Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ

VHO - Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là Hội Trận, được vua Lý Công Uẩn khởi tạo và tổ chức từ thời nhà Lý; diễn ra từ ngày mùng 7 - 9.4 âm lịch hằng năm, nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 1

Hàng vạn người dân và du khách theo bước chân của đội quân xuất trận, dọc theo sườn đê để được theo sau cuộc “trường chinh” của Thánh Gióng. Chứng kiến Trận thứ nhất: Đánh cờ ở Đống Đàm và điệu múa cờ của ông Hiệu

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 2

Đi đầu là phường Áo đỏ mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm roi mây, hai ông Hiệu Tiểu cổ và phường Áo đen...

Lễ hội được nhân dân nơi đây bảo tồn, trao truyền cơ bản nguyên vẹn từ đời này qua đời khác; là một kịch trường dân gian, diễn ra trong không gian rộng lớn với hàng nghìn vai diễn chính là nhân dân; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình của người dân đất Việt. Với những giá trị to lớn và đặc sắc ấy, năm 2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với Hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 3

“Ông Hiệu” trống, Tả tướng của Thánh Gióng làm lễ xuất tướng

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 4

Lễ hội có 28 Cô Tướng vào vai phản diện, tượng trưng cho 28 đạo quân giặc xâm lược

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 5

Ông Hiệu Tiểu cổ

Để tổ chức Hội Gióng ở đền Phù Đổng, những người có vinh dự được chọn đóng vai quan trọng như các Ông Hiệu (Hiệu cờ, Hiệu trống, Hiệu chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu cổ), vai Cô Tướng hay các phường Áo đen, phường Áo đỏ... sinh hoạt phải kiêng cữ cả tháng trước ngày Lễ hội. Ngày chính Hội vào mùng 9 tháng 4, diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt, nhất là hai trận đánh: Trận thứ nhất là đánh cờ ở Đống Đàm và trận thứ hai là đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 3 chiếc chiếu, trên mỗi chiếu có 1 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 1 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Thánh Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm). Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo mỗi lúc lại dội lên trong tiếng chiêng, tiếng trống, thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu với niềm tin là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 6

Đội quân “Phù giá ngoại” rước ngựa Thánh Gióng

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 7

Lễ hội Gióng 2022 thu hút hàng vạn người dân, du khách tham gia

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 8

Dân chúng ào vào lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình họ điều may mắn trong suốt cả năm

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng, sức hút lạ kỳ - Anh 9

Niềm vui của những người dân tham gia Lễ hội có được những mảnh chiếu may mắn

Lễ Hội Gióng hằng năm thu hút hàng vạn người dân và du khách tham gia. Là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, nét văn hóa truyền thống độc đáo, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Những nghi thức, trò diễn xướng dân gian, điệu múa, câu hát, trang phục... thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của con người Việt Nam. Với hàng ngàn người dân tự nguyện và hết lòng tham gia từ bao đời nay đã cho thấy sức sống trường tồn của một di sản văn hoá Việt.

TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc