Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Sự cần thiết và không ngoại lệ

Thứ Hai 26/12/2022 | 10:30 GMT+7

VHO-  Có thể nói, việc Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTTDL xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính còn có hình thức xử phạt “bổ sung” như cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là “phong sát” là rất trúng, đúng. Người nghệ sĩ, kể cả những người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ thì cũng như tất cả các công dân khác đều bình đẳng trước pháp luật, có lỗi hay có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xem xét xử lý theo quy định.

Ngay cả những lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, người nghệ sĩ cũng phải hiểu rằng mình không có “chế độ” nào để có quyền vi phạm, có quyền trèo lên vượt trước người khác...

Thời gian qua, nhiều người dân bức xúc khi hình ảnh nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trong những clip quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt liên quan đến vấn đề sức khoẻ

Ngay cả những vị thần trên đỉnh Olympus, tưởng như họ là những biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực và trí tuệ, nhưng không phải là không có lúc có lỗi. Tôi cho rằng, tất cả mọi người, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng... trong cuộc đời không ai là không có những lỗi lầm. Và dĩ nhiên, khi vi phạm thì người nổi tiếng, nghệ sĩ hay người dân bình thường đều phải xét xử như nhau. Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có những chế tài để xử lý những vi phạm đối với nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật như bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng... Kèm theo đó, người có hành vi vi phạm còn bị sự quay lưng từ khán giả, công chúng và ngay cả những fan hâm mộ họ. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử rằng, cần phải tăng mức xử phạt, tăng các mức chế tài để tạo sức răn đe với người nổi tiếng, thậm chí nghệ sĩ, KOL (người ảnh hưởng trên mạng). Theo đó, các nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai phạm trên mạng, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn.

Thời gian gần đây, có nhiều lùm xùm trong phát ngôn, ứng xử và hoạt động của giới nghệ sĩ, giải trí Việt, cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Chửi tục, công kích, bôi nhọ nhau, rồi phát tán tin giả, phát ngôn chia rẽ, gây hận thù…, tất cả những hành vi này đã làm mất đi hình ảnh người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực là mục đích hướng đến trong Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ VHTTDL ban hành, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội xác định cụ thể hơn về chuẩn mực và trách nhiệm của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Thực tế, đa phần những người làm nghệ thuật nói chung và nghệ sĩ nói riêng đều hiểu vai trò, trách nhiệm của mình và đang hằng ngày cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật nước nhà, giúp người dân hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Bộ Quy tắc ứng xử trên thực tế không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là để xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Xét cho cùng, nếu những người mang danh làm nghệ thuật không xứng đáng với những giá trị chân - thiện - mỹ thì cũng sẽ bị công chúng loại bỏ. Vì vậy bên cạnh những văn bản xác định những chuẩn mực ứng xử… thì cũng rất cần có thêm văn bản pháp quy để xử lý khi họ mắc phải vi phạm. Công bằng trước pháp luật là ở điểm này.

Trong mỗi con người ai cũng có phần “phi nhân”, còn gọi là phần con, tạo nên sự tham lam, sự tranh giành, lối sống ích kỷ và thiên về thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. Người Trung Quốc có câu “Thành tài nhưng chưa thành nhân”, có thể anh đã trở thành người lớn, trưởng thành nhưng trong con người anh vẫn chưa thật hoàn chỉnh, vẫn có những lỗi trong đối nhân xử thế với xã hội, với gia đình... Pháp luật thượng tôn, ai cũng sẽ chịu sự trừng phạt và phán xét nếu mắc lỗi. Nghệ sĩ không nên đặt mình ở địa vị hơn người khác và cho rằng mình có quyền mắc lỗi còn người khác thì không, và đừng nghĩ rằng anh nổi tiếng thì xã hội, dư luận sẽ tha bổng... Đừng bao giờ nghĩ mình là những vị thần ở trên đỉnh Olympus mà hãy đặt mình vào vị trí của một công dân bình thường. 

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top