Rộn ràng sắc màu văn hóa các dân tộc tại "ngôi nhà chung"

VHO- Trong khuôn khổ “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội), đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La và đồng bào dân tộc Thổ đến từ tỉnh Thanh Hoá đã trình diễn trước đông đảo du khách di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật xòe Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Nghi thức “Chậm đò ho” của dân tộc Thổ.

Đến với Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái mang tới những điệu xòe đặc trưng của tỉnh Sơn La đó là: Xòe nâng khăn mời rượu; Xòe bổ bốn; Xòe tiến lùi; Xòe tung khăn; Xòe vỗ tay múa vòng tròn.

Rộn ràng sắc màu văn hóa các dân tộc tại

Tiết mục Ơn Đảng, ơn Bác Hồ của đồng bào dân tộc Thái

Xòe là hình thức dân vũ tập thể, là nét sinh hoạt vui chơi của dân tộc Thái. Không kể già, trẻ, gái trai ai cũng có thể tham gia xòe. Khi tiếng trống, chiêng nổi lên như lời mời gọi, thúc giục, mọi người cùng nhau say sưa trong điệu xoè. Tay nắm tay, vai kề vai, nhẹ nhàng, uyển chuyển trong không khí ấm áp, bên ánh lửa bập bùng và ngây ngất trong men say rượu cần. Người Thái có câu “Không xòe, hoa không nở, cây lúa không trổ bông, cây ngô không ra bắp. Không xòe người không vui, trai gái không thành đôi”.

Rộn ràng sắc màu văn hóa các dân tộc tại

“Vũ điệu kết đoàn” là một tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa của 12 dân tộc cư trú tại tỉnh Sơn La và sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác trong vùng Tây Bắc

Cho đến nay, cộng đồng người Thái tại địa bàn tỉnh Sơn La vẫn thường xuyên tổ chức múa xoè vào các dịp lễ, tết, các ngày hội văn hóa... Xòe Thái đã trở thành nét văn hóa đặc trưng không chỉ riêng của cộng đồng người Thái mà còn của cả các dân tộc tỉnh Sơn La. Điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa.

Là một trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống lâu đời trên vùng đất xứ Thanh. Tại Thanh Hóa, người Thổ phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi như: Như Xuân, Như Thanh, Thạch Thành... Cũng như đồng bào các dân tộc khác trên vùng đất xứ Thanh, phong tục tập quán có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa của tộc người Thổ, qua đó thể hiện tính gắn kết cộng đồng của trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các dịp lễ, tết. Đây cũng là dịp để những chàng trai, cô gái dân tộc Thổ thi tài, là dịp gặp gỡ, giao duyên tìm hiểu nhau và cũng từ đây, nhiều đôi trai gái đã bén duyên nên vợ, nên chồng. Trích đoạn “Chậm đò ho” góp phần giới thiệu, bảo tồn phát huy văn hóa của dân tộc Thổ tỉnh Thanh Hóa.

Rộn ràng sắc màu văn hóa các dân tộc tại

Lời ca, điệu múa của đồng bào dân tộc Thổ tái hiện lại những hình ảnh từ cuộc sống

Nghệ nhân Lê Thị Phúc đến từ thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân cho biết: “Khi ông Mặt Trời chiếu những tia nắng ấm áp xuống núi rừng cũng là thời khắc hoa đào điểm tô sắc hồng, hoa mơ phủ màu trắng tinh khôi báo hiệu Tết đến Xuân về. Thời điểm này mùa màng đã thu hoạch xong, đất được nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới, cũng là lúc người Thổ tạm gác công việc ruộng nương, không phân biệt già trẻ, gái trai, đồng bào hội tụ cùng nhau mở hội vui Xuân, mừng năm mới với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc, làng bản yên vui… Đây cũng là dịp để các chàng trai cô gái người Thổ hèn hò tìm hiểu nhau. Nghe âm thanh của tiếng trống, chiêng, người ta như cảm nhận được lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, những lời tâm sự của các đôi trai gái tìm duyên để hát đối đáp với nhau, ngân rung bay bổng khắp các bản làng người Thổ".

Rộn ràng sắc màu văn hóa các dân tộc tại

Đông đảo du khách thưởng thức nét văn hoá của dân tộc Thổ

Không khí vui Xuân trở nên rộn ràng tươi vui khi tiếng cồng chiêng hòa lẫn với tiếng hát và tiếng hò reo cổ vũ cho những thành viên tham gia các trò chơi. Qua những cuộc hát đối đáp đó biết bao đôi trai gái người dân tộc Thổ đã nên duyên vợ chồng.

HOÀNG NGUYÊN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc