Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ngăn chặn trộm cắp tài sản là đồ thờ cúng

Thứ Năm 05/01/2023 | 15:44 GMT+7

VHO- Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ mất cắp tài sản là đồ thờ cúng. Giá trị vật chất của những tài sản bị mất không nhiều, song thiệt hại tinh thần rất lớn. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến tôn giáo, tín ngưỡng mà còn xâm hại đến giá trị phi vật thể, gây hoang mang trong nhân dân.

Ảnh minh họa

Đây đang là vấn đề bức xúc, dù đã được các cơ quan chức năng quan tâm và có những biện pháp nhằm hạn chế nhưng cho đến nay tình trạng trộm cắp tài sản là đồ thờ cúng vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có xu hướng gia tăng.
Theo các cơ quan chức năng, để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản tại nơi thờ cúng, tội phạm thường chọn thời gian vào ban đêm. Đa số các vụ án xảy ra đều theo cách thức dùng các công cụ cạy cửa, phá khoá để đột nhập vào nơi thờ cúng lấy tài sản, chiếm tỷ lệ 60,5%. 
Nguyên nhân tồn tại loại tội phạm này do các địa điểm thờ cúng thường ở vị trí xa khu dân cư như ở cánh đồng, nơi hẻo lánh, không có người bảo vệ, hoặc người bảo vệ không quán xuyến hết được khi trông coi tài sản. Cũng do ở xa khu dân cho nên có một số vụ án không xác định được thời gian xảy ra. 
 Các nơi thờ cúng thường được xây dựng từ hàng trăm năm nay, vật liệu xây dựng chủ yếu bằng tường gạch, mái ngói, cửa gỗ. Theo thời gian, kết cấu kiến trúc nhiều nơi đã bị xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống bảo vệ như khoá, cửa lách, cửa ra vào đã bị cũ nát nhưng không được quan tâm sửa chữa, khắc phục kịp thời,  tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian dễ dàng đột nhập vào lấy trộm tài sản. Trong khi đó, những người có trách nhiệm thường thiếu thông tin hoạt động của loại tội phạm này. Mặt khác, đây là loại tài sản có sở hữu chung, được nhiều người tôn thờ, trong khi đó các tổ chức tôn giáo chưa có quy định cụ thể để quy trách nhiệm đối với người được trông coi tài sản nên phần nào tạo nên tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
 Giá trị vật chất của đồ thờ cúng, nhất là các loại cổ vật thường rất lớn, đây chính là động lực thúc đẩy người phạm tội tìm mọi cách để chiếm đoạt. Trong một số trường hợp tài sản bị chiếm đoạt là cổ vật có giá trị lớn thường được các tổ chức buôn lậu đồ cổ “đặt hàng”, tiếp tay tiêu thụ. Do vậy, thủ phạm sẽ dùng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chiếm đoạt tài sản. 

Các đối tượng buôn bán đồ cổ thường có các mối quan hệ xuyên quốc gia, nên công tác điều tra khám phá gặp  nhiều khó khăn. Tang vật của vụ án thường được mang đi tiêu thụ ở các địa phương khác, hoặc ở nước ngoài. Không những thế, loại tài sản là đồ thờ cúng không có đặc điểm riêng biệt để dễ nhận biết, cho nên rất khó phát hiện kể cả khi được đem bày bán công khai. Vì vậy, gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra truy xét kẻ phạm tội cũng như truy tìm tang vật trong thời gian ngắn. Đây là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình hoạt động của tội phạm trộm cắp đồ thờ cúng thời gian qua vẫn tiếp tục phát triển.
Mặt khác, dư luận lên án loại tội phạm này còn chưa mạnh mẽ.  Trong ý thức của đông đảo quần chúng nhân dân nói chung và của cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng vẫn cho rằng đồ thờ cúng là những vật “linh thiêng”, không ai dám xâm hại. Người xâm hại đến loại tài sản này sẽ bị “quả báo”, bị thần thánh “phạt”. 
Công tác phòng ngừa đấu tranh loại tội phạm này trong thời gian qua chưa hình thành một cách có hệ thống, lâu dài, thường chỉ được chú trọng theo thời điểm, theo vụ việc. Trong khi đó, công an cấp cơ sở chấp hành việc phân cấp điều tra quá cứng nhắc, nhiều vụ án, nhiều phương thức, thủ đoạn, đặc thù riêng của loại tội phạm này chưa được báo cáo kịp thời lên cơ quan cấp trên, từ đó có cơ sở đề ra những biện pháp đấu tranh đạt hiệu quả cao. Việc đầu tư thời gian và sức lực để đấu tranh, phòng ngừa ngăn chặn triệt để loại tội phạm này chưa được quan tâm đúng mức. 
Một nguyên nhân khác là công tác tuyên truyền về những vấn đề có liên quan đến hoạt động của tội phạm trộm cắp đồ thờ cúng tới quần chúng nhân dân và những người có trách nhiệm chưa sâu rộng. Nhiều người dân chưa có ý thức tự giác, tích cực tham gia vào công tác phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn tội phạm và tố giác tội phạm. Có một số địa điểm thờ cúng khi mất tài sản, người có trách nhiệm đã không báo chính quyền để điều tra, phòng ngừa mà tự đi mua đồ khác tương tự để thay thế. Do vậy, nhiều vụ mất trộm chưa được thống kê kịp thời, các phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này chưa được điều tra phát hiện.

Ảnh minh họa

 Chính vì vậy, để ngăn chặn hạn chế hoạt động và gia tăng của loại tội phạm này, xin đề xuất một số kiến nghị sau đây:
 Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở những địa phương có nhiều địa điểm thờ cúng, để mọi người nắm vững thủ đoạn hoạt động của tội phạm và biết sử dụng các biện pháp để phòng ngừa loại tội phạm này. 
 Hai là, cơ quan Công an cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhất là với các tổ chức tôn giáo để có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý tài sản. Tổ chức lực lượng bảo vệ, tuần tra thường xuyên tại các nơi thờ cúng, song song với việc định kỳ phải có sự kiểm tra, phát hiện sơ hở để khắc phục kịp thời. 
Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, đảm bảo yêu cầu khám phá nhanh, xử lý kịp thời các đối tượng phạm tội, tạo sự tin tưởng cho quần chúng nhân dân, răn đe những người đang có ý định phạm tội. Thực hiện tốt công tác này cũng là để hỗ trợ cho công tác phòng ngừa đạt kết quả cao.
Cần thiết phải tổ chức lực lượng chuyên trách có đủ các điều kiện cần thiết để đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Vì có như vậy mới có điều kiện để đầu tư thiết bị, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên sâu cho lực lượng này.
 Ba là, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo và những người có trách nhiệm quản lý các cơ sở tín ngưỡng thống kê, mô tả đặc điểm các loại tài sản dùng để thờ cúng, đặc biệt là những loại cổ vật có giá trị lớn để làm cơ sở cho công tác truy nguyên, truy tìm tài sản khi bị chiếm đoạt. Hướng dẫn cho những người có trách nhiệm biết khi mất tài sản cần phải báo ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để truy tìm tài sản bị mất cũng như phục vụ công tác đấu tranh chung. 
Phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản tại nơi thờ cúng là công tác khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, nếu được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các tổ chức tôn giáo cũng như được sự hưởng ứng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, chắc chắn thời gian tới sẽ đạt được kết quả khả quan trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm này.

NGUYỄN ĐỨC DUY    
Khoa Quân sự, Võ thuật, Thể dục thể thao – Học viện CSND

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top