Khi đi bộ… cũng bị phạt

VHO- Công an TP.HCM vừa xử phạt ba người đi bộ vì lý do lưu thông sai phần đường quy định. Có thể nói, đây là “lần đầu tiên trong lịch sử”, đi xe “căng hải” mà cũng phải nộp phạt! Mới nghe qua, ai cũng ồ… à… vì sự lạ, nhưng thực tế, dù chúng ta đã có quy định rõ ràng nhưng tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến.

Nhiều du khách nước ngoài đã từng cảm thán, dân Việt quả là “dũng cảm”! Hình ảnh có thể thấy nhan nhản trên mọi tuyến đường là từ nam, phụ, lão, ấu… đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, dũng cảm phi thân, cắt mặt tài xế để leo rào, vượt dải phân cách.

Họ lượn như làm xiếc trên đường, đánh võng, đảo chiều rất tài tình để né xe. Không ít lần bà con phải giật mình thon thót khi nghe tiếng phanh xe cháy đường bởi bác tài hốt hoảng trước một “chiến binh cảm tử” đương lao như bay sang đường như chỗ không người.

Việc xử phạt người đi bộ đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trên diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, phạt là đúng, phạt cho chừa cái thói cẩu thả, coi thường tính mạng của người khác và của chính mình. Bởi người đi bộ đi không đúng phần đường quy định tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Có thể nêu ví dụ, hồi đầu năm 2021, trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), hai người đi bộ sang đường đã xảy ra va chạm với xe máy, khiến cả hai tử vong, trong đó có một bạn trẻ sinh năm 2000. Rồi đầu năm 2022, một người bán hàng rong đã thiệt mạng do va chạm với xe bus khi di chuyển ngang qua ngã tư Văn Cao - Đào Tấn…

Luật đã quy định, người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Đồng thời, nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, thì khi qua đường phải quan sát các xe đang đi tới để qua đường an toàn, nhường đường cho các phương tiện giao thông khác... Nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ qua đường thì người đi bộ phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn và qua đường đúng các vị trí. Đặc biệt, người đi bộ không được vượt qua dải phân cách. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người đã đặt ra những câu hỏi… khó giải đáp, rằng thì là: “Vỉa hè dành cho người đi bộ” có lẽ mãi chỉ là khẩu hiệu? Vỉa hè đã bị chiếm dụng để bán hàng, để trông xe, để dựng biển quảng cáo, tôi ngày nào cũng phải đi xuống lòng đường, vừa đi vừa run? Nào là: Tôi đang sống ở một nơi mà người đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy, xe ô tô con, xe ô tô tải, xe bus, xe ben… nói chung là tất cả các loại xe đều di chuyển và đi lại trên thứ mà người ta gọi đó là “con đường”! Chúng tôi không thể leo qua ô tô, xe máy, quán xá để đi và thậm chí chúng tôi sẽ bị đuổi nếu đứng trên vỉa hè, trước cửa một cửa hàng nào đó…

Cách đây không lâu, Hà Nội đã thí điểm đèn báo hiệu dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, đứng trước phần đường dành cho mình mà người ta vẫn phải rón ra rón rén, mắt trước mắt sau, tim đập chân run, phỏng đoán “liệu xe có dừng lại cho mình sang không?” khi đèn tín hiệu qua đường đã xanh lét mà xe cộ chiều kia vẫn lao vun vút, không hề có dấu hiệu dừng lại.

Quay trở lại việc xử phạt của Công an TP.HCM, dù rằng chúng ta phải sống theo hiến pháp và phát luật, nhưng để việc xử phạt không là “chuyện lạ có thật” thì cần phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, ở trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao ý thức, kỹ năng tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và nếu cần thiết, xử lý thật nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. Cảnh sát giao thông cần cương quyết trong việc xử lý vi phạm, dù mức phạt còn thấp và có thể mất nhiều thời gian… 

ĐỖ CAO HUYỀN

Ý kiến bạn đọc