đồng, doanh nghiệp.

Suối đá núi lửa Ia Ruai (ở làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) có từ hàng trăm triệu năm nay, vô cùng độc đáo

Hiện nay, điểm đến Gia Lai được đánh giá là rất mới nhưng việc quảng bá xúc tiến du lịch Gia Lai tới thị trường Hà Nội và các thị trường khác còn có nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO Vietsense Travel cho rằng công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Gia Lai đang rất thiếu. Muốn tìm kiếm thông tin về du lịch Gia Lai rất khó và không có nhiều thông tin cập nhật. Ông Tài ví dụ, suối đá núi lửa Ia Ruai (ở làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) với vẻ đẹp hoang sơ, vô cùng độc đáo, hiếm có nhưng đến cả những người làm du lịch chuyên nghiệp Hà Nội cũng chưa biết, chưa tới. Và một nơi có khả năng để tạo ra những sản phẩm đặc trưng riêng biệt như thế cũng chưa được Gia Lai khai thác.

Với những điều kiện như có đường bay thẳng Pleiku- Hà Nội, thiên nhiên hoang sơ, độc đáo, văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là không gian cồng chiêng Tây Nguyên.... Gia Lai hoàn toàn có khả năng trở thành một điểm đến chính của Tây Nguyên chứ không phải là "nơi tiện đường thì đến" của Tây Nguyên

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp du lịch ở Gia Lai đã giới thiệu những dịch vụ, sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng mới của du khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Hà Nội cũng có những đóng góp hết sức thẳng thắn về sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến thị trường, định hướng phát triển, chính sách thu hút nhà đầu tư du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch....

Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đánh giá, tài nguyên du lịch của Gia Lai có nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được phát huy xứng tầm. Tuy nhiên, Gia Lai cũng đang đi những bước phát triển vững chắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, giữ rừng và văn hóa truyền thống, chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn phát triển mới chứ không phát triển nóng vội. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tiếp thu những ý kiến đóng góp tại Hội nghị của các đại biểu và cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hợp tác, phát triển du lịch Gia Lai.

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có 139 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 32 khách sạn 1 sao, 91 khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách cùng với 2 công ty lữ hành quốc tế và 7 công ty lữ hành nội địa.

HOÀNG CÚC; ảnh: HỒ Ý

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top