Nhiều sửa đổi quan trọng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT

VHO - Thí sinh không được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi; kiểm soát máy điện thoại (cố định hoặc di động), máy tính kết nối Internet được sử dụng ở hội đồng thi phục vụ công tác thi để đảm bảo không sử dụng sai mục đích… là những sửa đổi quan trọng đối với Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023 được sửa đổi vừa được Bộ GD&ĐT ban hành tại Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT chiều 28.3.2023.

Điểm mới sửa đổi đáng lưu ý nhất là: Thí sinh không được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT

Tại Thông tư, có quy định về việc sửa đổi, bổ sung Điểm m, Khoản 4, Điều 14 về những đồ dùng, thiết bị thí sinh được phép mang vào phòng thi. Cụ thể, thí sinh được phép mang vào phòng thi: bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.

Nhiều sửa đổi quan trọng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT - Anh 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT

So với quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành theo thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định cho phép thí sinh mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Thông tư cũng quy định bãi bỏ quy định tại điểm n, khoản 4, điều 14 cấm thí sinh mang vào phòng thi giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT của những năm trước, thí sinh được phép mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Tuy nhiên, tại những kỳ thi của các năm trước, đã có hiện tượng gian lận liên quan đến việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình. Bên cạnh đó, các thiết bị này cũng không phục vụ cho việc làm bài thi của thí sinh nên các thiết bị này đã bị loại bỏ trong danh mục các đồ dùng, thiết bị thí sinh được phép mang vào phòng thi.

Để “bịt” những kẽ hở như vụ lộ lọt đề thi sinh học năm vừa qua, Thông tư đã sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d khoản 2 Điều 17 Quy chế. Cụ thể: "Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng. Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi".

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 điều 10, trong đó ngoài quy định cũ: “Không được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi, trừ các thiết bị quy định tại khoản 3 điều này”, thì quy định mới làm rõ: “Tại mỗi khu vực côi thi, chấm thi, phúc khảo, Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó; các vật dụng này phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của công an và phải được bảo quản tại địa điểm an toàn trong suốt thời gian của mỗi buổi làm việc”.

Nhiều sửa đổi quan trọng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT - Anh 2

Các thiết bị gian lận được tuồn ra thị trường trước kỳ thi tốt nghiệp năm 2022 bị công an thu giữ

Quy chế mới cũng có một số điều chỉnh quy định cụ thể hơn về việc bố trí, quản lý, kiểm soát với một máy điện thoại cố định hoặc di động, máy tính kết nối Internet được sử dụng ở hội đồng thi phục vụ công tác thi nhưng đảm bảo không sử dụng sai mục đích.

Quy chế cũng quy định chặt chẽ hơn về các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật ở các khâu sao in đề thi, bảo quản đề thi, bộ phận làm phách, bảo quản bài thi và chấm thi.

Việc điều chỉnh một số quy định của Quy chế cũng cho thấy Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nề nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi; tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi... Đồng thời, nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc tuyển sinh sau này, các thông tin của thí sinh, bao gồm các thông tin về ưu tiên khu vực, đối tượng kèm theo minh chứng cũng được cập nhật từ khâu đăng ký dự thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30.6.2023. Trong đó, ngày 27.6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29.6 tổ thi chính thức và ngày 30.6 là ngày dự phòng.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc