Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch

Thứ Bảy 07/01/2023 | 11:15 GMT+7

VHO – Tại phiên thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhấn mạnh, quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia sáng 7.1

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng nay 7.1 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới

Góp ý về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết trong dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như: dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đại biểu cho rằng, đây là những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện. 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Trong Nghị quyết nêu giai đoạn 2031-2050 phấn đấu chỉ số phát triển con người ở mức rất cao và có chú thích rõ là chỉ số HDI từ 0,8 trở lên. Đây là mục tiêu có định lượng giúp chúng ta có kế hoạch đạt được tiêu chí của chỉ số này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát lại để định lượng các mục tiêu, bởi nếu chúng ta đã có những con số rõ ràng sẽ có phương án phù hợp; định lượng mục tiêu giúp dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian. 

Quy hoạch nêu mục tiêu phát triển đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao về tầm nhìn đến năm 2050, là nước phát triển thu nhập cao. Đại biểu nêu quan điểm, điều khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại, mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm, cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến.

Khẳng định văn hóa phải đặt ngang tầm với kinh tế nhưng hiện Việt Nam chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh trong thiết chế văn hóa, con người hoạt động văn hóa phải được đưa lên hàng đầu, khi đó các hoạt động văn hóa mới không hình thức… Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới. 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng nêu các giải pháp nhằm phát triển mạnh về công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu, uy tín và tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, đề nghị trong Quy hoạch cần có nội dung hình thành thói quen đọc sách và xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập…

Phát triển nguồn nhân lực gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam

Góp ý về các vấn đề chung của Dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sử dụng hoặc tích hợp một cách phù hợp các cụm từ, nội dung định hướng, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trong các Chiến lược quốc gia về phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua vào trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể này.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)

Về vấn đề Khoa học và công nghệ, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm nội dung về "Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện, phát triển Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia;" và bổ sung thêm hai công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao là công nghệ vũ trụ và công nghệ vật liệu mới một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về khoa học công nghệ tại khoản 3 Mục XV trang 34 Dự thảo Quy hoạch.

Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung về "Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam" một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực tại khoản 4 Mục XV trang 35.

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, để đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và phù hợp với Quan điểm phát triển trong Dự thảo Quy hoạch tại trang 1 có đề cập là "Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...", do vậy, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao để có thể là nguồn lực thực hiện trong giai đoạn tới là một trong các yếu tố quan trọng nhất.

Cần xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng và phát triển thể thao quần chúng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nhất trí với những nội dung cơ bản trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, công việc khó khăn, phức tạp và đã được chuẩn bị triển khai thận trọng, tích cực, đúng quy trình, bám sát những quy định của Luật Quy hoạch và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Đại biểu cũng nhất trí cao với những đánh giá của Ban soạn thảo về các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua, trong đó có nguyên nhân vẫn còn tư duy dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. 

Để phát triển ngành du lịch, trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Đại biểu cho rằng, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, khi xác định được sản phẩm du lịch chính thì chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải, đầy đủ, đại biểu lo ngại sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả. Ngoài, ra đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch, vẫn còn sự lẫn lộn trong khái niệm những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần… không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

Góp ý về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, đại biểu cho biết quy hoạch mới chỉ tập trung chú ý định hướng phát triển mạng lưới thể thao thành tích cao, với việc có một số công trình xây dựng đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới; định hướng bố trí mạng lưới cơ sở đào tạo chất lượng cao, mà chưa có sự quan tâm phát triển thể thao quần chúng qua việc định hướng, dành quỹ đất để bố trí hệ thống các điểm tập luyện thể thao cộng đồng…

Du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải được xem là vấn đề mang tính tầm cỡ, lấy nội lực, thế mạnh của quốc gia, có tính quyết định. Việc tranh thủ hợp tác, liên kết với các nước và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng cùng với năng lực dự báo tình hình khu vực và thế giới để xây dựng quy hoạch thì quy hoạch mới có tính bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, cần quy định các nguyên tắc cơ bản để làm cơ sở quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành. 

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình)

Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của sáu vùng theo Nghị quyết đã đề ra. 

Bên cạnh đó, vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.

Ngoài ra, dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.

Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất.

 

Định hướng rõ nét hơn các trục phát triển kinh tế số, kinh tế biển… khi phát triển công nghiệp văn hóa

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi) đồng thuận với các giải pháp thực hiện giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế như trên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cần triển khai các giải pháp phát triển vùng với thực hiện các chính sách...

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Đoàn ĐBQH Quảng Ngãi)

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với quan điểm phát triển bao trùm, nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình, giải pháp nguồn lực có trọng điểm, có tính chiến lược phù hợp, nếu không thì sẽ chậm hoặc rất khó tiếp cận với tiến trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đồng tình với quan điểm, đồng thời đề nghị làm rõ nội hàm thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách để khi thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực vẫn đảm bảo phát huy tối đa lợi thế các vùng miền hài hòa với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu qủa mục tiêu an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Về tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục định hướng rõ nét hơn các trục phát triển kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp định hướng giá trị khi phát triển công nghiệp văn hóa, các ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, các chiến lược an sinh, đặc biệt khi doanh số dần chuyển sang già hóa. Đào tạo gắn với yêu cầu phát triển kinh tế; quy hoạch, quản lý phân bố dân cư, định hướng đến năm 2050 khi quy mô dân số tiếp tục tăng…

An ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và các vùng khác trong thời gian tới sẽ là vấn đề nóng

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum( cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch, cụ thế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030. Đặc biệt là báo cáo tổng hợp trong Quynh hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cơ bản đánh giá được các điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để phát triển mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum)

Góp ý liên quan đến vùng Tây Nguyên để làm rõ hơn một số nội dung có liên quan trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và các vùng khác trong thời gian tới sẽ là vấn đề nóng và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp tới năm 2030 đã xác định tại khu vực Tây Nguyên là nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp như là cây cà phê, hồ tiêu, cao su và chè, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị cần có định hướng cụ thể để đảm bảo nguồn nước tưới cây cà phê, cây chủ lực của Tây Nguyên, đảm bảo cho việc phát triển trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo, đại biểu nhận thấy, tại phần ba, Chương 7, Chương 8, Mục 4.3, định hướng về phát triển thủy lợi theo các vùng còn chung chung, do đó đề nghị cần có định hướng cụ thể theo vùng, miền trong thời gian tới để có cơ sở cho việc triển khai. 

Quan tâm đến vấn đề định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu rõ, vấn đề giải giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện định hướng giảm đất sản xuất nông nghiệp thì phải gắn việc phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Tây Nguyên. 

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp thì cần có quỹ đất. Tuy nhiên, quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên còn tương đối thấp. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị tăng diện tích của khu công nghiệp tại Tây Nguyên trong giai đoạn tới để tạo nguồn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.

TÙNG QUANG; ảnh: Q.H

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top