Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Xử lý nghiêm các hiện tượng mê tín dị đoan tại di tích lễ hội

Thứ Sáu 24/02/2023 | 10:33 GMT+7

VHO- Trước những vụ việc, hiện tượng bói toán, truyền bá mê tín dị đoan xuất hiện ngày càng phổ biến và tạo nên những ảnh hưởng, hệ lụy tiêu cực trong xã hội, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, cần phải xử lý nghiêm, đúng tính chất, mức độ hành vi, và đặc biệt, mức xử phạt phải đảm bảo răn đe.

Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm

 “Quan điểm chung là phạt một điểm để có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, góp phần đẩy lùi những hiện tượng lạm dụng niềm tin tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan tại các không gian lễ hội, di tích…”, ông Liêm cho biết.

Ranh giới mong manh giữa tín ngưỡng và lạm dụng để trục lợi

P.V: Sau vụ việc “cô đồng bổ cau” xem bói ở Kinh Môn (Hải Dương) vừa qua, dư luận cho rằng vẫn cần có những chế tài mạnh và đủ sức nặng để răn đe hơn nữa. Xin ông cho biết quan điểm trước vụ việc này cũng như hiện tượng bói toán, truyền bá mê tín dị đoan trong xã hội hiện nay?

- Ông Lê Thanh Liêm: Tự do tín ngưỡng là quyền của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp cũng như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, lợi dụng tín ngưỡng ở mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, mà chúng ta thường gọi là mê tín dị đoan, lại là hành vi cần lên án và xử lý theo quy định pháp luật. Những hiện tượng này đang xuất hiện khá phổ biến trong xã hội và trong một số hoạt động cụ thể, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.

Nhiều người băn khoăn thế nào là mê tín dị đoan? Ngành văn hóa đã có hướng dẫn tương đối cụ thể tại Thông tư số 04 được ban hành năm 2009. Theo đó, nội dung mê tín dị đoan là làm mê hoặc người khác, trái tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bằng các hình thức như lên đồng, phán truyền, yểm bùa… Tín ngưỡng và việc lạm dụng để trục lợi thực sự là ranh giới mong manh, việc quản lý và xử lý vi phạm vì vậy cũng luôn đòi hỏi sự sát sao, quyết liệt.

Đối với một vụ việc cụ thể, khi đưa ra mức xử phạt cần phải căn cứ vào nhiều nội dung với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… Chủ trương chung là cần phải xử nghiêm, đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và mức xử phạt phải đảm bảo tính răn đe. Quan điểm là “phạt một điểm để có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cả vùng”. Vụ việc “cô đồng bổ cau” tạo bức xúc trong dư luận vừa qua là một trong rất nhiều hiện tượng tiêu cực đã và đang xảy ra. Việc thông tin rộng rãi về mức phạt hành chính cũng như các biện pháp xử lý khác cũng có nghĩa nâng cao nhận thức đối với xã hội, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Những hình thức xử phạt nghiêm khắc sẽ khiến các cá nhân trước khi tham gia hoạt động nào cũng đều phải cân nhắc.

Chức năng quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL đối với những hiện tượng có tính chất truyền bá mê tín dị đoan được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Bộ VHTTDL được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về lễ hội, tín ngưỡng và cơ sở tín ngưỡng là di tích đã được xếp hạng, đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản Văn hóa. Thời gian qua, các cơ quan chức năng thuộc Bộ đã tích cực tham mưu cho Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ VHTTDL để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm, đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh trong các dịp lễ, Tết cũng như trong hoạt động thường ngày. Đối với hoạt động lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở thường xuyên ban hành các văn bản đôn đốc, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, chấn chỉnh những sai phạm, tiêu cực. Tại di tích, Cục Di sản Văn hóa cũng có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể.

Ngày 23.9.2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, Bộ trưởng chỉ đạo nhiều công việc cụ thể, giao Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp như quán triệt, nâng cao nhận thức về quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; rà soát và thẩm định chặt chẽ các giấy phép, hồ sơ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra…

Thanh tra Bộ VHTTDL thời gian qua đã thực thi và phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ trong việc siết chặt quản lý các hoạt động truyền bá mê tín dị đoan tại di tích, lễ hội như thế nào, thưa ông?

- Thanh tra Bộ đã lồng ghép nội dung kiểm tra này trong hoạt động của các đoàn thanh tra chuyên ngành ở các lĩnh vực, trong đó có gắn việc thanh, kiểm tra, phát hiện các hành vi mê tín dị đoan tại lễ hội, di tích để xử lý theo thẩm quyền, trường hợp có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cho cơ quan chức năng. Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, đối với việc hành nghề mê tín dị đoan tại lễ hội sẽ xử phạt cả với người tham gia, người tổ chức. Thời gian qua, Thanh tra Bộ VHTTDL đã rất tích cực nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, Thanh tra Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố; UBND các cấp huyện, xã… cũng đều có thẩm quyền xử phạt những hành vi nêu trên. Vì vậy các lực lượng này đều cần vào cuộc đồng bộ.

Tín ngưỡng và việc lạm dụng để trục lợi thực sự là ranh giới mong manh (ảnh minh họa)

Chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý văn hóa

Xin ông cho biết những chuyển biến tích cực từ sự vào cuộc quyết liệt trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa tại di tích, lễ hội, trong đó có hoạt động tín ngưỡng trên thực tế như thế nào?

- Những chuyển biến được nhìn thấy rất rõ rệt. Hiện nay, các hiện tượng vi phạm chỉ xuất hiện lẻ tẻ, không nhiều vụ việc lớn, tiêu cực và ảnh hưởng rộng đến đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân tại các lễ hội, di tích.

Cụ thể, trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa nói chung, tín ngưỡng nói riêng tại di tích, lễ hội. Không chỉ là các hiện tượng mê tín dị đoan mà việc quản lý, chấn chỉnh những tiêu cực trong lễ hội, di tích đều chuyển biến rõ rệt. Các địa phương đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình theo Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Đơn cử, lễ Khai ấn đền Trần trong mùa lễ hội 2023, dù mới quay trở lại sau 3 năm Covid-19, nhưng mọi hoạt động diễn ra nề nếp, an ninh thắt chặt nhiều vòng; địa phương chuẩn bị kỹ càng các phương án đảm bảo an toàn; hoạt động mua bán, dịch vụ được quản lý chặt chẽ... Đó là một trong những bước tiến tích cực, kết quả của sự chuyển đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong thời gian qua.

Ông nhận định như thế nào đối với việc cần tăng cường hơn nữa các giải pháp một cách đồng bộ nhằm hạn chế những biến tướng, trục lợi từ niềm tin tín ngưỡng tại các di tích, lễ hội?

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay đang triển khai tích cực, bao gồm tuyên truyền pháp luật và chính sách pháp luật. Vấn đề ở chỗ là phải có sự quan tâm thực hiện tốt quy định pháp luật của những cá nhân chịu sự tác động, điều chỉnh, với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Bên cạnh đó, trong không gian mở rộng với công nghệ 4.0 phát triển, phương pháp quản lý cũng cần có sự mở rộng hơn cho phù hợp. Trên không gian mạng, các lĩnh vực cụ thể đều cần có sự phối hợp tích cực chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để nâng cao hiệu quả quản lý. Thời gian tới, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý hoạt động văn hóa trên không gian mạng cũng cần phải đặt ra.

Pháp luật thường có độ trễ so với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Vấn đề ở đây là chúng ta phải phản ứng chính sách kịp thời. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng đặt ra, các đơn vị đều phải chủ động trong phản ứng chính sách để khi có bất kỳ một sự việc nào xảy ra đều phải có sự chủ động ứng phó, từ đó đúc kết kinh nghiệm để quản lý chặt chẽ.

Về phía Thanh tra Bộ VHTTDL, thường xuyên triển khai hoạt động thanh, kiểm tra theo kế hoạch hằng năm. Cùng với thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch là hoạt động thanh tra đột xuất, được tiến hành khi phát hiện có hành vi vi phạm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

 

Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, đối với việc hành nghề mê tín dị đoan tại lễ hội sẽ xử phạt cả với người tham gia, người tổ chức. Thời gian qua, Thanh tra Bộ VHTTDL đã rất tích cực nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, Thanh tra Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố; UBND các cấp huyện, xã… cũng đều có thẩm quyền xử phạt những hành vi nêu trên. Vì vậy các lực lượng này đều cần vào cuộc đồng bộ.

(Ông LÊ THANH LIÊM - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL)

 

BẢO ANH (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top