Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Tăng cường phổ biến văn học Pháp ngữ tại Việt Nam

Thứ Ba 25/04/2023 | 14:36 GMT+7

VHO- Sáng 25.4 tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan đại diện Tổ chức Quốc tế pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Toạ đàm Văn học Pháp ngữ. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hoá đọc Việt Nam 2023 và Ngày quốc tế Pháp ngữ.

Tọa đàm nhằm mục tiêu quảng bá nền văn học Pháp ngữ hiện vẫn còn ít được biết đến tại Việt Nam, đồng thời góp phần phát huy giá trị và quảng bá cho Không gian sách tiếng Pháp (kết quả hợp tác giữa Thư viện Quốc gia và OIF giai đoạn 2019 – 2022). Nội dung tọa đàm giới thiệu lịch sử văn học Pháp ngữ tại Bỉ, Canada, châu Phi và Việt Nam, giới thiệu về Giải thưởng 5 châu lục của Cộng đồng Pháp ngữ.

Quyền Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng phát biểu tại toạ đàm

Phát biểu tại toạ đàm, Quyền Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng cho biết Thư viện Quốc gia Việt Nam và OIF là đối tác thân thiết thông qua các dự án và các hoạt động phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo những năm qua. Trong đó, phải kể đến Dự án không gian sách tiếng Pháp do OIF tài trợ cho Thư viện Quốc gia Việt Nam và thư viện 8 tỉnh/thành phố của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2022. Gần 6.000 cuốn sách tiếng Pháp thuộc nhiều lĩnh vực đã được trao tặng cho 9 thư viện thụ hưởng. Ngoài ra, hai bên đã phối hợp thực hiện thành công chuỗi hoạt động khai trương, quảng bá Không gian Sách tiếng Pháp tại Hà Nội và 8 tỉnh/thành phố khác nơi có thư viện thụ hưởng.

Ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương OIF phát biểu

Ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương OIF thông tin thêm riêng trong năm 2022, OIF và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã cùng nhau khánh thành 9 không gian sách Pháp ngữ tại Hà Nội và 8 thư viện tỉnh thành khác tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện cho công chúng nói tiếng Pháp và những người học tiếng Pháp tiếp cận với văn hoá, thông qua các tác phẩm chất lượng cao của không gian Pháp ngữ.

Đối với văn học, ông Edgar Doerig chia sẻ văn học đưa chúng ta đến những thế giới xa xôi, giúp phát triển trí tưởng tượng và tư duy phản biện. Văn học cũng cho phép chúng ta biết thêm về những câu chuyện hấp dẫn, nhân vật với tính cách phức tạp nhưng đáng yêu. Từ Aimé Césaire đến Jean Paul Sartrer, qua Marguerite Duras, Albert Camus hay Colette, nước Pháp đã để lại dấu ấn trên văn đàn thế giới bằng những tác phẩm được công nhận rộng rãi. Toạ đàm lần này sẽ là dịp để để công chúng làm quen với sự đa dạng của các nền văn học và các biểu đạt bằng tiếng Pháp vốn thường bị nhầm lẫn với văn học Pháp tại Việt Nam.

Các diễn giả tại toạ đàm

Thông tin về Giải thưởng 5 châu lục, TS. Trần Văn Công, Trưởng Khoa tiếng Pháp (Trường Đại học Hà Nội), Chủ tịch BGK Giải thưởng 5 châu lục khu vực Việt Nam cho hay Giải thưởng 5 châu lục Pháp ngữ là một dự án của OIF. Kể từ khi ra đời vào năm 2001 đến nay, giải đã cho phép vinh danh những tài năng văn học phản ánh sự đa dạng văn hóa thông qua những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp ở 5 châu lục, và quảng bá tên tuổi các nhà văn trên trường quốc tế. Dành cho các tác phẩm hư cấu tường thuật (tiểu thuyết, truyện kể và tập truyện ngắn) được xuất bản hàng năm, Giải thưởng 5 châu lục Pháp ngữ chào đón tất cả tác giả viết bằng tiếng Pháp bất kể có kinh nghiệm trong lĩnh vực văn học hay không. Đến năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, giải thưởng có thêm 2 BGK khu vực mới là Li Băng và Việt Nam và một nền tảng năng động dành riêng cho các chuyên gia trong lĩnh vực sách tiếng Pháp. Người thắng giải sẽ nhận được phần thưởng trị giá 15.000 Euro và được OIF tài trợ đi nhiều nước trên thế giới để quảng bá tác phẩm.

Ông Edgar Doerig tham quan triển lãm trong khuôn khổ toạ đàm

Văn học Pháp ngữ đang được tăng cường phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Dương

Giới thiệu thêm về văn học Pháp ngữ, TS. Trần Lê Bảo Chân, Phó Trưởng Khoa tiếng Pháp (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), thành viên BGK Giải thưởng 5 châu lục cho rằng Pháp là đất nước có nền văn học đồ sộ, cái nôi của rất nhiều tác giả nổi tiếng trên thế giới như Molière, La Fontaine, Voltaire, Victor Hugo, Balzac, Zola… với các thể loại văn học lãng mạn, hiện thực… Nền văn học Pháp qua nhiều thời kỳ phát triển đã được cả thế giới biết đến và công nhận; không chỉ dừng lại ở các tác phẩm tiểu thuyết mà còn các tác phẩm ở các thể loại khác như kịch, thơ ca, ngụ ngôn, hồi kí. Bên cạnh đó, văn học Pháp ngữ còn là nền văn học của các nước nói tiếng Pháp khác như Bỉ, Canada, Tunisie, Việt Nam…

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top