Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Gen Z rời núi Giăng Màn

Thứ Sáu 17/02/2023 | 10:54 GMT+7

VHO- Làn sóng rời quê xuống phố tới giờ này đã lan đến tận những người trên đỉnh núi. Chị em sinh đôi dân tộc Khùa là Hồ Thị Mao và Hồ Thị Tý (18 tuổi), cũng như nhiều người dân địa phương sống ở ngang lưng núi Giăng Màn, cứ sau Tết lại kéo nhau rời núi để “thôốc nhà” (thoát nghèo).

Chị em sinh đôi dân tộc Khùa - Hồ Thị Mao và Hồ Thị Tý rời núi Giăng Màn để tìm công ty thuê lao động phổ thông

Dãy núi Giăng Màn (Bắc Trường Sơn) cao 1.400 mét, nằm dọc đường biên giới Quảng Bình, Hà Tĩnh, giáp với nước bạn Lào. Chỉ một cơn mưa đầu nguồn, vô số lạch nước nhỏ ngang lưng núi biến thành suối, thành sông tuôn réo ầm ầm trong giá rét, sương mờ, chia cắt bản làng, tạo ra những con dốc trơn trượt.

Hết khe đến suối

Đứng ở mỏm núi Yên Ngựa của bản Ra Mai, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) quan sát toàn cảnh thì mới thấy được khoảng cách giữa các bản làng ở vùng núi Giăng Màn này cũng không xa, nhưng phải đi qua những cung đường xoắn ốc, phải vượt qua bao khe, suối, sông. Từ quốc lộ 12 A rẽ vào bản phải vượt qua con suối Hà Noong, chiều rộng của suối lúc phình ra, lúc co lại tùy thuộc vào cơn mưa đầu nguồn trên núi Giăng Màn.

Vượt suối vào buổi sáng đầu năm, tôi chú ý đến 2 cô gái có dáng người giống như hai chiếc nấm lùn, mặc quần áo và đội mũ giống hệt nhau. “Ê… em đi đâu, mà sao giống nhau quá vậy?”. Mao và Tú là chị em sinh đôi, cả hai nở nụ cười và lấy tay che miệng rồi cho biết, “đi hỏi thông tin làm việc ở các công ty, nhưng chưa có công ty nào, mà cũng không rõ nên đi công ty nào nữa, đi làm ăn chứ ở lại thì thôốc nhà (nghèo khó)”.

Đỉnh núi Giăng Màn trong mù sương. Ảnh: Phạm Trường

Từng 3 lần đặt chân tới các bản làng ở xã Trọng Hóa như: Bản Lòm, Pa Choong, bản Sy, Cha Cáp và đi qua các khe Ta Cô, Tà Dong, Ka Chăm… nhưng tôi vẫn chưa hình dung ra được, tại sao báo chí thường đăng tin về những bản làng nằm dọc quốc lộ 12A bị mắc kẹt sau một trận mưa? Đến khi đặt chân lên tới khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và nhìn núi, nghe người dân địa phương kể, vượt qua con suối Cóp Pi, Hà Măng thì mới hiểu, đầu nguồn có mưa thì những ngôi làng ngang lưng núi lập tức có âm thanh của nước suối réo sôi và các khe biến thành suối.

Người dân sống ở lưng núi Giăng Màn phải bắt nhịp cùng cái hắt hơi của một cơn mưa trút ngang lưng núi. Khi mưa đổ, các gia đình túm tụm lại với nhau bên bếp lửa, dưới mái nhà được lợp bằng lá cọ, cả núi rừng phát ra tiếng xào… xào… của mưa đổ trên lá.

Ở miền xuôi, việc đến công ty là điều bình thường, còn đây là ngang lưng núi Giăng Màn, sương mù, giá rét căm căm, việc “đi tìm công ty” trở thành chuyện lạ. Trước ngày rời lưng núi, nếu thấy trời muốn đổ mưa thì Mao và Tý phải vội vã cõng hành lý, xuống dốc núi, vượt qua các con suối Cóp Pi, Hà Măng… để lánh ra đầu cầu Ka Định. Nếu ở lại thì nước dâng ngập cắt ngang đường đi.

Căn nhà áo lá

Chia tay hai cô gái thế hệ gen Z bên khe suối Hà Măng, tôi nhờ thiếu tá Hồ Xuân Thon, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai hỗ trợ “đưa vào bản làng nào thuộc diện khó khăn nhất ở vùng này”. Thiếu tá Thon ái ngại: “Nhà báo đi có nổi không, vào bản Ka Oóc phải vượt dốc núi, cuốc bộ mất cả tiếng đồng hồ vì không thể đi xe máy…?”.

Con dốc mà thiếu tá Thon “nắn gân” tôi quả thực là cung đường toát mồ hôi trong giá rét, sương sa. Đám học trò lấm lem bùn đất cắm người leo dốc. Chị Hồ Thị Trang đánh vật với chiếc xe máy cứ trèo lên rồi lại tuột xuống trên con dốc trơn trượt như đổ mỡ. Cậu con trai 8 tuổi ngồi phía sau bị hất văng xuống đất và dính đầy bùn lầy.

Bản Ka Oóc gần 9 giờ sáng giữa không gian âm u, đầu làng là một bộ pin năng lượng cung cấp điện cho khóm nhà gần điểm trường Ka Oóc, giữa làng là “nhà máy điện” phục vụ dân làng, bao gồm 2 tấm pin năng lượng to bằng 4 chiếc bàn ghép lại. Mọi người ngỡ ngàng trước ngôi nhà trông rất lạ mắt, toàn bộ bề ngoài được treo bằng lá cọ và phân ra thành từng tầng.

Khi bước vào, tôi giật mình nhận ra, ngôi nhà mặc áo lá được anh Hồ Văn Phường, cha của Mao và Tý sáng tạo ra. Trong căn nhà chập choạng bóng tối vì không có điện, phảng phất mùi khói bếp, anh Phường ngồi bên hai chiếc va ly của con gái chờ tin công ty để con gái đi thoát “thôốc nhà”.

Anh Hồ Tha, trưởng bản Ka Óoc cho biết, mấy năm trở lại đây, Chính phủ có chính sách chặt chẽ hơn về việc cấm phá rừng, đốt nương rẫy, săn bắn thú rừng, vì vậy người dân địa phương kiếm sống bằng nghề đi đốn, vác keo lai và được trả công 200.000 đồng/ngày. Sau Tết, đàn ông xuống thị trấn làm thợ hồ, thanh niên đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, hoặc vào tận Sài Gòn, Bình Dương tìm việc làm ở các khu công nghiệp.

 Ngôi nhà lá ở bản K Ooc  

Tại một số địa phương lân cận như xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) được Liên minh châu Âu triển khai dự án MCNV, bà con chuyển sang mưu sinh, tăng thu nhập từ trồng và hái các loại dược liệu. Còn ở nhiều địa phương khác trên lưng núi Giăng Màn, nơi nào thuận lợi thì trồng rừng, nhưng có nơi thì không còn đất canh tác, thế là gen Z bắt đầu xuống núi.

Gió rít qua khe núi, cái lạnh thấu tận xương. Anh Hồ Tha, trưởng thôn Ka Oóc kể, nhiều người trẻ rời núi, trước là cô Hồ Thị Măng, 25 tuổi, đi vào Bình Dương làm thuê và gởi tiền về, sau đó về thăm quê lấy chồng rồi ở lại. Cô Hồ Thị Lan, 22 tuổi cho biết, 5 năm trước chưa có kiểu rời núi đi vào thành phố để “thôốc nhà”, nên 17 tuổi đã có chồng. Còn bây giờ ăn Tết xong là người chồng đi làm thợ hồ dưới miền xuôi. Nhiều em học xong cấp 3 cũng xuống núi.

Câu chuyện thế hệ gen Z rời núi được cha của Tý và Mao kể trong mâm cơm trưa phảng phất mùi lá cọ khô lợp trên mái nhà. Phong tục ở xứ sở này, có khách tới nhà thì phải thết đãi. Chủ nhà bẻ 2 cái đùi sóc đặt vào bát của khách, người nhà thì gặm phần xương xẩu còn lại. Tý và Mao cho biết ý định, “đi làm ăn xa, vài tháng phải trở về thăm núi, không thể bỏ núi Giăng Màn”.

Gen Z ở miền xuôi đầu năm đi, cuối năm về, thậm chí có người muốn ở lại thành phố, còn gen Z ở núi Giăng Màn giống như chim lìa rừng, chân đi mà bụng thì nhớ núi. 

VĂN CHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top