Suy nghĩ về nguyên tắc "Khoa học hóa" trong Đề cương về văn hóa Việt Nam

VHO- Bản Đề cương về văn hoá ra đời cách đây tròn 80 năm (1943-2023) với ba nguyên tắc cơ bản là “Dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá”. Cho đến nay, những định hướng lớn ấy vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hoá, văn nghệ. Trong phạm vi bài này, xin nêu đôi diều suy nghĩ về nội dung “Khoa học hoá” trong bản Đề cương nổi tiếng nói trên.

 

Suy nghĩ về nguyên tắc

Nghệ thuật tuồng thấm sâu vào đời sống văn hóa của người dân miền Trung

 “Khoa học hoá” là nhằm chống lại tất cả những gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ. Tại thời điểm Đề cương về văn hoá ra đời, đây là một chủ trương vô cùng đúng đắn và cần kíp. Bởi dân tộc ta có lịch sử lâu đời, có nền văn hoá cũng lâu đời với rất nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng. Bên cạnh những phong tục, tập quán, lễ hội, tư tưởng, tình cảm, đạo đức trong sáng, thiêng liêng, góp phần làm nên bản sắc, hồn cốt của dân tộc thì vẫn còn vô số những tập tục cổ hủ, lạc hậu, mê tín, dị đoan cùng với trình độ dân trí quá thấp, nạn thất học, mù chữ bấy giờ là rất phổ biến. Với bối cảnh như vậy thì “Tư tưởng căn bản của Đề cương là muốn thay đổi phong hoá của dân tộc: Từ thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống sẽ tạo nguồn lực giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Rõ ràng, với tư tưởng “Khoa học hoá”, kể từ khi giành được độc lập, văn hoá của đất nước nhìn chung đã hướng đến những giá trị văn minh, từng bước loại bỏ những yếu tố lạc hậu trong văn hoá, góp phần hình thành một nền văn hoá   mới xã hội chủ nghĩa” (PGS. TS Bùi Hoài Sơn).

Trước các biểu hiện và các giá trị văn hoá xưa cũ của dân tộc, quan điểm của Đảng và nhà nước ta là rất rõ ràng. Cùng với nguyên tắc “Khoa học hoá” trong bản Đề cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có quan điểm chỉ đạo rất cụ thể rất sâu sắc: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lí. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Rõ ràng là những nguyên tắc và quan điểm nói trên thể hiện sự chỉ đạo cụ thể, linh hoạt, cởi mở đối với những gì gọi là xưa cũ trong nền văn hoá lâu đời của dân tộc ta.

Tiếc rằng, trong thực tế, những quan điểm chỉ đạo sâu sắc nói trên, có lúc, có nơi chưa được quan triệt sâu rộng, nhiều khi ta lại tỏ ra lúng túng, chệch choạc, thậm chí là sai lầm. Có lúc chúng ta rất tả khuynh, có lúc lại rất hữu khuynh trong việc chỉ đạo thực hiện những quan điểm về văn hoá trong bản Đề cương của Đảng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suy nghĩ về nguyên tắc

Lễ hội đình làng, Lễ hội Cầu Ngư là nghi lễ truyền thống được người dân lao động gìn giữ

Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên phạm vi cả nước sau năm 1975 là thời kì tả khuynh, cực đoan trong chỉ đạo các hoạt động văn hoá. Bấy giờ, nhân danh thực hiện nhân danh bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, cùng với cách hiểu máy móc về chủ nghĩa duy vật trong triết học Mác-Lê nin, rất nhiều địa phương đã loại bỏ nhiều hoạt động mang sắc thái văn hoá lâm linh, ngăn cản tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tốt đẹp. Đối với nhiều đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, cơ sở tín ngưỡng, cái thì bị đập phá không thương tiếc, cái thì chuyển sang sử dụng cho mục đích kinh tế, cái thì trưng thu làm trụ sở hành chính. Hoành phi, liễn đối, tủ thờ trong một số cơ sở thờ tự trang nghiêm bị tháo làm ghế ngồi, củi đốt, trại chăn nuôi Hợp tác xã… Ở thành phố Huế, Đàn Nam Giao- nơi tế trời đất, đem sử dụng làm Nghĩa trang liệt sĩ. Ở Đà Nẵng, thành Điện Hải- nơi danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân dân ta anh dũng chiến đấu và chiến thắng liên quân Pháp- Tây Ban Nha xâm lược giữa thế kỉ XIX, nay là di tích Quốc gia đặc biệt, bị đem làm cơ sở chế biến dược phẩm, nuôi các loài rắn rết. Ở vùng Gò Nổi địa linh nhân kiệt, các tấm bia trong Văn thánh, Văn chỉ do đích thân cụ Phạm Phú Thứ lập ra, bị đem làm cống rãnh, mương thoát nước. Và may, thật may, phố cổ Hội An, nay là Di sản văn hoá thế giới, là một trong những điểm hấp dẫn nhất cho du khách năm châu bốn biển, nếu không có ông Hồ Nghinh - bấy giờ là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Đà Nẵng, vào giờ chót đưa tay ra ngăn chặn kịp thời thì ngày nay cũng chẳng còn. Trong lúc tình hình chung như vậy, chỉ một số cán bộ, đảng viên có kiến thức, có chiều sâu văn hoá, có bản lĩnh đã nỗ lực bảo vệ, gìn giữ các thiết chế văn hoá truyền thống ở địa phương. Có lần, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng kể rằng, thời ấy ở Quảng Trị có một cán bộ xã, khi biết người ta sắp đập một mái đình cổ, liền xin chuyển trụ sở làm việc của xã về đấy, nhờ vậy mà cứu được một di tích văn hoá. Sự hăng hái triệt hạ các thiết chế văn hoá xưa cũ ở các địa phương của một thời tả khuynh, nông nổi ấy, vẫn còn để lại hậu quả rất lâu dài.

Rồi đến thời điểm hiện nay, bên cạnh nhiều hoạt động văn hoá truyền thống và hiện đại theo hướng lành mạnh, văn minh theo đúng chủ trương “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đấm đà bản sắc dân tộc’, thì cũng đã và đang xuất hiện nhiều hiện tượng văn hoá rất đáng suy ngẫm, rất đáng lo ngại, bởi nó không phù hợp với nguyên tắc “Khoa học hoá” trong bản Đề cương, và không đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá. Đó là hiện tượng lợi dụng “văn hoá tâm linh”, “du lịch tâm linh” để buôn thần bán thánh, hoạt động mê tín dị đoan. Có lẽ chưa bao giờ chùa chiền, cở sở thờ tự, được cơi nới, nâng cấp, mở rộng, xây mới ồ ạt như bây giờ. Xưa kia, chùa chiền thường nhỏ nhắn, toạ lạc nơi thanh tịnh, hoà  lẫn với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, tươi đẹp, để người đi chùa đến vãn cảnh, tìm phút giây thanh thản cho cõi lòng, cho tâm hồn thêm nhẹ nhõm. Còn hiện nay, ở rất nhiều nơi, người ta đua nhau xây chùa to, dựng tượng Phật lớn, không ngần ngại bạt đồi, xẻ núi, san lấp mặt hồ, hoại huỷ cảnh quan, tàn phá tài nguyên, môi trường để xây dựng những cơ sở thờ tự khổng lồ, hướng đến đạt kỉ lục thế giới! Nhiều nhà báo và nhà nghiên cứu có cơ sở để gọi đó là các “Công ty chùa”, bởi có người hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trục lợi trong chuyện này. Tại một số chùa chiền và cơ sở thờ tự khác, đã xảy ra hiện tượng mê tín như xin xăm, xin quẻ, bói toán, coi ngày, cúng sao, giải hạn, ngập tràn áo giâý, vàng mã, vừa gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội, vừa làm ô nhiễm môi trường. Cần nhớ rằng, đạo Phật là đạo của trí tuệ, của giác ngộ với triết lí Nhân- Quả (người ta gieo nhân nào thì gặt quả nấy) chứ không mê tín dị đoan như trên. Những chùa nào, sư nào thực hiện hoặc bao che cho những hiện tượng nói trên thì thực tế họ đã xa rời triết lí chân chính của đạo Phật, mà sa vào những hình thức xằng bậy của các thầy cúng bên ngoài.

Suy nghĩ về nguyên tắc

Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đang chuẩn bị Lễ hội Quan Thế Âm và đón nhận Bằng Di tích Ma Nhai 

Gần gây, các nhà nghiên cứu văn hoá có lí khi tỏ ra bức xúc trước việc nhiều người hoặc vô tình hoặc cố ý, chuyển ngày Vía Đất ngày mồng Mười tháng giêng âm lịch thành ngày Vía Thần tài. Vía Đất là một ngày lễ thuần Việt, cha ông ta thực hiện để tạ ơn đất đai, ruộng vườn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân “mang gươm đi mở cõi”. Mâm cúng Vía Đất rất đơn giản, là cây nhà lá vườn, là các sản vật chung quanh nơi ta ở. Còn Thần Tài là một nhân vật trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa, là lễ nghi mang tính ngoại lai, đậm chất mê tín. Người ta lại bày ra việc ngày cúng Thần tài phải đi mua vàng để lấy hên. Chuyển ngày Vía Đất thuần Việt thành ngày Vía Thần Tài mang tính ngoại lai là việc làm thiếu ý thức, là trúng kế của những hiệu buôn vàng đấy thôi.

Các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, trong thời đại ngày nay, nếu không tin vào khoa học, không tin vào năng lực chính mình, mà chỉ dựa vào các hoạt động tâm linh, trông cậy vào trời phật, vào thần thánh, vào sự may rủi của số mệnh thì không thể nào cất cánh được. Cá nhân là như vậy mà cả dân tộc thì cũng như vậy!

Suy nghĩ về nguyên tắc

Suy nghĩ về nguyên tắc

Hò hát bài chòi là bộ môn nghệ thuật truyền thống được người dân miền Trung gìn giữ

Để khắc phục những hiện tượng chệch hướng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta hiện nay, đồng thời để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước về công tác văn hoá mà bản Đề cương đã mở đường và dẫn đạo suốt 80 năm qua, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, quản lý chặt chẽ việc xây dựng những cơ sở chùa chiền, đền thờ, tượng đài mang tính tâm linh, tín ngưỡng. Chỉ cho tu bổ, cơi nới, xây mới những cơ sở thờ tự, cúng kính khi thực sự có nhu cầu chính đáng của nhân dân hoặc của tín đồ tôn giáo tại địa phương. Không khuyến khích, không tạo điều kiện xây dựng những cơ sở tâm linh to lớn, đồ sộ, chiếm nhiều đất đai, rừng núi, ao hồ, sông biển, phá huỷ cảnh quan môi trường nhằm mục đích trục lợi cho tổ chức, cá nhân, hoặc chỉ nhằm để phục vụ dịch vụ du lịch đơn thuần.

Hai là, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên cao cấp phải gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, chống hủ tục, chống mê tín dị đoan trong cuộc sống và trong việc tham gia các hoạt động lễ hội truyền thống, đồng thời, nên cân nhắc dự hoặc không dự các lễ hội mới mà chưa rõ ràng về nguồn gốc, bởi sự hiện hiện của các vị là mặc nhiên công nhận tính chính danh của sự kiện đó.

Văn hoá vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa vận động, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Bản Đề cương về văn hoá ra đời 80 năm qua nhưng vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, làm cơ sở để kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo trên lĩnh vực văn hoá nước nhà. Riêng nguyên tắc “Khoa học hoá” nhằm chống lại những gì trái với bản sắc dân tộc, trái với thuần phong mỹ tục, trái với khoa học, phản tiến bộ, như vẫn còn mang tính thời sự.

NSND  HUỲNH VĂN HÙNG

Ý kiến bạn đọc