Đề án sẽ đưa di sản áo dài đến với cộng đồng

VHO- Những ngày này, những người yêu áo dài truyền thống hết sức vui mừng khi nhận được tin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, bởi đây là cơ sở pháp lý để cố đô Huế triển khai đồng bộ và đẩy mạnh công cuộc phục hưng áo dài truyền thống.

Việc khôi phục lại vị thế và thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài” của Việt Nam là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống xã hội đương đại, để di sản ấy tỏa sáng như nó đã từng.

 Đây cũng là quá trình từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, thành một lợi thế đặc biệt của cố đô Huế. Và như vậy, áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa của Thừa Thiên Huế mà còn là một sản phẩm du lịch dịch vụ đặc trưng, là thứ góp phần quan trọng để Huế trở nên giàu có, sang trọng bằng chính sở trường, thế mạnh của mình.

Đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, rõ ràng và kế hoạch để triển khai. Thật khó nếu khẳng định mục tiêu nào là quan trọng nhất, bởi mục tiêu nào cũng quan trọng. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của đề án là đưa di sản thực sự về với cộng đồng, có vậy thì Huế mới thực sự là kinh đô áo dài Việt Nam.

Về danh hiệu đạt được để góp phần xây dựng thương hiệu thì mục tiêu hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là quan trọng xuyên suốt. Bởi nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế là di sản có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân Huế, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay. Vì vậy, di sản này xứng đáng được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều việc cần phải làm như trước mắt cần tiến hành kiểm kê, nhận diện giá trị di sản, đồng thời đề nghị Bộ VHTTDL xem xét đưa di sản “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau đó tiếp tục đề nghị Bộ VHTTDL xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Hồ sơ “Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nếu di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài Huế được UNESCO ghi danh sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục nhận diện, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng biện pháp bảo vệ di sản trong cộng đồng. Đồng thời cho thấy cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại.

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa được triển khai ở nhiều địa phương, trong đó có Cố đô Huế với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống. Với ý thức tôn trọng quá khứ, lòng tự hào về tổ tiên của nhân dân, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã mang lại kết quả tích cực. Vì vậy, việc thực hiện thành công Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa có ý nghĩa quyết định và mang tính khả thi. Vả lại, khi thực hiện đề án này, Sở VHTT luôn xác định phải hướng đến cộng đồng, để cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nguồn lực đầu tư cho đề án phần lớn cũng từ cộng đồng, vì vậy cùng với việc triển khai đề án Sở cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và tham mưu đề xuất những chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Áo dài thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt, đồng thời cũng gắn chặt với lĩnh vực thiết kế, thời trang, để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm áo dài Huế đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế. Có thể nêu một dẫn chứng cụ thể vào năm 2019, Huế đón gần 5 triệu lượt khách. Nếu phục vụ được 20% lượng khách đến Huế may áo dài với chi phí tầm 1 triệu đồng/khách, thì doanh thu từ áo dài có thể đạt khoảng 1.000 tỉ đồng, và doanh số này có thể tăng gấp đôi, gấp ba đến năm 2030 nếu đề án thành công với thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam.

Cùng với áo dài, có thể thúc đẩy phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, phụ kiện hỗ trợ. Đây chính là cách phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. 

TS PHAN THANH HẢI

 

Ý kiến bạn đọc