Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đồng chí Huỳnh Tấn Phát

VHO - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15.2.1913-15.2.2023), vào ngày mai 15.2, tại tỉnh Bến Tre, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre”.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Anh 1

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người vẽ cờ giải phóng” diễn ra tối qua 13.2 tại tỉnh Bến Tre

Hội thảo là hoạt động thiết thực tưởng nhớ, tri ân cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Bến Tre. Hội thảo nhằm làm rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và những đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát; làm sáng rõ tấm gương người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà trí thức yêu nước có uy tín lớn, tấm gương tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung nguồn tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng của các thế hệ đi trước đối với thế hệ hôm nay.

Theo các tài liệu ghi chép, đồng chí Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) sinh ra tại làng Tân Hưng, tổng Hòa Quới, quận An Hóa, nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tuổi thơ của đồng chí đã trải qua những tháng ngày khắc nghiệt, gia đình quá khó khăn phải gửi ông về ngoại ở Mỹ Tho để đi học từ lớp vỡ lòng. Nhưng Huỳnh Tấn Phát rất thông minh, khôn khéo, chăm chỉ học và học rất giỏi. Tháng 9.1938, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn. Năm 1944, ông là Trưởng ban Cổ động Hội truyền bá Quốc ngữ ở Nam Kỳ. Đầu năm 1945, Huỳnh Tấn Phát dùng văn phòng làm việc của mình mở lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Anh 2

Ngày 5.3.1945, đồng chí được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát bước vào một thời kỳ mới. Đồng chí đã quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư đang hoạt động hiệu quả nhất để chuyên tâm vào hoạt động cách mạng. 44 năm chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, người trí thức trẻ, người đảng viên trung kiên, bất khuất, dũng cảm, kiên cường vượt qua bao gian nguy, khổ cực, biến nhà tù của giặc thành trường học lớn, động viên, giáo dục gia đình trở thành những người đồng chí, đồng đội xả thân quên mình vì Tổ quốc. 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng giữ các chức vụ: Năm 1945, Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ Bí thư Tân Dân chủ Đảng công tác tuyên truyền và huấn luyện thanh niên trí thức, công nhân, học sinh. Cuối năm 1950, ông được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 1.1951, được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do. Đầu năm 1959, đồng chí ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I, đồng chí được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Ngày 6.6.1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam bầu đồng chí làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Quốc hội khóa VI cử đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Năm 1981, Quốc hội khóa VII cử đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6.1982, ông được cử giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam bầu  làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông là đại biểu Quốc hội các khóa: I, II, III, VI, VII, VIII.
Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn là người tận tụy, trung thành phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân. Đồng chí đã sống trọn vẹn và cống hiến cả đời mình cho Tổ quốc và nhân dân. Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn Trần Bạch Đằng đã nói: “Huỳnh Tấn Phát luôn đứng trên tuyến đầu, là một trí thức lớn, một nhà hoạt động cách mạng thâm niên cao, anh luôn giữ thái độ tổ chức thật chặt chẽ, với anh chỉ có công việc làm đáng kể”.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc