Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Từ ngày 3.1-15.3.2023, lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ Ba 13/12/2022 | 16:00 GMT+7

VHO – Với 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, việc lấy ý kiến sẽ được tiến hành từ ngày 3.1 đến hết ngày 15.3.2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chiều 13.12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 18, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định đây là công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo ý kiến của Ủy ban Kinh tế về việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận làm rõ sự cần thiết phải lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến Nhân dân; việc phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Đặc biệt là đơn vị làm đầu mối trong tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quy trình lập pháp tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về lấy ý kiến các đối tượng tác động. Thực tế chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai…mới tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Do đó cần làm rõ việc lấy ý kiến Nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, tinh thần là “mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm” thì nội hàm “Nhân dân” trong lấy ý kiến Nhân dân được xác định như thế nào? là những ai? Có phải gồm người dân và doanh nghiệp… Đây là nội dung cần được làm rõ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Vấn đề khác là cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng nếu như chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thì người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được. Nhấn mạnh yêu cầu của việc lấy ý kiến Nhân dân phải thực chất, thiết thực, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội gợi ý cần làm rõ xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề trong quá trình lấy ý kiến này thì vai trò của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo như thế nào? Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội xác định như thế nào…Theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về mà các cơ quan của Quốc hội cũng cần có sự chủ động tham gia cùng với đó phát huy vai trò giám sát.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian ngắn, cần nghiên cứu kế thừa kinh nghiệm hoạt động lập pháp trước đây, trong đó có việc lấy ý kiến Nhân dân để tổ chức hợp lý để tránh hình thức, phát huy vai trò các cơ quan, xác định rõ đầu mối tổng hợp, tiếp thu.

Bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bởi tính chất quan trọng của dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng cũng là mục tiêu hướng đến là kết quả của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Do đó, nội dung này cần phải được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, bên cạnh quy định về mục đích lấy ý kiến, yêu cầu lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến, nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến, trách nhiệm tổ chức để lấy ý kiến cần bổ sung thêm một điều về kết quả lấy ý kiến theo hướng kết quả lấy ý kiến vừa gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, tức là gửi về Chính phủ để tổng hợp báo cáo, đồng thời phải gửi về Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội chủ động nắm và xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự án dự thảo Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến Nhân dân cần làm rõ và cụ thể các mục đích. Trong đó, điều đầu tiên là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân cũng như huy động trí tuệ của Nhân dân để tham gia đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai trình Quốc hội xem xét thông qua, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi, luật sau khi được ban hành thì đi vào cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Hai là, phải xác định là việc lấy ý kiến Nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về ý chí, hành động và sự đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ những nội dung chính sách lớn của dự thảo Luật, Nhân dân có đồng thuận thì sau này quá trình chấp hành mới chủ động, mới tích cực và luật mới đi vào cuộc sống được. Đồng thuận của Nhân dân, ngoài những nội dung chung còn nội dung là quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất là những vấn đề Nhân dân rất quan tâm.

Ba là, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và Nhân dân về quản lý, sử dụng đất đai đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, vận động Nhân dân tích cực chấp hành và tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh thì cho rằng cần xem xét trong quá trình từ khi bắt đầu xây dựng Luật đến nay đã lấy ý kiến được của những đối tượng nào rõ rồi thì cần ưu tiên đối tượng chưa có điều kiện lấy ý kiến và ở đây là đông đảo người dân, là các tổ chức có sản xuất, kinh doanh liên quan tới đất đai như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, việc xác định rõ đối tượng trọng điểm mới nhắm được đến cách tổ chức thực hiện, nếu cứ quy định chung sẽ rất khó xác định.

Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ với mỗi nhóm đối tượng cần xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và có gợi ý. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn chứng Tòa án, Viện kiểm sát thì tập trung vào những vấn đề liên quan đến tranh chấp, liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v., Thanh tra Chính phủ cũng vậy. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị tập trung chọn những vấn đề trọng tâm và theo từng loại đối tượng có như vậy mới bảo đảm góp ý sẽ sâu sắc hơn.

Để bảo đảm cho việc lấy ý kiến Nhân dân thiết thực, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng cần phải rõ, cụ thể những nội dung, nhóm vấn đề lấy ý kiến phù hợp với đối tượng, địa bàn; đồng thời, hình thức, cách trình bày, cách thể hiện phải bảo đảm rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, linh hoạt và phù hợp với bối cảnh, đối tượng. Đồng thời việc tiếp nhận ý kiến góp ý cũng phải có rất nhiều kênh để bảo đảm trung thực, khách quan và phải có cơ chế phản hồi minh bạch.

Cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, xác định nhóm đối tượng lấy ý kiến phải bảo đảm bao phủ hết. Một là hộ gia đình và cá nhân. Hai là doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Ba là các chuyên gia, các nhà khoa học. Bốn là các cơ quan nhà nước bao gồm cơ quan Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, cơ quan của Tòa án, Viện kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và cơ quan thông tấn báo chí, kiều bào ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đưa vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đối với từng nhóm đối tượng; nội dung và hình thức cho từng nhóm đối tượng; trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, tổng hợp báo cáo và phản hồi ý kiến theo từng kênh. Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng như đối với chuyên gia, nhà khoa học không thể lấy ý kiến như hộ gia đình, cá nhân mà phải tọa đàm, hội thảo khoa học, tham gia bằng văn bản. Các cơ quan nhà nước phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình để lấy ý kiến của đối tượng là cán bộ, công nhân viên trong cơ quan đó. Kênh báo chí cũng tương tự và phải giao cho cơ quan đầu mối thực hiện.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của luật khi áp dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết với các nội dung như sau: Bổ sung thêm yêu cầu đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan và công khai, minh bạch, tránh triển khai mang hình thức trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân; đảm bảo việc phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị các cấp.

Chính phủ rà soát các đối tượng lấy ý kiến và thể hiện phù hợp trong Nghị quyết để đảm bảo bao quát đầy đủ các đối tượng cần xin ý kiến; bổ sung những vấn đề cốt lõi nhất để đảm bảo sự thống nhất; phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đầu mối lấy ý kiến đối với các nhóm đối tượng cụ thể theo từng ngành, theo từng lĩnh vực. Đối với từng lĩnh vực cũng cần theo các nội dung trọng tâm và các vấn đề thiết thực đối với từng đối tượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo luật và các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân được dư luận xã hội quan tâm. Đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến Nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp, những nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau.

THANH HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top