Lễ hội Mường Đòn xứ Thanh: Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống người Mường

VHO- Lễ hội Mường Đòn xã Thành Mỹ (Thạch Thành, Thanh Hoá) khai mạc đầu năm Quý Mão 2023, đã thu hút đông đảo Nhân dân, du khách thập phương về tham dự. Đây là 1 trong 5 lễ hội trên cả nước được Bộ VHTTDL ban hành Quyết định về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số năm 2022.

Lễ hội Mường Đòn xứ Thanh: Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống người Mường - Anh 1

Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội Mường Đòn

Lễ hội Mường Đòn diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao khai ấp, lập mường của ông Vũ Duy Dương và em gái Vũ Thị Cao, quê ở làng Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình). Theo các sắc phong còn lưu giữ tại đình Mường Đòn, thì ông Vũ Duy Dương là Tổng trấn giữ vùng đất phía Tây Thanh Hóa. Ông là một võ tướng có công phò Lê diệt Mạc cùng với 10 bộ tướng của mình lập được nhiều công trạng. Trong một trận giao tranh ác liệt với binh tướng nhà Mạc, ông bị chém giữa đám hỗn quân, mặc dù đầu lìa khỏi cổ, nhưng thân vẫn trên mình ngựa chạy về đến đất Mường Đòn. Tưởng nhớ công lao to lớn giữ đất, giữ mường của ông, Vua Lê Trang tông ban cho sắc phong “Bạch Mã linh lang Thượng đẳng thần”, được dân làng lập đền thờ tôn ngài là Thành hoàng làng của Mường Đòn. Bà Vũ Thị Cao khi biết anh trai mình dựng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng núi xứ Thanh đã khăn gói từ đất Yên Mạc vào Thanh Hóa. Vào đến nơi, biết tin anh trai hy sinh, bà đã ở lại hương khói cho anh, cùng bà con giết giặc, xây dựng bản mường cho đến lúc mất. Bà được truy phong tước danh “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc” và được Nhân dân lập đền thờ cúng tại thôn Vân Phong, gọi là đền Bà.

Lễ hội Mường Đòn diễn ra các hoạt động chính như lễ rước sắc, rước kiệu từ đình Mường Đòn ra đền Ông, đền Bà và từ đền về đình. Bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đã diễn ra sôi nổi như đánh mảng, đánh cù, bóng chuyền... cho đến ngày chính hội. Chương trình biểu diễn văn nghệ hát giao duyên, hát tuồng cổ, hát mường, hát xường... diễn ra mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Lễ hội Mường Đòn xứ Thanh: Tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống người Mường - Anh 2

Biểu diễn múa còn tại Lễ hội Mường Đòn

Chia sẻ về công tác quản lý và phát huy giá trị lễ hội Mường Đòn, ông Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, đây là lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường xã Thành Mỹ nói riêng, huyện Thạch Thành nói chung. Nhằm phát huy giá trị lễ hội, huyện Thạch Thành đang tập trung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tạo sự chuyển biến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể, các cấp về nội dung và ý nghĩa hoạt động lễ hội; chú trọng tuyên truyền các giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời chỉ đạo và uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, làm cho việc tổ chức lễ hội ngày càng văn minh, thực sự trở thành ngày hội văn hóa của Nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng lễ hội Mường Đòn thành sản phẩm du lịch. Tổ chức các hoạt động, các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống trong lễ hội để thu hút du khách. Quy hoạch, sắp xếp các dịch vụ, hoạt động vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để Nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động này, không để nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa và mục đích tốt đẹp của lễ hội. Khai thác tốt các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội; khuyến khích các nhà đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích đình Mường Đòn, gồm có đình Thượng, đền Ông, đền Bà - là những địa điểm diễn ra các nghi thức truyền thống của lễ hội để thu hút du khách tới chiêm bái góp phần phát triển du lịch địa phương.

Thạch Thành là huyện có hệ thống di tích lịch sử phong phú về số lượng và loại hình, với 16 di tích đã được xếp hạng, 46 di tích, địa điểm di tích đã được kiểm kê. Bên cạnh đó, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của Thạch Thành cũng rất đa dạng và độc đáo, mang sắc thái văn hóa của 2 dân tộc Kinh - Mường, với 78 di sản đã được kiểm kê bảo vệ đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Thạch Thành, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, tiến tới xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch khám phá, trải nghiệm và du lịch sinh thái…

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc