Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tiếp bài Đau lòng... làm mẹ ở tuổi trẻ con: Luật pháp chưa đủ răn đe hay lỗi của người lớn?

Thứ Sáu 24/02/2023 | 10:32 GMT+7

VHO- Ngay sau khi nữ sinh C (SN 2010, đang học lớp 7 của một trường THCS tại Bắc Giang) tự sinh con trong nhà tắm được phát hiện, đối tượng được cho là cha của đứa trẻ đã bị Công an tỉnh Bắc Giang tạm giữ hình sự trong trường hợp khẩn cấp về hành vi Hiếp dâm người dưới 16 tuổi để điều tra, xử lý. Còn trường hợp bé gái H.T (sinh năm 2011, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng vừa sinh con nhưng đối tượng không được thông tin rộng rãi khiến dư luận nghi ngờ có sự bao che, chậm trễ của lực lượng chức năng?

 

 Việc có thai và sinh con ở tuổi trẻ em là những thiệt thòi to lớn cho chính bản thân các cháu, chưa kể những định kiến của xã hội (ảnh minh họa)

Thực tế không phải như vậy. Với bé gái H.T, sự việc được phát hiện vào tháng 8.2022 khi mẹ của bé đi làm xa trở về, thấy con gái có biểu hiện bất thường và đưa đi khám bệnh. Bác sĩ kết luận, bé H.T đã mang thai ở tháng thứ 7. Thông tin từ Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay sau khi bé gái sinh con vào tháng 11.2022, Công an tỉnh đã có quyết định trưng cầu giám định và xác định cháu trai tên V là bố của cháu bé.

Ngày 13.1.2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên, do người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (khi giao cấu, cháu V chưa đủ 14 tuổi). Ngày 8.2.2023, Tòa án ND huyện Thanh Sơn đã ra quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa cháu V vào Trường giáo dưỡng. Sau đó, Công an huyện Thanh Sơn đã thi hành quyết định trên, cháu V được đưa vào Trường giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) ngày 15.2 vừa qua.

Một cái kết xót xa cho cả 2 cháu bé, từ đáng giận trở thành đáng thương khi ở tuổi còn non nớt, tinh thần và thể chất chưa phát triển hoàn thiện, cần sự chăm sóc của bố mẹ thì nay một cháu trở thành mẹ bỉm sữa khi mới 11 tuổi, một cháu phải vào trại giáo dưỡng chỉ bởi thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật cũng như giới tính, sức khỏe sinh sản.

Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho hay, nhiều bệnh nhân của ông là những gương mặt trẻ con ngơ ngác với cái bụng bầu “lùm lùm” được gia đình đưa đến khám thai. “Điều khiến các thầy thuốc sản phụ khoa xót xa là không ít trường hợp các cháu vẫn vô tư, thản nhiên trêu đùa với bạn trai trong khi bố mẹ lo đến bạc đầu. Dường như các em chưa thấy sợ hãi, chưa nhận thức được những ảnh hưởng của việc quan hệ sớm, bệnh lây qua đường tình dục, phá thai hay mang thai khi tuổi còn nhỏ đến tương lai, sức khỏe, thậm chí việc nghỉ học cũng chưa từng nghĩ đến”, bác sĩ chia sẻ. Trò chuyện với thầy thuốc, nhiều thai phụ nhỏ tuổi kể việc yêu đương sớm, quan hệ từ khi học lớp 8, lớp 9 là chuyện “rất bình thường”. Đặc biệt, có em cho biết chưa từng dùng một biện pháp tránh thai hiện đại nào trước đó, hoặc luôn tin rằng tuổi nhỏ, uống thuốc tránh thai khẩn cấp thì không thể mang thai...

Trao đổi với Văn Hóa ngày 23.2, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho biết, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi quan hệ tình dục (QHTD) với người chưa đủ 16 tuổi, nên hành vi này dù tự nguyện cũng là vi phạm pháp luật. Cụ thể, pháp luật quy định mọi tình huống QHTD với người chưa đủ 13 tuổi (dù tự nguyện) đều là hành vi hiếp dâm, bị xử lý hình sự với tội danh quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự. Trường hợp người đã thành niên QHTD với người đủ 13 đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý hình sự về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Trong trường hợp phạm tội nhiều lần, dẫn đến có thai thì hình phạt đến 20 năm tù, chung thân, hoặc tử hình; còn với người phạm tội từ 14-16 tuổi thì hình phạt không quá 12 năm tù, 16-18 tuổi hình phạt không quá 18 năm tù.

Tuy nhiên, việc vi phạm vẫn xảy ra, theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, nguyên nhân là do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhiều trẻ vị thành niên, thậm chí người lớn chỉ nhận thức được đó là tự nguyện, và tự nguyện thì không sao. Ở góc độ giáo dục pháp luật tại gia đình, nhà trường cũng chưa được hiệu quả nên nhận thức của các em về trách nhiệm hình sự cũng như hoạt động QHTD an toàn chưa đầy đủ. “Rõ ràng, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong những tình huống, hoàn cảnh cụ thể là chưa đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, tình dục an toàn... kết quả chưa như mong muốn. Số liệu công bố của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ em diễn ra khá sớm và có vẻ mất kiểm soát ở một số gia đình. Xã hội đổi mới, văn minh với quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em được đề cao, nhưng việc giáo dục đạo đức đang bị xáo trộn, đang giao thoa giữa cái mới và cái cũ. Nhiều đứa trẻ ở tuổi dậy thì, lớp 6-7 đã đòi quyền tự do cá nhân, sống khép kín, ít chia sẻ với cha mẹ”, luật sư Cường bày tỏ.

Việc một đứa trẻ mang thai và sinh con là điều không đúng với quy định chung về pháp luật cũng như đạo đức xã hội. Việc có thai và sinh con ở tuổi trẻ em chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, học tập, nhiều cháu phải nghỉ học, không có nguồn kinh tế nuôi con... là những thiệt thòi to lớn cho chính bản thân các cháu, chưa kể những định kiến, cái nhìn của xã hội về việc này.

“Chúng ta cần biết nguyên nhân, lý do nào dẫn đến sự việc đau lòng như vậy. Đầu tiên là trẻ bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai mà không ai phát hiện ra. Thứ hai là trẻ mang thai đến lúc sinh con mà gia đình, nhà trường mới biết, rõ ràng là trách nhiệm quản lý, quan tâm chăm sóc các em cần xem xét, chú ý hơn. Mặt khác, bản thân trẻ không được giáo dục giới tính một cách đầy đủ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, cho thấy lỗ hổng trong việc phát triển các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ trẻ em. Khi các em gặp điều không mong muốn mà không thể chia sẻ với bố mẹ, bạn bè, thầy cô, các em cần tìm được chỗ dựa an toàn, từ đó có giải pháp sớm để tránh được hậu quả trẻ phải mang thai và sinh con, ảnh hưởng đến tương lai”, bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhận định. 

 Thực tế cho thấy, các cháu bị xâm hại dẫn đến có thai hiện nay mới giải quyết sự việc tại chỗ, nghĩa là tìm ra kẻ đã xâm hại và xử lý nghiêm minh. Nhưng còn hoàn cảnh làm mẹ ở tuổi trẻ con, theo dõi cuộc sống sau này của các cháu, hoạt động hỗ trợ của các cơ quan liên quan thì ít có báo cáo đề cập. Chúng tôi đã có một trường hợp có hoàn cảnh tương tự, và chúng tôi đã hỗ trợ tách em bé ra để mẹ có thể tiếp tục đi học.

(Bà NGUYỄN THỊ HÒA, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em)

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top