Thừa Thiên Huế: Thông qua hồ sơ điều chỉnh 17 di tích đã được xếp hạng

VHO- Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cuộc họp thông qua các nội dung, phương án điều chỉnh hồ sơ di tích đối với 17 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

Những di tích được điều chỉnh hồ sơ là các di tích đã được xếp hạng nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô huế và hệ thống các di tích do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế quản lý. Trong số 17 di tích điều chỉnh hồ sơ di tích lần này, có 2 di tích do Bảo tàng Lịch sử tỉnh trực tiếp quản lý và 15 di tích phối hợp quản lý.

Thừa Thiên Huế: Thông qua hồ sơ điều chỉnh 17 di tích đã được xếp hạng - Anh 1

Di tích lịch sử đình An Cựu, phường An Cựu, TP. Huế được điều chỉnh hồ sơ di tích

Theo ông La Thiên Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, việc điều chỉnh hồ sơ các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng là cấp thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, là cơ sở khoa học để các cơ quan liên quan cùng chính quyền địa phương các cấp thực hiện việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong giai đoạn hiện nay.

Tại cuộc họp do ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh chủ trì, căn cứ theo các quy định của Luật Di sản văn hóa và các Nghị định, Thông tư liên quan, các thành viên của Hội đồng xét duyệt đã thảo luận, đánh giá nội dung và phương án điều chỉnh, diện tích khoanh vùng đối với các di tích. Đồng thời, cuộc họp cũng làm rõ một số vấn đề liên quan về phương án bảo tồn, phát huy giá trị các di tích về sau. Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích đã cơ bản thống nhất phương án điều khoanh vùng khu vực bảo vệ đối với 17 di tích được xếp hạng.

Thừa Thiên Huế: Thông qua hồ sơ điều chỉnh 17 di tích đã được xếp hạng - Anh 2

Điểm dừng chân tại di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, đây là di tích sẽ được điều chỉnh hồ sơ

Trong đó, có 11 di tích cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) tại nhà số 95C Phan Đăng Lưu- Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ năm 1938-1939, phường Đông Ba, TP.Huế; di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) Ngôi mộ chung hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân tại phường Thủy Xuân, TP.Huế; di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) Lăng mộ Trần Thúc Nhẫn tại phường Thủy Xuân, TP.Huế; di tích kiến trúc nghệ thuật đình- miếu Thế Lại Thượng, phường Gia Hội, TP.Huế; di tích kiến trúc nghệ thuật đình Dạ Lê, phường Thủy Vân, TP.Huế; di tích kiến trúc nghệ thuật đình Quy Lai, xã Phú Thanh, TP.Huế; di tích lịch sử đình Hòa Phong, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy; di tích lịch sử đình Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy; di tích lịch sử Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà; di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp đôi Liễu Cốc, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; di tích kiến trúc nghệ thuật đình Văn Xá, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà.

Cùng 6 di tích cấp tỉnh, gồm: di tích lịch sử đình An Cựu, phường An Cựu, TP.Huế; di tích lịch sừ đình Làng Sình, xã Phú Mậu, TP.Huế; di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) Miếu thờ Đặng Tất, xã Phú Mậu, TP.Huế; di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chiết Bi, phường Phú Thượng, TP.Huế; di tích lịch sử đình Dạ Lê Thượng, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy; và di tích lịch sử Địa điểm Công binh xuowngr Phú Lâm, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà.

Tin, ảnh: S.THÙY

Ý kiến bạn đọc