Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới

VHO – Ngày 5.1 tại tỉnh Hòa Bình, Viện Âm nhạc phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”. Hội thảo đã lắng nghe những trao đổi, những nhìn nhận đánh giá về di sản Mo Mường trong mối quan hệ nội tại với nền văn hóa của dân tộc Mường cũng như trong mối quan hệ so sánh với những loại hình văn hóa tương tự trên thế giới từ các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nghệ nhân đang nắm giữ di sản Mo Mường.

Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nghệ nhân đang nắm giữ di sản Mo, các nhà quản lý văn hóa địa phương có di sản Mo Mường.

Nối dài thêm lịch sử nghiên cứu về di sản văn hóa đặc sắc của Mo Mường

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Mo Mường, ngày 19.1.2016, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định đưa Mo Mường Hòa Bình vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Năm 2020, Chính phủ đồng ý cho phép Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ trì, phối hợp với 06 tỉnh/thành phố gồm: Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La, Ninh Bình, Đắc Lắc và Hà Nội tiến hành các bước xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nằm trong kế hoạch xây dựng Hồ sơ quốc gia về Mo Mường, nhằm bổ sung đầy đủ hơn, dầy dặn hơn những thông tin khoa học cho nội dung Bộ Hồ sơ Mo Mường, Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới” là cơ hội để cộng đồng nắm giữ di sản Mo Mường trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Bộ Hồ sơ quốc gia thông qua việc thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề được đưa ra thảo luận.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Mo Mường là một di sản văn hóa phi vật thể bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Những áng sử thi trong Mo Mường phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người. Hội thảo quốc tế hôm nay là một yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Để làm rõ những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường quảng bá cũng như nhằm mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Hội thảo cần làm sáng tỏ các nội dung: Mo Mường trong mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện; Giá trị lịch sử, xã hội, văn học và nghệ thuật trong các câu chuyện ở phần Mo kể chuyện (Mo tiểu hay còn gọi là Mo Đẻ đất đẻ nước), có thể đó là so sánh với phần diễn xướng kể chuyện trong một số loại hình nghi lễ tín ngưỡng tương tự ở Việt Nam và trên thế giới; tính nhân văn và những quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan được thể hiện qua văn bản Mo Mường; hiện trạng của di sản Mo Mường và một số loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới. Đề xuất các biện pháp bảo tồn Mo Mường, có thể dựa trên kinh nghiệm thực tế về bảo tồn những loại hình di sản tương tự ở trong nước và trên thế giới.

Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng người Mường ở tỉnh Hòa Bình nói riêng và những tỉnh, thành có người Mường nói chung. Mo Mường lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mường và có sức ảnh hưởng, tác động tích cực đến đời sống tinh thần của một bộ phận dân cư, là một điểm tựa tinh thần chứa dựng bản sắc văn hóa của dân tộc Mường.

Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới - Anh 2

Hội thảo quốc tế “Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh Hoà Bình là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, được mệnh danh là “miền đất sử thi”, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, với gần 800 di sản văn hóa phi vật thể và trên 18 nghìn hiện vật có giá trị của các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... Song, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường. Với lịch sử sinh sống lâu đời ở Hòa Bình, người Mường đã sáng tạo ra nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Trong đó, không thể không nhắc tới di sản văn hóa Mo Mường với tư cách như bách khoa toàn thư của người Mường.

“Trong nhiều năm qua, Mo Mường đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, những giá trị của văn hóa Mo Mường chắc hẳn vẫn còn nhiều điều thú vị mà chúng ta chưa khám phá hết được. Và hy vọng rằng tại hội thảo này, các nhà khoa học sẽ nối dài thêm lịch sử nghiên cứu về di sản văn hóa đặc sắc và tiêu biểu này của người Mường; bổ sung đầy đủ điều kiện, tiêu chí phục vụ công tác xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp để di sản văn hóa Mo Mường tiếp tục được bảo tồn, phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Bùi Văn Khánh nói.

Mo Mường - “Bộ Bách khoa thư” dân gian về dân tộc Mường

Tai Hội thảo “Mo Mường và các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”, các nghệ nhân Mo, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã có những trao đổi một cách khách quan về di sản Mo Mường, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu khoa học cho việc xây dựng Hồ sơ quốc gia “Mo Mường” đệ trình UNESCO.

Theo Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, Xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, Mo Mường là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản dưới dạng hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng cơ bản được thực hiện trong tang lễ người Mường. Nó bao gồm ba lĩnh vực chính cấu thành: lời Mo, công cụ “hành nghề” là túi Khót của các thầy Mo... môi trường diễn xướng, con người thực hành diễn xướng Mo tức là Nghệ nhân Mo. Trong đó lời Mo gắn liền với Nghệ nhân Mo chiếm vị trí quan trọng nhất. Bao đời qua, lời Mo được truyền dạy truyền khẩu, gắn liền với con người thực hành Mo và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian. Chỉ từ khi được sưu tầm, biên dịch, in thành sách lúc này lời Mo mới tồn tại riêng rẽ ngoài con người. Bao lâu nay khi nói đến Mo Mường chúng ta chỉ nói về lời Mo chứ không nói đến môi trường, con người diễn xướng.

Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới - Anh 3

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

Qua quá trình quan sát, tham dự và sưu tầm, Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng thấy rằng, Mo Mường là loại hình thực hành nghi lễ tín ngưỡng dân gian cơ bản chỉ diễn ra trong đám tang của người Mường. Dấu hiệu dễ nhận ra Mo Mường là khi các thầy Mo thực hành nghi lễ trong đám tang. Đây cũng là môi trường thực hành diễn xướng Mo Mường.Các hình thức Mo Mường biểu hiện rất đặc trưng, không lẫn vào các nghi lễ khác, cơ bản có 2 loại là Mo đơn 1 thầy Mo và Mo Dun có 3 thầy Mo cùng thực hiện. Trang phục thầy Mo Mường đặc biệt là mũ có sừng, một loại mũ đặc biệt. Khi thực hành Mo Mường nghi thức đi liền cùng lễ thức, nghi lễ Mo nào thì có lễ thức của Mo đó. Túi Khót là đồ tế khí không thể thiếu của thầy Mo Mường, nó được bày ra, được đánh thức phần hồn để phò trợ thầy Mo thực hiện nghi lễ. Lời Mo Mường có dung lượng đồ sộ và là “Bộ Bách khoa thư” dân gian về dân tộc Mường được thể hiện và diễn xướng trong tang lễ của người Mường. Cái gì có trong người Mường đều có trong Mo Mường.

Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi Xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, khi nói đến Mo Mường (Mo trong tang ma của người Mường) là người ta biết rằng đó là Mo Sử thi Đẻ đất-Đẻ nước (Mo Tlreu) và Mo lên trời (Mo dẫn đường) nói chung là Mo Ma. Mo Mường chủ đạo là diễn xướng, là Mo ca, một lối diễn xướng phức hợp. Mo đại bộ phận được sử dụng trong các nghi lễ ma chay, cầu được mùa, cúng chữa bệnh, mừng nhà mới. Lời Mo kể cho ta biết quy luật tạo hóa của vũ trụ để con người sống và ứng xử một các chủ động, biết sống và giữ gìn cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Lời Mo là tình cảm, là đạo đức, là trí tuệ và thâu tóm đầy đủ về phong tục, tập quán của văn hóa Mường.

Đặc biệt, nhằm giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản Mo Mường ra thế giới thông qua các học giả, những nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế cũng như nhằm mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới, tại Hội thảo này, các nhà khoa học quốc tế đến từ: Pháp, Áo, Hy Lạp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) đã có phần nội dung trao đổi chú trọng nhiều đến việc giới thiệu các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với Mo Mường trên thế giới đặt trong mối quan hệ so sánh với di sản Mo Mường. Đây là những cứ liệu so sánh quan trọng cho quá trình lập hồ sơ di sản Mo Mường đệ trình UNESSCO ghi danh trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

THANH NGỌC; ảnh: ANH PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc