Ca trù từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

VHO- Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba - năm 2022 vừa diễn ra cuối tuần qua tại Bảo tàng Hà Nội, thu hút 140 nghệ nhân, ca nương, kép đàn, đào hát… cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa tại các địa phương, công chúng yêu mến loại hình di sản Ca trù. Liên hoan là dịp nhìn lại thành quả phục hưng Ca trù tại Hà Nội, góp phần vào kết quả thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Ca trù trong đời sống đương đại .

Ca trù từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp - Anh 1

 Liên hoan Ca trù Hà Nội lần 3

 Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VHTT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, lần thứ ba được tổ chức, Liên hoan Ca trù Hà Nội tiếp tục bám sát tình hình, thực trạng hoạt động của các CLB, nhóm nghệ thuật Ca trù trên địa bàn thành phố, nhằm tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng tiếp bước các thế hệ gìn giữ và phát huy giá trị di sản Ca trù trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Nhiều nhân tố mới

Bà Phạm Thị Lan Anh cho biết, tham gia liên hoan có 12 nhóm, CLB Ca trù trên địa bàn Hà Nội, với 92 thành viên có độ tuổi từ 5 đến 83. Cùng với đó là 48 thí sinh hoạt động tự do đăng ký tham dự. Liên hoan năm nay tiếp tục có sự phân loại thí sinh theo độ tuổi để có mức đánh giá công bằng nhất. Lan tỏa giá trị di sản trong đời sống cộng đồng, Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ 3 diễn ra ngay sau lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2022 do Hà Nội tổ chức.

“Trong 66 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng và truy tặng, nghệ thuật trình diễn dân gian Ca trù có 9 nghệ nhân được phong tặng với 3 Nghệ nhân Nhân dân, 6 Nghệ nhân Ưu tú. Đây là kết quả cho thấy Ca trù trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng mừng, đã dần từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù”, bà Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh. Đáng chú ý là có nhiều nhân tố mới xuất hiện tại Liên hoan. Trong số 12 nhóm, Câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn Hà Nội, có các nhóm mới như: Nhóm Ca trù Đại học FPT, nhóm Triều Xương và một số thí sinh tự do. Đáng chú ý, nhóm Ca trù Đại học FPT được hình thành trên cơ sở phát hiện các nhân tố tiềm năng trong quá trình đưa Ca trù vào giảng dạy ở môn học nghệ thuật truyền thống. Giảng viên giảng dạy chính là các nghệ nhân Ca trù tại Hà Nội.

Rất nhiều câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật Ca trù cũng mang đến những gương mặt mới, cho thấy thành quả của quá trình gìn giữ, trao truyền di sản ở địa phương; trong đó có không ít ca nương nhí đã chuẩn chỉ trong lối hát, gieo phách chắc, tay róc phách đẹp. Nhiều thí sinh tuy mới được tiếp cận với ca trù trong thời gian ngắn đã thể hiện tốt các thể cách cơ bản. Đặc biệt, kỳ liên hoan lần này cũng xuất hiện thêm những kép đàn và quan viên mới, phản ánh sức sống của loại hình di sản này trên địa bàn Hà Nội.

Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, Ca trù của Việt Nam đã có sự trở lại mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, liên hoan là dịp nhìn lại thành quả “phục hưng” Ca trù tại Hà Nội, góp phần vào kết quả thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Ca trù trong đời sống đương đại. Kết quả liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản Ca trù từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Hà Nội được coi là một trong những cái nôi ca trù lớn nhất cả nước. Năm 2009, Hà Nội chỉ có một vài giáo phường, hoạt động cầm chừng thì nay đã có gần 20 nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy, trong đó có 8 Nghệ nhân Nhân dân, 24 Nghệ nhân Ưu tú… cùng hàng trăm người theo học, góp phần quan trọng vào việc đưa Ca trù Hà Nội ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp cũng như nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù.

Ca trù từng bước ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp - Anh 2

 Các nghệ nhân tham gia Liên hoan Ca trù

Lan tỏa tình yêu di sản

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng cho rằng, để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật ca trù, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản thì cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn... Đặc biệt là công tác truyền dạy, cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào để bảo đảm về chất lượng.

Tại Liên hoan, công chúng yêu di sản cảm nhận rõ nét tình yêu và khát vọng lan tỏa giá trị của di sản Ca trù trong đời sống cộng đồng. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngoan (Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn, Phú Xuyên) cho biết, mấy năm nay, các hoạt động giao lưu, trình diễn bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nghệ nhân rất nhớ nghề, nhớ sân khấu. Liên hoan lần này là cơ hội để các nghệ nhân và lớp học trò thể hiện tài năng; các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong truyền dạy. “Những CLB, nhóm nghệ thuật ở xa trung tâm thành phố như CLB Ca trù Chanh Thôn thường rất khao khát có cơ hội gặp gỡ, trình diễn. Qua đó, các nghệ nhân vừa được giao lưu, vừa nhận thấy những hạn chế hay tiến bộ để khắc phục, phát huy...”, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ. Vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Ngô Văn Đảm (phố Nhân Chính, phường Quan Nhân, quận Thanh Xuân) bày tỏ niềm vui khi thành phố liên tục quan tâm đến bảo tồn, phát huy di sản Ca trù. Theo nghệ nhân Ngô Văn Đảm, với loại hình độc đáo này, nếu không gắng sức bảo tồn và phát huy thì rất dễ mai một, trong đó việc truyền dạy cho lớp trẻ, lan tỏa trong cộng đồng rất quan trọng. Biết đến ca trù từ năm 8 tuổi, gắn bó với những thăng trầm của di sản, nghệ nhân Ngô Văn Đảm cũng là người tích cực truyền dạy ca trù cho rất nhiều người, nhiều thế hệ thông qua các lớp học truyền nghề.

Ca nương Nguyễn Thị Chí, sinh năm 1957, đến từ CLB Ca trù Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều sân chơi ý nghĩa để loại hình di sản cha truyền con nối này được nhân rộng, lan tỏa. Bà Chí cho biết, mấy chục năm gắn bó với di sản, điều mong mỏi ở các nghệ nhân như bà không chỉ là những danh hiệu, giải thưởng mà chính là sức sống và sự vang xa của những giai điệu vô cùng đặc sắc mà ông cha để lại. Ca nương Nguyễn Mai Phương (13 tuổi, CLB Ca trù Thượng Mỗ, Đan Phượng) chia sẻ, đã có 2 năm tham gia lớp truyền dạy Ca trù của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam, chủ nhiệm CLB. Đều đặn mỗi tuần một buổi, con được học sử dụng phách và hát các thể cách cơ bản. “Với con, khó nhất là ghép phách với đàn, sao cho tiếng phách giòn, đều, đúng nhịp, sau nữa là làm sao giữ được hơi tốt khi hát, tiếng tròn đủ độ ngân, vang…”, ca nương nhí chia sẻ.

Trưởng phòng Quản lý Di sản Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh, Liên hoan Ca trù Hà Nội 2022 mong muốn tìm kiếm các đào nương, kép đàn, trống chầu tài năng, tiếp bước các thế hệ cha ông duy trì, bảo vệ và phát huy giá trị Ca trù Hà Nội. Ngành Văn hóa Hà Nội mong muốn các năm sau sẽ tổ chức Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố khác để các nhóm, CLB Ca trù có điều kiện giao lưu, gặp gỡ các nghệ nhân khác trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Ca trù trong đời sống. 

 Để bảo tồn, phát huy, tạo sức sống bền vững cho nghệ thuật Ca trù, bên cạnh nỗ lực của các cộng đồng nắm giữ di sản thì cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc tạo nguồn kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức truyền dạy, phát triển không gian trình diễn...

Đặc biệt là công tác truyền dạy, cần chú ý đào tạo ca nương, kép đàn đúng chuẩn mực, không chạy theo số lượng, phong trào để bảo đảm về chất lượng.

(Nhà nghiên cứu âm nhạc ĐẶNG HOÀNH LOAN)

 BẢO NGÂN

Ý kiến bạn đọc