Độc đáo không gian tượng gỗ Tây Nguyên

VHO- Hơn 100 tác phẩm tượng gỗ độc đáo tái hiện đời sống văn hóa, sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng các dân tộc định cư tại Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng đã gây ấn tượng đối với công chúng tham gia thưởng lãm tại không gian này.

Độc đáo không gian tượng gỗ Tây Nguyên - Anh 1

 Hơn 100 tác phẩm tượng gỗ được trưng bày tại đây

Bảo tàng Lâm Đồng vừa phối hợp cùng một số bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên tổ chức đợt triển lãm với chủ đề “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên” tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Đây là một trong các hoạt động hưởng ứng, chào mừng Festival Hoa Đà Lạt năm 2022. Ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến với triển lãm “Không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên”, khách tham quan không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp các loài hoa đặc trưng, tiêu biểu của Đà Lạt mà còn cảm nhận vẻ đẹp hồn nhiên, phóng khoáng của con người Tây Nguyên, được thể hiện sinh động, chân thực giàu cảm xúc qua những bức tượng gỗ. Triển lãm không chỉ là hoạt động hưởng ứng, chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ XI năm 2022 mà còn nhằm mục đích giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Triển lãm hy vọng sẽ mang lại những trải nghiệm quý báu, cảm xúc ấn tượng khó quên cho du khách trong và ngoài nước khi đến chiêm ngưỡng”.

Tại không gian triển lãm, Ban tổ chức đã giới thiệu đến công chúng trên 1.000 chậu hoa, gồm các loài hoa đặc trưng tiêu biểu của Đà Lạt và trên 100 tượng gỗ được tuyển chọn từ các nhà điêu khắc, các nghệ nhân đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Triển lãm không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên mang tính nghệ thuật sắp đặt, được bố trí trong không gian đồi thông thơ mộng, trữ tình. Với những màu sắc rực rỡ, mền mại của hoa sẽ tôn những đường nét rắn rỏi, mộc mạc của tượng gỗ và ngược lại chất thô ráp, mộc mạc của tượng gỗ làm tăng thêm vẻ đẹp hấp dẫn, quý phái của các loài hoa. Với trên 100 tượng gỗ Tây Nguyên, được phân thành các nhóm: Nhóm tượng nghệ thuật, nhóm tượng dân gian, nhóm tượng mang yếu tố tâm linh dùng trong các nghi lễ: Mừng lúa mới, nghi lễ vong đời, lễ bỏ mả… Các tượng gỗ là những tác phẩm nghệ thuật do các nhà điêu khắc, các nghệ nhân các dân tộc ít người Tây Nguyên sáng tác, bằng thân cây gỗ tự nhiên cùng với các dụng cụ thô sơ như dao, rìu, xà gạt… Nghệ nhân đã lồng cảm xúc, “thổi hồn” vào để tạo nên bức tượng chân phương, mộc mạc nhưng không kém phần sinh động, hấp dẫn; các bức tượng nghệ thuật thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, luôn tin tưởng và hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu… Các bức tượng dân gian thường mô tả cảnh lao động sản xuất như: Chàng trai, cô gái lên nương; phát rẫy, đàn ông cầm xà gạt, cô gái mang gùi, phụ nữ xúc cá, thiếu nữ giã gạo; Ngoài ra, các bức tượng còn thể hiện những tình cảm gắn bó gia đình, cộng đồng và hình ảnh sinh hoạt đời sống thường ngày của bà con các dân tộc thiểu số như: Tình mẫu tử, tình cảm vợ chồng, chị bồng em, thiếu nữ mời rượu, chàng trai suy tư và những con vật gần gũi, thân thương như: Trẻ chăn trâu, con chó giữ nhà, con gà trống, chim công… đặc biệt có những tượng dân gian dùng trang trí nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng, như: Cổng, cầu thang nhà rông, cột nhà rông hình quả bầu, các họa tiết hoa văn sinh động và các tượng phản ánh đời sống tinh thần khá phong phú, đa dạng như: Lễ hội mừng lúa mới; biểu diễn cồng chiêng, già làng đánh trống, chàng trai thổi khèn bầu.

THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc