Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Người trẻ nặng lòng với cổ vật

Thứ Năm 12/01/2023 | 12:51 GMT+7

VHO- Khi nhiều nhà sưu tập cổ vật đang rất lo lắng vì không tìm được “truyền nhân”, thì thời gian gần đây, độ tuổi các nhà sưu tập đã dần được trẻ hóa. Như trong chuyên đề trưng bày “Thanh ngoạn” tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM mới đây nhất, bốn nhà sưu tập trẻ lần đầu tiên ra mắt giới thiệu đến công chúng ngỡ ngàng với những hiện vật tiêu biểu mà họ đang sở hữu. Có thể thấy, chính họ là những người góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ những giá trị di sản của tiền nhân để lại.

Giám đốc Sở VHTT TP.HCM tặng hoa cho các nhà sưu tầm Đông Nhựt, Việt Hùng, Nguyễn Thị Tuyết, Chí Thanh (từ trái sáng phải)

Đồng hành với di sản cha ông

Với gần 180 hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hóa, được trưng bày theo từng chủ nhân của bộ sưu tập tại bảo tàng lịch sử TP.HCM, nhiều người đã không ngờ rằng, những cổ vật này được thu thập từ những nhà sưu tập rất trẻ trong làng cổ vật Việt.

Đó là, Thân Việt Hùng (1988, Đồng Nai) với quan niệm “Ôn cố - Tri tân”, thế nên anh cho biết việc sưu tầm cổ ngoạn đã giúp bản thân hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc. “Tuổi thơ tôi gắn liền với những kỷ niệm từ các bộ phim cổ trang của TVB và tôi bị cuốn hút bởi những món đồ trang trí trong phim. Từ đó tôi đã nuôi dưỡng ước mơ sở hữu những món đồ ấy khi đủ điều kiện. Vào những năm 2009 - 2010, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, hữu duyên tôi đã quen biết và gặp gỡ các nhà sưu tập giàu kinh nghiệm. Từ đó tôi được hướng dẫn và học hỏi rất nhiều. Càng tìm hiểu tôi càng say mê”, Việt Hùng chia sẻ về “cái duyên” đến với cổ vật. Vì thích sưu tầm những hiện vật mang ý nghĩa trao tặng, khen thưởng sự ghi nhận công lao, sự cống hiến của một các nhân hay tập thế, thế nên những loại hình chỉ biểu tượng cho vinh dự như: đại tiền (tiền thưởng), kim bội, kim khánh, kim bài… là những cổ vật được Thân Việt Hùng chú tâm nhất. Bên cạnh đó, bộ sưu tập của Thân Việt Hùng còn có nhiều loại hình chạm khắc gỗ, gốm sứ Việt Nam qua các thời và dòng gốm đặt hàng.

Tiếp nối truyền thống gia đình là những gì mà Nguyễn Đông Nhựt (1979, Bình Định) đã, đang và tiếp tục qua việc sưu tầm, bổ sung những hiện vật quý vào bộ sưu tập của mình. Anh chia sẻ: “Ba tôi là một nhà sưu tầm đồ cổ nên tôi được tiếp xúc với các món đồ này từ khá sớm. Khi chưa có ý niệm gì về thú chơi này của ba, tôi luôn tò mò về những món đồ cổ ấy và tự hỏi nó có gì hay mà ba lại say mê như vậy. Năm 2014, từ một biến cố của bản thân, tôi đã bén duyên với đồ cổ như một cách để tạm quên đi những khó khăn hiện tại. Dần dần tôi đem lòng say mê với những bình gốm, những hạt chuỗi, những cổ ngọc… không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn là những câu chuyện thú vị ở mỗi hiện vật”. Hiện vật trong sưu tập của Nguyễn Đông Nhựt thiên về những loại hình thuộc các nền văn hóa cổ của Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai…

Một số cổ vật của các nhà sưu tầm trẻ tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Với nguyên tắc trong việc sưu tầm là “Thanh - Nhã - Lai - Toàn”, nghĩa là chọn món đồ cần phải đẹp, có chất, trang nhã, lai lịch rõ ràng và lành lặn, Huỳnh Chí Thanh (1988, Long An) đã mang đến những cổ vật quý hiếm và có giá trị ở các thời Lý, Trần, Lê Nguyễn… “Năm 2011, tình cờ tôi đọc được một bài viết về những đồng tiền cổ trên báo, tôi bị cuốn hút và thôi thúc tìm hiểu về nó. Hữu duyên, tôi sở hữu được tờ tiền giấy mệnh giá 20 đồng thời Vua Thành Thái phát hành ở Sài Gòn những năm 1915-1920. Đây chính là tiền đề cho bộ sưu tập hiện vật triều nguyễn sau này của tôi”, Huỳnh Chí Thanh nhắc lại những ngày đầu “bén duyên” với cổ vật.

Còn với Nguyễn Thị Tuyết (1984, Hải Dương), dù gia đình không có truyền thống sưu tầm cổ ngoạn nhưng sau những lần tham quan bảo tàng tỉnh Hải Dương đã dần nuôi dưỡng ước mơ được sở hữu những món cổ vật của tiền nhân trong cô. “Giữ gìn cho thế hệ mai sau là tâm niệm của bản thân trong hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông. Mỗi cổ vật là một câu chuyện, là bằng chứng sinh động nhất cho dòng chảy lịch sử - văn hóa của dân tộc. Từ kiểu dáng, hoa văn cho đến xuất xứ phản ánh đặc trưng của mỗi vùng miền. Qua đó giúp cho thế hệ trẻ cảm, biết và hiểu được lịch sử của dân tộc không chỉ là những sự kiện khó nhớ mà còn là những câu chuyện thú vị ẩn sau mỗi hiện vật”, Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ. Từ đó, chủ đề sưu tập của Nguyễn Thị Tuyết tập trung về gốm sứ và đồ cung đình Việt Nam: Phẩm phục, đồ bằng các chất liệu kim loại quý… 

Đam mê bất tận

Có thể thấy, họ là những người còn trẻ, sinh ra và lớn lên từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước Việt Nam. Quá trình hình thành đam mê sưu tầm hiện vật của họ đều không giống nhau, có người từ một sự tình cờ tiếp cận qua báo chí, có người ấp ủ ước mơ từ thuở bé, có người được hun đúc từ truyền thống gia đình… Mỗi người đều có hoài bão của riêng mình và đó cũng là mục đích để họ khát khao theo đuổi. Vì vậy, sở thích sưu tầm của họ cũng khác nhau và mỗi người tự đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, cũng như quan niệm sưu tầm hiện vật cho riêng mình. Người thì thích sưu tầm những hiện vật mang ý nghĩa trao tặng, khen thưởng vì theo họ “đó là biểu tượng của sự may mắn, sự ghi nhận công lao, sự cống hiến của một cá nhân hay tập thể”, hơn thế nữa việc sưu tầm cổ ngoạn sẽ giúp hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc. Có người đặt ra bốn nguyên tắc hàng đầu trong việc sưu tầm hiện vật là “Thanh - Nhã - Lai - Toàn”, cũng nhờ theo đuổi thú vui này, mà bản thân đã được học hỏi rất nhiều kiến thức quý giá không chỉ từ sách vở mà còn từ những người có cùng đam mê trong giới sưu tầm. Có người thích sưu tầm những cổ vật, đặc biệt là đồ dùng trong hoàng cung. Họ quan niệm hiện vật sưu tầm phải được chọn lọc cẩn thận, tìm hiểu thật kỹ từng món và phải đảm bảo các yếu tố “Cổ, Kì, Mỹ” để tạo nên giá trị thực sự cho bộ sưu tập của mình. Cũng có người được kế thừa di sản từ gia đình, tiếp tục gìn giữ, sưu tầm và phát huy giá trị hiện vật cha ông để lại. Dù xuất phát điểm, sở thích sưu tầm khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm đam mê, sự nhiệt huyết và cùng đồng hành trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Cũng từ đó, những câu chuyện lịch sử - văn hóa ẩn chứa nhiều điều thú vị sẽ dễ dàng tiếp cận đến với công chúng, nhất là người trẻ. Một tín hiệu đáng mừng, khi trong buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung sưu tập số 4”, chủ đề “Thanh ngoạn: Tuổi trẻ - Đam mê - Sáng tạo” tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ đến tham quan và thưởng lãm.

Công chúng thưởng lãm tại buổi khai mạc chuyên đề trưng bày “Thanh ngoạn”

Không ồn ào như một số trò tiêu khiển khác, thú chơi đồ cổ đã góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Hơn hết, việc sưu tầm đồ cổ còn góp gần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì thế, tại sự kiện trưng bày lần này, bốn nhà sưu tập trẻ đã chia sẻ và gửi gắm những thông điệp ý nghĩa thông qua bộ sưu tập hiện vật, đồng thời góp phần truyền cảm hứng cho những ai muốn gìn giữ và phát huy giá trị di sản mà mình đang sở hữu.

Bài, ảnh: HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top