Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Giáo viên cần trang bị “năng lực số”

Thứ Sáu 17/02/2023 | 10:56 GMT+7

VHO- Chỉ sau hai tháng ra đời, từ 1 triệu người dùng, ChatGPT đã có tới trăm triệu tài khoản đăng ký sử dụng, tạo nên một cơn sốt công nghệ trên toàn thế giới. Sự hứng khởi cuồng nhiệt đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo này, đồng thời cũng cho thấy sức mạnh cũng như thách thức của nó đối với nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.

 ChatGPT có thể trả lời hằng hà sa số các câu hỏi của người dùng trên tất cả các lĩnh vực

 Khác với công cụ tìm kiếm Google chỉ cung cấp thông tin theo từ khoá, ChatGPT có thể trả lời hằng hà sa số các câu hỏi của người dùng trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí còn có thể sáng tác theo yêu cầu của người dùng hoặc đưa ra những lời khuyên như một chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Điều này đã lôi cuốn rất nhiều người đăng ký sử dụng.

Có thể nói, sự xuất hiện của ChatGPT đã tạo nên “cơn bão” công nghệ, khiến nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng về sự thay thế của “người máy” trong mọi hoạt động xã hội. Ngành tỏ ra lo lắng đầu tiên trước “cơn bão” ChatGPT chính là ngành giáo dục và đào tạo. Nhiều ý kiến lo lắng ChatGPT sẽ khiến thầy và trò trở nên lười tư duy, động não mà thay vào đó là dựa cả vào công nghệ, dần dần điều này sẽ khiến họ thụ động.

Nhìn nhận về lợi ích và thách thức của ngành giáo dục trước ứng dụng công nghệ số mới, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, ChatGPT sẽ tạo cho thầy cô nhiều cơ hội để giúp học sinh tiếp cận kiến thức; còn để phát triển được năng lực, phẩm chất của các em thì người giáo viên ngoài việc tận dụng ChatGPT còn bằng tình cảm, kinh nghiệm để dạy dỗ học trò. Theo ông, thầy cô cần biết cân đối, tận dụng sản phẩm công nghệ để dạy học, phải thực hiện đánh giá học sinh thường xuyên; đặc biệt, cần nâng cao năng lực số của mình để giúp học sinh tiếp cận kiến thức cũng như trang bị các kỹ năng. Việc dạy và học chắc chắn cũng phải có những thay đổi tích cực hơn trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện nay.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho rằng, ngành giáo dục có thể tận dụng ChatGPT để có bước tiến nhanh hơn trong việc giúp học sinh hoàn thiện năng lực, phẩm chất của mình, nhất là khi ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. TP rất mong muốn nâng cao năng lực số của thầy cô, học sinh để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, phát huy được năng lực, phẩm chất học sinh.

 Hiện nhiều trường ĐH đang nghiên cứu để đưa ChatGPT vào giảng dạy (ảnh minh họa)

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên sợ công nghệ, sợ cái mới mà nên tận dụng để sử dụng nó. Theo ông, trong thực tế nhiều sinh viên sử dụng công cụ AI còn có kiến thức rộng hơn thầy cô. Vì vậy, thầy cô bắt buộc phải tự học hỏi để tiếp cận và làm chủ công nghệ số. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, ChatGPT là cơ hội để giáo viên chuyển đổi phương thức dạy học, thay vì dạy thiên về kiến thức thì nên dạy học sinh, sinh viên phát triển năng lực; thay vì truyền thụ kiến thức, nên định hướng, dẫn dắt sinh viên tiếp cận tri thức. Nói cách khác, vai trò của thầy cô là không thể thay thế, nhưng trong bối cảnh hiện nay, thầy cô cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời đại mới.

Đồng quan điểm, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường CNTT và truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, thay vì ngồi tranh luận học sinh đang sao chép bài luận từ ChatGPT thì thầy cô có thể hướng dẫn, giúp sinh viên tăng điểm bài luận. Như vậy sinh viên được hỗ trợ từ cả thầy cô và AI. Không ai có thể từ chối công nghệ, trí tuệ nhân tạo, do đó, nên coi các sản phẩm công nghệ là công cụ phục vụ cho chúng ta…

Là trường tiên phong trong việc ứng dụng ChatGPT vào việc dạy và học, đại diện Trường Đại học Vinuni thẳng thắn nêu quan điểm: “Trong khi chúng ta đang ngồi bàn bạc về việc có nhiều bất cập, tranh cãi đối với ứng dụng này, thì chúng tôi lại suy nghĩ là làm thế nào để chúng tôi có thể sử dụng công cụ này cách tốt nhất cho việc giảng dạy sinh viên của chúng tôi”.

Vị này cũng cho biết, Vinuni tin tưởng vào ChatGPT và luôn tìm cách sử dụng các công cụ của trí tuệ nhân tạo, bên cạnh đó, huấn luyện cho sinh viên sử dụng một cách hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng quy tắc đạo đức. Đồng thời, tìm cách hạn chế tối đa các bất cập. Hiện Vinuni đang nghiên cứu để đưa công cụ này vào việc giảng dạy, giúp sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu tiết kiệm thời gian tra cứu tài liệu, trên cơ sở phản biện và kiểm chứng thông tin được ứng dụng cung cấp.

Công nghệ gì cũng không thay thế được hoàn toàn, mà ngược lại, con người cần thay đổi để thích nghi được với sự phát triển của công nghệ. Khẳng định, công nghệ đã giúp ngành giáo dục có những bước tiến lớn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn bày tỏ, công nghệ giúp các nhà giáo giảm tải công việc và việc đưa công nghệ vào giáo dục để tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng là bình đẳng trong giáo dục. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái và sự lệ thuộc vào công nghệ, công cụ; làm sao mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, thì cần có nhiều giải pháp, trong đó, việc thay đổi và thích ứng của thầy cô đối với sự phát triển của công nghệ là vấn đề quan trọng. 

 HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top