Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Đề xuất ý tưởng làm cầu gỗ đi bộ bắc qua Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): Liệu có thật sự khả thi?

Thứ Hai 13/02/2023 | 10:36 GMT+7

VHO- Đề xuất ý tưởng xây dựng cầu gỗ để du khách đi bộ từ bến xe du lịch Nguyễn Hoàng vào tham quan khu di sản Đại Nội là một trong những giải pháp vừa được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra để giảm áp lực giao thông cho khu vực cầu Cửa Ngăn.

Ý tưởng xây cầu gỗ cho người đi bộ sẽ nối đường Trần Huy Liệu vượt Hộ Thành Hào vào di tích Thượng Thành (Kinh thành Huế)

Ý tưởng xây dựng cầu gỗ này được nhiều người đồng tình ủng hộ, song vẫn còn đó những lo ngại vì sợ “đụng chạm” đến di sản.

Vì áp lực giao thông?

Đường Cửa Ngăn là con đường kết nối bến xe du lịch Nguyễn Hoàng vào khu di sản Đại Nội Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… bên trong Kinh thành Huế. Mỗi ngày, rất nhiều đoàn xe đến đậu đỗ ở bến xe này và có hàng nghìn du khách đi bộ vào bên trong Kinh thành Huế qua cầu Cửa Ngăn (là cầu bắc qua Hộ Thành Hào, được xây dựng từ đầu thời nhà Nguyễn). Tuy nhiên, mặt đường cầu Cửa Ngăn chỉ rộng khoảng từ 4,4m - 6m, đặc biệt đoạn cầu qua Hộ Thành Hào để vào cửa Thể Nhơn (một trong những cổng vào Kinh thành Huế) có chiều rộng hẹp, không có vỉa hè nên du khách đi bộ xuống lòng đường. Các phương tiện lưu thông như ô tô, xe máy, xích lô… và người đi bộ cùng đi chung trên cầu Cửa Ngăn, gây áp lực giao thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát giao thông ở khu vực cầu Cửa Ngăn và xung quanh Đại Nội Huế. Một trong những giải pháp mà lãnh đạo tỉnh đề cập chính là xem xét xây dựng một cầu gỗ nối từ đường Trần Huy Liệu (cạnh bến xe du lịch Nguyễn Hoàng) bắc qua Hộ Thành Hào nối với Thượng Thành. Cầu gỗ này sẽ song song với cầu Cửa Ngăn, chỉ dành riêng cho người đi bộ, phục vụ du khách di chuyển từ bãi đỗ xe vào bên trong Kinh thành Huế. Để có thể thực hiện, trước hết lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND TP Huế tổ chức lấy ý kiến của người dân đang sinh sống ở đường Trần Huy Liệu, sau đó triển khai việc thi tuyển ý tưởng thiết kế công trình cầu gỗ.

Ngay khi lãnh đạo tỉnh “gợi ý” vấn đề này, nhiều người bày tỏ đồng tình nhưng cũng nhiều ý kiến lo ngại về việc ảnh hưởng đến cảnh quan chung cũng như “đụng chạm” đến kết cấu của di sản bởi điểm cuối của cầu gỗ là di tích Thượng Thành. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, cách đây nhiều năm khi ông còn công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phương án xây cầu gỗ vượt Hộ Thành Hào đã được đề cập và có báo cáo gửi đến UBND tỉnh nhưng sau đó không có “hồi âm”. “Thời điểm đó, lượng du khách đến tham quan khu di sản Huế tăng nhanh, chúng tôi cũng nhận ra những bất cập khi các phương tiện giao thông và du khách đi bi bộ cùng lưu thông qua cầu Cửa Ngăn. Trung tâm đã xây dựng các phương án để khắc phục vấn đề này, trong đó có đề cập đến việc xây dựng một cầu gỗ, đương nhiên là không để ảnh hưởng đến công trình di sản, không vi phạm Luật Di sản văn hóa”, ông Hải chia sẻ.

 Đoạn cầu Cửa Ngăn dẫn vào bên trong Kinh thành Huế, du khách đi bộ giữa lòng đường lưu thông của các phương tiện giao thông gây nguy hiểm

Cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, sắp tới đơn vị sẽ triển khai việc thi tuyển ý tưởng thiết kế công trình cầu gỗ. Ý tưởng thiết kế phải đảm bảo không ảnh hưởng di tích, tuân thủ Luật Di sản văn hóa, phù hợp với cảnh quan chung của khu vực di sản, cũng như nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng… “Khi chọn được ý tưởng thiết kế phù hợp, còn phải báo cáo lấy ý kiến của các ngành và trình UBND tỉnh. Sau đó, còn phải trình và xin ý kiến của Bộ VHTTDL, bởi đây công trình được triển khai ở khu vực di sản văn hóa thế giới”, ông Hoàng Việt Trung nói. Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện nay một số khu vực như Eo Bầu Nam Xương, Nam Thắng (mặt Nam Kinh thành Huế) đã được chỉnh trang và mở các lối lên Thượng Thành để du khách và cộng đồng nhân dân địa phương đến đi dạo, tham quan, trải nghiệm.

Trước ý kiến đề xuất có tính nhạy cảm này, phóng viên Văn Hóa đã trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Ông Bài cho biết, đây mới là ý kiến đề xuất ban đầu của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan cũng chưa tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cây cầu, hơn nữa tỉnh cũng chưa có văn bản tham vấn chuyên gia nên chưa thể có ý kiến cụ thể. “Tuy nhiên, vị trí đề xuất xây dựng câu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào nối với Thượng thành là khá nhạy cảm vì thế cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ. Trước hết việc đề xuất như thế có thực sự xuất phát từ nhu cầu lớn từ phía người dân, du khách và xã hội. Thứ nữa, không gian, cảnh quan có cho phép triển khai thực hiện hay không? Ngoài ra còn phải tính toán kiến trúc cây cầu như thế nào; việc tiến hành tháo dỡ hay lắp ghép có thuận lợi không, và đặc biệt là cần phải trả lời cho được có ảnh hưởng đến di sản?”, PGS Đặng Văn Bài nêu ý kiến.

Cũng theo ông Bài, vị trí dự kiến xây dựng cầu gỗ chắc chắn nằm trong vùng di sản cho nên các cơ quan chức năng cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học và nên công khai. “Trong trường hợp này nên tham vấn ý kiến chuyên gia của Trung tâm Di sản Thế giới để tạo ra sự đồng thuận. Tôi tin, nếu không ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan và không gian thì họ sẽ đồng thuận thôi”, ông Bài nói thêm. 

 Tuy nhiên, vị trí đề xuất xây dựng câu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào nối với Thượng thành là khá nhạy cảm vì thế cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ. Trước hết việc đề xuất như thế có thực sự xuất phát từ nhu cầu lớn từ phía người dân, du khách và xã hội. Thứ nữa, không gian, cảnh quan có cho phép triển khai thực hiện hay không?

Ngoài ra còn phải tính toán kiến trúc cây cầu như thế nào; việc tiến hành tháo dỡ hay lắp ghép có thuận lợi không và đặc biệt là cần phải trả lời cho được có ảnh hưởng đến di sản?

(PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia)

 SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top