Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới

Thứ Hai 19/12/2022 | 13:10 GMT+7

VHO- Ngày 19.12 tại Hà Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.

Dự Hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, đại diện một số ban, bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, Liên hiệp các Hội VHNT, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cho biết tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X sắp tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Việc Bộ Chính trị dành riêng một Nghị quyết rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển VHNT trước yêu cầu mới thể hiện sự mạnh mẽ trong đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với “lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế” của nền văn hoá nước nhà.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Đảng ta xác định nhiệm vụ của VHNT thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế là phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu tạo nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, đáp ứng nhu cầu văn hoá – tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội. Trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ…”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Đánh giá tình hình phát triển VHNT trong 15 năm qua, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết thêm, VHNT nước ta đã đạt được nhiều kết quả và bài học to lớn. VHNT tiếp tục nắm bắt được mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Nhân tố mới được phát hiện, tham gia vào cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội…

Ngoài những gì đã làm được, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ trong thời gian tới, VHNT Việt Nam cần nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các công trình VHNT trọng điểm, cần thiết; việc nâng cấp, cải tạo, xây mới, quản lý các nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm VHNT cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, phải khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận, phê bình vì lợi ích chung của sự phát triển VHNT. Đồng thời, sớm xây dựng cơ chế quản lý và ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá sản phẩm VHNT có tư tưởng nghệ thuật thấp, ảnh hưởng xấu đến xã hội; xây dựng các bộ luật hay văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mọi hoạt động của VHNT…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu đề dẫn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người. VHNT là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo phát triển lĩnh vực VHNT. Bước vào thế kỷ XXI, khi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, nền VHNT dân tộc đứng trước những thời cơ, vận hội lớn. Đồng thời phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Trước đòi hỏi của thực tiễn, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, ngày 16.6.2008, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển nền VHNT nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực VHNT đã đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực, ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật; tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc. Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy. Công tác lý luận, phê bình VHNT đã có nỗ lực đáng ghi nhận, từng bước khắc phục những hạn chế kéo dài; cố gắng bám sát thực tiễn, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; kịp thời phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có bước phát triển mới, theo hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở cơ sở…

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý công tác lý luận, phê bình VHNT còn không ít hạn chế. Di sản lý luận văn nghệ của cha ông chưa được nghiên cứu đầy đủ, thấu đáo; có hiện tượng tiếp thu thiếu chọn lọc, nóng vội đối với một số lý thuyết văn nghệ nước ngoài. Hoạt động phê bình mặc dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa khẳng định được vai trò đồng hành, đồng cảm, thật sự góp phần kịp thời điều chỉnh, định hướng đối với sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình còn thưa vắng ở hầu khắp các loại hình nghệ thuật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lý luận, phê bình còn nhiều bất cập. Hoạt động giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa VHNT nhân loại, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới chưa có chiến lược bài bản, còn có biểu hiện tự phát, manh mún, thiếu hiệu quả.

Do đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo; bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực VHNT. Tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn. Huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị VHNT. Cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế sau 15 năm thực hiện Nghị quyết trong các lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình VHNT; công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; công tác củng cố, đổi mới hoạt động của các hội VHNT; công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về VHNT; công tác xây dựng và phát triển VHNT quần chúng… ở các ngành, hội, đơn vị trung ương và địa phương. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị phương hướng, giải pháp, những bài học kinh nghiệm để tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW.

ĐÌNH TOÁN 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top