Còn nhiều hạn chế trong chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới

VHO- Hôm qua 15.12, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG).

Còn nhiều hạn chế trong chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới - Anh 1

 Tổng kết 15 năm Luật Bình đẳng giới

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh: Hội LHPN Việt Nam có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình, trẻ em và BĐG. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế mà lớn nhất là việc thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa đạt kết quả cao. Sự tham gia của Hội gần như chỉ được thực hiện ở giai đoạn đã có dự thảo văn bản, nên việc tiếp thu ý kiến của Hội không đạt hiệu quả cao. Công tác nghiên cứu phục vụ cho nhiệm vụ phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn những văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến BĐG nhưng Hội không được tham gia…

Theo bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới và pháp luật liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về BĐG, xây dựng hệ thống tiêu chí, quy trình chuẩn để hướng dẫn thực hiện hoạt động lồng ghép giới. Hiện nay, giữa Luật Ban hành VBQPPL và Luật BĐG còn có những điểm chưa thật thống nhất về vấn đề lồng ghép giới như: Luật BĐG quy định các cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL đều phải có trách nhiệm lồng ghép giới, xây dựng báo cáo lồng ghép giới và Ủy ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới có trách nhiệm tham gia để thẩm tra lồng ghép giới. Tuy nhiên, Luật ban hành VBQPPL quy định Ủy ban Xã hội chỉ tham gia thẩm tra khi dự án, dự thảo có nội dung liên quan đến BĐG. Đây là quy định không rõ ràng, dễ dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, cần quy định rõ Ủy ban Xã hội có trách nhiệm về BĐG trong tất cả các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết… Cũng như quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định vấn đề giới (có hay không) và quy trình xác định vấn đề giới…

5 TIÊU CHÍ CỦA BỘ TIÊU CHÍ ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH
1. Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ
2. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình

3. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.

4. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.

5. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.


BÙI XUÂN

Còn nhiều hạn chế trong chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới - Anh 2

 

 

Ý kiến bạn đọc