Lạng Sơn có thể phát triển du lịch quanh năm

VHO - Đóng góp ý kiến tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023 được tổ chức tại Lạng Sơn chiều 24.3, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho rằng, với ưu thế về vị trí địa lý, cùng hàng trăm di tích, điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, Lạng Sơn cần phát huy thế mạnh trong việc phát triển các loại hình du lịch tâm linh, văn hóa hay du lịch khám phá thiên nhiên, hang động và các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Dù không có biển nhưng Lạng Sơn vẫn có thể phát triển du lịch quanh năm.

Lạng Sơn có thể phát triển du lịch quanh năm - Anh 1

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023

Phát huy thế mạnh về du lịch văn hóa, tâm linh

Chiều 24.4, tại Lạng Sơn, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội (HBA) và UBND  tỉnh Lạng Sơn đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, ngành và tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, Lạng Sơn là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng và tiềm năng rất lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là du lịch quốc tế giữa 2 quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc.

Khái quát về tiềm năng và những định hướng phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thế mạnh về du lịch của tỉnh, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết, công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều sự cải thiện tích cực. Năm 2022, Lạng Sơn nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm PCI đứng đầu Việt Nam, xếp thứ 15/63 tỉnh thành phố, đứng thứ 2 về tỉnh có chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng đầu năm 2022.

Lạng Sơn có thể phát triển du lịch quanh năm - Anh 2

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thủy phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như Vin Group, Sun Group, Sovico, APEC, VSHIP,…Đây là những doanh nghiệp tiềm lực và kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án, đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết, năm 2023, ngành Du lịch xác định sẽ phấn đấu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỉ đồng. Trong quý I năm 2023, cả nước đã đón được gần 2,7 triệu lượt, đạt 30% kế hoạch cả năm; khách du lịch nội địa đạt 27,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 133 nghìn tỉ đồng. Dự báo, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại du lịch, Chính phủ đang nỗ lực đề xuất cải thiện các quy định về thị thực và điều kiện nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới.

Đánh giá về tiềm năng du lịch của tỉnh Lạng Sơn, ông Phạm Văn Thủy cho rằng đây là địa phương có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong việc phát triển du lịch bởi vị trí địa lý tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và nhiều tỉnh lân cận. Thêm vào đó, đây cũng là địa phương có rất nhiều di tích và các địa điểm du lịch mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, là thế mạnh trong việc phát triển du lịch của tỉnh.

Lạng Sơn có thể phát triển du lịch quanh năm - Anh 3

Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023 được Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội (HBA) và UBND tỉnh Lạng Sơn đồng tổ chức

“Hiện nay, Lạng Sơn có 586 di tích, trong đó có 139 di tích đã được xếp hạng và có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 30 di tích cấp quốc gia và 107 di tích cấp tỉnh, 51 điểm du lịch. Trong đó, Đền Mẫu Sơn là khu di tích và du lịch đặc biệt, hằng năm thu hút lượng khách rất lớn đến với tỉnh. Một thực tế là, hầu hết người dân đi du lịch thường nghĩ đến những vùng có biển, thế nhưng đối với vùng biển thì cũng có những cái bất lợi đó là theo mùa. Và đã là theo mùa thì đương nhiên là sẽ bị xung đột tại những thời điểm nhất định. Lạng Sơn thì không có biển nhưng phát triển các loại hình du lịch khác như tâm linh, văn hóa hay du lịch về khám phá thiên nhiên, hang động, các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng thì làm được quanh năm”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nêu ý kiến.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách du lịch

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch hơn nữa trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn cần phải liên kết phát triển nhiều điểm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa, du lịch, du lịch nông thôn thông qua các mạng lưới cung cấp dịch vụ và kích cầu thu hút khách du lịch từ các địa phương trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam, khách du lịch quốc tế và các nước ASEAN.

 “Lạng Sơn nằm trong khuôn khổ liên kết các tỉnh biên giới, đặc biệt tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc nên cần quan tâm hơn nữa đến lượng khách du lịch đến từ quốc gia này. Đồng thời cũng phải nhắm đến khách quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác dựa trên dự báo về nhu cầu du lịch. Các doanh nghiệp cần kết nối giữa Lạng Sơn với các địa phương qua các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, liên kết giữa các hãng lữ hành, vận chuyển đi và đến với Lạng Sơn. Thường xuyên có sự gặp gỡ, kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, các hiệp hội nhằm chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, các hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch đến với tỉnh. Đồng thời, xây dựng đồng bộ những địa điểm vui chơi giải trí, văn hóa tâm linh, những món ăn độc đáo, đặc sắc, mang tính đặc trưng của vùng Đông bắc nhưng vẫn phải “rất Lạng Sơn”, hấp dẫn khách du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ ngơi, lưu trú của du khách khi đến với tỉnh và có những sản phẩm độc đáo để du khách mua sắm khi về”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Phạm Văn Thủy phân tích.

Lạng Sơn có thể phát triển du lịch quanh năm - Anh 4

Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và nhà quản lý, các doanh nghiệp

Đồng quan điểm trong việc đánh giá tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho rằng, tỉnh cần làm tốt hơn nữa khâu quảng bá, tiếp thị các sản phẩm du lịch của địa phương đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hơn nữa hạ tầng về giao thông, hệ thống nhà hàng, khách sạn và các điểm lưu trú; nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên có kỹ năng sử dụng tiếng anh hoặc các ngôn ngữ khác để hướng dẫn và phục vụ du khách trong suốt hành trình trải nghiệm du lịch tại địa phương.

“Trong lĩnh vực du lịch, Lạng Sơn có nhiều điểm đến hấp dẫn như hang động, núi non, thác nước và di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, Lạng Sơn có một vị trí địa lý độc đáo, nằm giữa Hà Nội và vùng biên giới phía Bắc, là cửa ngõ kết nối với vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam. Do đó, tỉnh Lạng Sơn rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch thể thao. Việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch và hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ sẽ là điều kiện tiên quyết để du lịch Lạng Sơn phát triển”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

BẢO LONG

Ý kiến bạn đọc