Nội dung xấu độc trên TikTok: Cần lắm những giải pháp mạnh tay, triệt để

VHO- Câu chuyện những video chứa đựng nội dung xấu độc trên TikTok một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động khi thời gian qua nền tảng này đang rộ lên trào lưu livestream đôi (hay còn gọi là PK livestream), với những thử thách phản cảm như nhảy khêu gợi, cởi đồ hay thậm chí là... bắt chước cách ăn của động vật.

 

Nội dung xấu độc trên TikTok: Cần lắm những giải pháp mạnh tay, triệt để - Anh 1

 Không ít cuộc livestream thách đấu với nội dung dung tục đang xuất hiện trên TikTok

 Với PK livestream, khi tham gia, hai TikToker sẽ thách đấu với nhau và chơi đủ trận để người xem gửi tặng nhiều vật phẩm giá trị thông qua TikTok (mua bằng tiền thật). Người chơi sẽ thi đấu trong 5 phút, xem ai là người nhận nhiều like và quà tặng hơn từ người xem trực tuyến. Ngoài ra, các TikToker tham gia sẽ có một bản “giao kèo”, ai thua sẽ phải làm theo thử thách đối phương.

Vấy bẩn môi trường văn hóa trên không gian mạng

PK livestream quyết định thắng, thua dựa trên tổng số lượng lượt yêu thích và quà tặng của người xem. Tuy nhiên, lượt yêu thích được quy đổi ra rất ít điểm nên muốn chiến thắng trong livestream, các TikToker phải dựa chủ yếu vào phần quà khán giả tặng. Do đó, họ sẽ “điên cuồng”, làm đủ trò để thu hút, khuyến khích người dùng tặng các vật phẩm hỗ trợ họ. Thi hát, múa, nhảy hay đơn giản là nói chuyện đã không còn được nhiều người làm nội dung áp dụng cho các cuộc thách đấu. Giờ đây, để tăng view, tăng cơ hội nhận quà, họ sẵn sàng “bán rẻ” danh dự bản thân, làm theo những thử thách gây sốc, phản cảm như cởi đồ, nhảy khêu gợi hay cố tình chửi nhau tay đôi trên livestream...

Dễ dàng kiếm tiền từ những cuộc thách đấu livestream ngày càng phổ biến trên TikTok. Những cuộc thách đấu ngắn, chỉ 5 phút, không mang lại hàm lượng thông tin hay điều bổ ích gì nhưng vẫn thu hút rất đông người xem mỗi ngày. Theo một nữ TikToker, dù bị nền tảng này giữ lại 70% doanh thu từ những buổi livestream nhưng họ vẫn có thể thu về hàng chục, thậm chí là trăm triệu đồng nhờ lượng người tặng quà cao. Chưa kể, dù có bị TikTok chặn tài khoản do có hành vi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, một người vẫn có thể tạo được hàng tá tài khoản TikTok khác rồi dùng các công cụ công nghệ có sẵn để lách luật. Việc nhẹ, lương cao nên không ít người làm nội dung bất chấp mọi “thủ đoạn”, chiêu trò, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, miễn sao thu được những khoản tiền hậu hĩnh.

Đừng dẫn lối cho hành vi lệch chuẩn văn hóa

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, livestream thách đấu phản cảm để hút khán giả đang vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đạo đức, dẫn lối cho những hành vi lệch chuẩn văn hóa, để cái xấu len lỏi vào cuộc sống và tạo nên môi trường độc hại trên mạng xã hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định: “Những hành động này dù là bộc phát hay có chủ đích đều đáng bị lên án. Hiện nay, việc xây dựng nội dung TikTok đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố mà động cơ kiếm tiền là một trong những nguyên nhân có sức tác động mạnh mẽ nhất, đôi khi “bóp méo” cả tư tưởng của người làm nội dung. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết về ảnh hưởng của mạng xã hội cũng như các quy định hiện hành cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trào lưu này từ một hành động mang tính nghịch ngợm, bồng bột của tuổi trẻ trở thành trào lưu để nhiều lứa tuổi theo đuổi”.

Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, đây là vấn đề không mới nhưng có biểu hiện ngày càng phức tạp và nhức nhối, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp chấn chỉnh cứng rắn hơn: “Chúng ta đang có một số lúng túng nhất định trong xử lý hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đây là điều không phải chỉ riêng Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng đang gặp phải. Việt Nam hiện đã có Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác; các nền tảng đều đưa ra tiêu chuẩn cộng đồng nhưng công tác triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Do đó để không xảy ra những hành vi vi phạm, phải dùng đến công cụ pháp luật can thiệp thì trước nhất vẫn là câu chuyện về giáo dục nhận thức. Các nội dung trên mạng xã hội ngày càng đa dạng hơn, có sức ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sự phát triển nhân cách con người, nhất là giới trẻ. Nếu gia đình, nhà trường và bản thân lớp trẻ ngày nay không có giải pháp để nâng cao “sức đề kháng” trong nhận thức, những buổi livestream có nội dung xấu sẽ như một thứ “virus” độc hại, ăn sâu vào lối suy nghĩ của các em, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, hành vi. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển giải pháp công nghệ để “dẹp loạn”. Nếu cần thiết, chúng ta phải xử nghiêm một vài vụ để làm “án điểm”, trả lại sự trong sạch cho môi trường văn hóa trên mạng xã hội”.

Một vấn đề khác khiến phụ huynh lo ngại là nhiều học sinh sẽ dễ bị ảnh hưởng, học theo hay bắt chước những nội dung nhảm nhí khi xem PK livestream. Theo cô Trần Diễm Quỳnh (giáo viên Trường Tiểu học An Dương, Hà Nội), việc cấm các em dùng mạng xã hội, nhất là TikTok là rất khó vì đây là những nền tảng có nhiều nội dung giải trí đánh trúng vào tâm lý hiếu kỳ của độ tuổi mới lớn. Thậm chí càng cấm, các con càng tìm đủ mọi cách tiếp cận khiến việc quản lý của cha mẹ sẽ khó khăn hơn. Thay vì cấm triệt để, phụ huynh cần có định hướng rõ ràng cho các con về những giá trị nên học hỏi cùng những hành vi, giới hạn được phép, không được phép trên không gian mạng... Đồng thời, cha mẹ cần khuyến khích học sinh tích cực tham gia công việc tình nguyện, các hoạt động ngoại khóa, thể thao... để các con có nhiều cơ hội phát triển trong các môi trường văn hóa lành mạnh hơn thay vì dành quá nhiều thời gian lên mạng xã hội. 

 Trong lần xuất hiện đầu tiên trước Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 3 vừa qua, CEO TikTok Chu Thụ Tư đã bị các nghị sĩ liên tục chất vấn về tác động của nền tảng này với vấn đề sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên. Các nghị sĩ Mỹ yêu cầu ông Chu làm rõ về những trường hợp người dùng trẻ tuổi cổ súy cho trò giả tự sát hoặc hành động nguy hiểm khác dẫn đến chết người.

“Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, các thuật toán của TikTok đề xuất video chứa nội dung làm trầm trọng thêm cảm giác đau khổ về tinh thần, bao gồm các video quảng cáo tự tử, tự làm hại bản thân, rối loạn ăn uống”, nghị sĩ Đảng Dân chủ Frank Pallone bày tỏ lo ngại. Vì vậy, nền tảng này phải lập tức có giải pháp ngăn chặn còn không sẽ buộc bị cấm cửa.

 Trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc trên mạng xã hội như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, video có nội dung cổ súy hành vi phạm tội…, Bộ TT&TT cho biết, sắp tới sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam và khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để hơn.

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc