Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kết nối người trẻ với mỹ thuật truyền thống

Thứ Tư 11/01/2023 | 11:05 GMT+7

VHO- Những ngày qua, triển lãm Sắc xuân lần đầu tiên giới thiệu sưu tập tranh dân gian Tứ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là sinh viên. Không chỉ xem tranh như cách thông thường, sinh viên các chuyên ngành mỹ thuật, thiết kế, kiến trúc… còn được trải nghiệm quy trình in tranh truyền thống.

 BTC hướng dẫn kỹ thuật in tranh Đông Hồ trên giấy dó

Sinh viên háo hức trải nghiệm

Để hỗ trợ sinh viên được trải nghiệm in tranh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mang vào bộ dụng cụ kỹ thuật gồm khuôn in, màu, giấy dó... Bà Vương Lê Mỹ Học, Phó Trưởng phòng Phòng Trưng bày giáo dục của Bảo tàng đã trực tiếp hướng dẫn sinh viên từng bước in tranh Đông Hồ. Quy trình được gói gọn trong 5 bước, theo thứ tự từ màu nâu, xanh, da, vàng và cuối cùng là màu đen. Sau khi quan sát thao tác và thuyết minh của cô Mỹ Học, các bạn sinh viên được tự tay in tranh cho mình trong sự bỡ ngỡ, háo hức. “Trong lần trải nghiệm này, chúng tôi cho các em thực hành trên tranh Vinh hoa - Phú quý. Khó khăn nhất là khi in chồng 5 màu, những màu sắc phải không bị lệch nhau, đó là bí quyết của làng nghề Đông Hồ”, bà Mỹ Học cho biết.

Bạn Huỳnh Thị Thu Hiền, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa, Trường CĐ FPT Polytechnic cho hay: “Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp trải nghiệm in tranh truyền thống Đông Hồ và thấy rất thú vị. Việc trải nghiệm thực tế này sẽ hỗ trợ cho em rất nhiều trong quá trình học cũng như hiểu được các giá trị truyền thống của văn hóa Việt”. Còn bạn Thanh Hùng, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM bày tỏ: “Nhìn những bức tranh in tưởng đơn giản nhưng quá trình thực hiện khá kỳ công, có như vậy em càng hiểu công việc của những nghệ nhân vô cùng khó khăn mới tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật”.

Theo bà Mỹ Học: “Khi xem những bức tranh Tứ quý, Tố nữ hay tranh Phong thủy cầu kỳ hơn, các bạn sẽ hiểu được tài nghệ của nghệ nhân làng Đông Hồ… Đấy là một trong những mục đích mà chúng tôi muốn truyền bá, phát huy giá trị tranh dân gian để các bạn trẻ hiện nay tiếp tục có tình yêu với dòng tranh truyền thống”. Bà Mỹ Học nói thêm: “Nếu như kỹ thuật làm tranh ở làng Đông Hồ, các nghệ nhân sử dụng màu tự nhiên và mỗi ngày chỉ in có một màu, đợi khô mới in công đoạn tiếp theo, thì ở đây để các bạn có thể hiểu được từng bước và tham gia cả quy trình in, vì thế chúng tôi phải biến tấu một chút cho linh hoạt hơn. Chẳng hạn, thay vì in trên giấy điệp, chúng tôi sử dụng giấy dó; còn về màu thì sử dụng màu hiện đại có độ khô nhanh để các bạn có thể sử dụng được 5 bước trong cùng một thời điểm”.

Ông Trịnh Công Đại, giảng viên khoa Thiết kế đồ họa, Trường CĐ FPT Polytechnic cho hay: “Đây là hoạt động cực kỳ thú vị và bổ ích cho các sinh viên. Cùng với hoạt động trải nghiệm in tranh từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng đã hỗ trợ rất nhiệt tình cho các bạn trong công tác chuyên môn, hoạt động thực tế cũng như chi phí tham quan. Chúng tôi đều có mục đích chung là kết nối giới trẻ với mỹ thuật truyền thống, để các bạn thấy được những giá trị ngày xưa như thế nào và các bạn có thể ứng dụng vào hiện nay. Không chỉ là hiểu biết về kỹ thuật in, các sinh viên còn thực hành thêm nhiều kỹ năng khác như tìm hiểu về màu sắc, kỹ năng nhiếp ảnh và viết bài báo cáo cho một sự kiện về mỹ thuật…”.

 Các bạn sinh viên được tự tay in tranh cho mình trong sự bỡ ngỡ và háo hức

“Sắc xuân” qua bộ sưu tập tranh dân gian Tứ bình

Từ ngày 6.1 đến hết ngày 28.2.2023, triển lãm Sắc xuân - giới thiệu sưu tập tranh dân gian Tứ bình của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới công chúng yêu nghệ thuật. Đây là hoạt động phối hợp giữa hai bảo tàng nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 và chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2023).

Tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Tứ bình nói riêng là sản phẩm tinh thần vô giá của cha ông ta. Từ xưa, dân ta đã có tục chơi tranh, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tranh Tứ bình gồm bốn bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn giai đoạn trong một năm, bốn giai đoạn trong cuộc đời, bốn giai thoại trong một câu chuyện hoặc bốn vẻ đẹp khác nhau của các cô gái. Trên tranh thường có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm, là lời chúc phúc và mong muốn sự bình an phú quý. Cũng vì vậy, tranh Tứ bình từ lâu đã được cha ông ta ưa thích treo trang trí trong nhà để đón xuân hoặc thờ phụng.

Triển lãm Sắc xuân trưng bày 20 bộ tranh với các chủ đề Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh Tứ bình đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ: Mỗi bức tranh Tứ bình xưa được xem như một tổng thể nghệ thuật hoàn chỉnh, hài hòa, tươi mát và đầy tính trữ tình. Kho tàng tranh dân gian Việt Nam gồm nhiều thể loại: Tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử, tranh cảnh vật, tranh thờ cúng... Hầu như ở thể loại nào, tranh Tứ bình cũng có chỗ đứng riêng của mình. Qua những bộ tranh này, hậu thế có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Theo đó, thời gian ở đây không phân định theo tuyến tính mà có tính luân hồi, sự vật hữu sinh hữu diệt và tiếp nối theo nhau tạo nên sự đa dạng của sự sống. Điều đó thể hiện giá trị của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời thấy được tài nghệ của các nghệ nhân xưa.

“Trong triển lãm Sắc xuân, chúng tôi trân trọng giới thiệu 20 bộ tranh, hy vọng sắc màu rực rỡ, tươi mới và những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống của mỗi bộ tranh sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp xuân mới”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top