Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022

Thứ Hai 28/11/2022 | 08:10 GMT+7

VHO - Tối qua 27.11, tại Quảng trường Hùng Vương, tỉnh Bạc Liêu long trọng khai mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 với chủ đề “Bạc Liêu kết nối tinh hoa di sản và khát vọng phát triển”. Hàng ngàn người dân đã nô nức đến dự, háo hức thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc ngày hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các biểu Trung ương và các tỉnh tham dự lễ khai mạc

Dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp. Về phía tỉnh Bạc Liêu, dự lễ khai mạc có ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Ngày hội với nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, là hoạt động thiết thực thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cách đây tròn một năm; hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị các di sản văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo thêm cơ sở và động lực để phát triển KT-XH bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai mạc

Theo Phó Thủ tướng, “Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh, quê hương ra đời bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bản nhạc lòng “bất hủ” đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam ta, mà còn là trách nhiệm của chúng ta cùng góp phần gìn giữ sự đa dạng biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa của thế giới. Đây cũng là minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy văn minh nhân loại và tạo điều kiện thuận lợi thêm để bạn bè quốc tế hiểu hơn về một vùng đất không chỉ anh dũng, kiên cường, bất khuất mà cũng rất đỗi hiền hòa, yêu cái đẹp và sâu nặng nghĩa tỉnh”.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tặng hoa Phó Thủ tướng

Ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, một phần tư thế kỷ, Bạc Liêu đã dám nghĩ, dám làm, khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, duy trì mức tăng trưởng khá so với khu vực ĐBSCL, nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số và nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực. Đặc biệt Bạc Liêu đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để thúc đẩy phát triển KT-XH; tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiết mục Hào khí Việt Nam - Âm sắc Bạc Liêu mở màn chương trình khai mạc

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bạc Liêu cần tiếp tục giữ gìn, phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài để tập trung 5 trụ cột phát triển KT-XH mà Đảng bộ tỉnh đã xác định, trong đó đặc biệt lưu ý các yếu tố phát triển bền vững trong tất cả các khâu, trong từng giai đoạn… Bên cạnh đó, thúc đẩy các sáng kiến, chương trình, dự án liên kết vùng, trước hết là hợp tác với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL để cùng nhau mở cửa kinh tế, thực hiện các dự án đầu tư chung về cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế toàn vùng như Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Rạch Giá - Hà Tiên -  Bạc Liêu, đường bộ hành lang ven biển, đường Nam Sông Hậu, Quản lộ Phụng Hiệp… 

“Giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; xác định động lực và nguồn lực cho phát triển trong giai đoạn mới là con người, là khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đất nước; khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và y tế, hoàn thiện mạng lưới an sinh và các chính sách bảo trợ xã hội, thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế; bảo vệ môi trường tự nhiên và kiến tạo môi trường sống tốt; góp phần cụ thể hóa quan điểm và mục tiêu về khát vọng phát triển đất nước “phồn vinh, hạnh phúc””, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trình diễn Dân ca Quan họ

Sau các phát biểu của lãnh đạo Trung ương và tỉnh Bạc Liêu, lễ khai mạc tiếp nối bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc với 3 chương: “Bạc Liêu - cái nôi gìn giữ nghệ thuật ĐCTT” - nhằm tái hiện hành trình ra đời và phát triển bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Chương 2 “Tình đất, tình người Bạc Liêu”- tập trung phản ánh con đường phát triển theo hướng “xanh hóa” của Bạc Liêu, trong đó, năng lượng tái tạo là một trong năm trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh. “Bạc Liêu khát vọng hội nhập và phát triển” - chương cuối tập trung quảng bá Bạc Liêu không chỉ có một nền di sản lấp lánh, một nền tảng phát triển xanh - sạch - đẹp mà còn là điểm đến hấp dẫn bởi con người nơi đây chất phát, hiền lành, thân thiện, hiếu khách, cầu tiến và lạc quan.

Các nghệ sĩ mời trầu đại biểu

Chương trình nghệ thuật có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, vũ đoàn đến từ TP.HCM, các đơn vị nghệ thuật thuộc tỉnh Bạc Liêu, Bắc Ninh, Phú Yên và Gia Lai. Các tiết mục diễn ra đầy màu sắc, thể hiện sự đa dạng văn hóa của vùng đất và con người Bạc Liêu, đặc biệt là phần trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền, thể hiện sự hội tụ tinh hoa văn hóa cả nước tại vùng đất phương Nam. 

Tiết mục tái hiện không gian văn hóa Cồng chiêng của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai)

Lễ khai mạc được kết thúc bằng chương trình bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài gần 20 phút. Đông đảo người dân có mặt tại lễ khai mạc đã thực sự mãn nhãn với những màn pháo hoa làm rực rỡ cả bầu trời đêm của TP Bạc Liêu.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 được tổ chức từ ngày 27-29.11, với tổng cộng 14 hoạt động. Ngày hội có sự góp mặt của hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 25 tỉnh, thành phố trên cả nước, dự kiến sẽ thu hút hơn 20.000 lượt du khách tham quan. Ngày hội cũng là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2022.

Đông đảo người dân xem chương trình khai mạc ngày hội

Thông qua các hoạt động của Ngày hội Văn hóa - Du lịch lần này, Bạc Liêu mong muốn giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, tăng cường kết nối tua, tuyến, thu hút du khách. Đồng thời, đây còn là cơ hội để tỉnh Bạc Liêu kết nối với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư - thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.  

Chương trình bắn pháo hoa kéo dài 20 phút tại Quảng trường Hùng Vương

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch, trong đó, vừa tôn vinh giá trị bản Dạ cổ hoài lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác cách đây hơn 100 năm, vừa bảo tồn và lan tỏa Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Điểm nổi bật của Ngày hội là sự góp mặt của nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, di sản được UNESCO ghi danh, như: Ca Trù; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Dân ca Quan họ; Hát Chèo; các loại hình nghệ thuật của đồng bào người Khmer, người Hoa, tất cả hòa điệu cùng với Đờn ca tài tử Nam Bộ đồng biểu diễn, để Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2022 thực sự trở thành nơi hội tụ tinh hoa của các miền di sản đại diện các vùng, miền trên cả nước. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top