Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

SEA Games không phải “ao làng”

Thứ Sáu 28/04/2023 | 09:45 GMT+7

VHO-  Đại hội Thể thao lớn nhất khu vực - SEA Games nhiều khi vẫn bị mang tiếng là “ao làng”, bởi công tác tổ chức và chất lượng chưa cao. Thế nhưng sự thực, đây lại là đấu trường khốc liệt bởi các nước đều có sự đầu tư lớn và còn bởi có sự xuất hiện của nhiều nhà vô địch Olympic, vô địch thế giới.

 Nhờ thi đấu xuất sắc tại SEA Games mà kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã đạt chuẩn dự Olympic và giải vô địch thế giới Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Vô địch Olympic, vô địch thế giới vẫn… thất bại ở SEA Games

Với những người đã đồng hành cùng thể thao Việt Nam, những giọt nước mắt cay đắng cùng cú ngã vật ra sàn thi đấu sau 3 lần cử không thành công mức tạ 152 kg, nội dung cử giật tại SEA Games 2009 của Hoàng Anh Tuấn cho tới giờ vẫn còn đau nhói. Đau là bởi khi ấy Tuấn đang là đương kim á quân Olympic 2008, là ứng cử viên nặng ký nhất ở hạng cân 56 kg nam. Chẳng mấy ai có thể nghĩ rằng Tuấn thất bại thảm hại tới mức ấy. Với tôi, phóng viên thể thao của Báo Văn Hóa, khi ấy đã đồng hành cùng Đoàn Thể thao Việt Nam, đồng hành cùng nhà á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn, những giọt nước mắt của Tuấn lại càng cảm thấy xót xa. Xót xa là bởi tôi được chứng kiến quá trình tập luyện, ép cân đầy cực khổ trước ngày thi đấu của Tuấn. Khi ấy dù đói, Tuấn cũng không được ăn và hạn chế uống nước. Có lúc đói quá, Tuấn cùng tôi bước vào nhà ăn nhưng Tuấn chỉ đi vòng qua các dãy đồ ăn, rồi lại bước ra. Trước khi thi đấu, Tuấn rất tự tin và quyết tâm giành HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng cuối cùng anh không những mất HCV mà còn không hoàn thành phần thi cử giật. Khi ấy Tuấn không thể tin vào thất bại của mình, cũng như người hâm mộ quá sốc trước thất bại tại đấu trường khu vực của VĐV vừa bước lên bục danh dự ở đấu trường danh giá nhất là Olympic.

Một trường hợp nữa cũng thật xót xa là xạ thủ lẫy lừng Hoàng Xuân Vinh. Năm 2016, anh đi vào lịch sử của Thể thao Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên đoạt HCV Olympic. Thành tích của anh càng thêm ấn tượng với 1 chiếc HCB. Nhưng điều khó tin đã xảy ra tại SEA Games một năm sau đó, anh chỉ giành vẻn vẹn 1 HCB ở nội dung đã làm nên chiếc HCV Olympic lịch sử. Trả lời phỏng vấn khi ấy, Hoàng Xuân Vinh cho biết, anh gặp vấn đề về tâm lý khi tranh tài tại đấu trường khu vực mà trong bắn súng, tâm lý thi đấu ổn định quyết định lớn đến sự thành công của các loạt bắn.

Đội tuyển Thể hình Việt Nam từng sở hữu 3 nhà vô địch thế giới nhưng cuối cùng chỉ giành được vẻn vẹn 1 HCV tại SEA Games 27. Gần đây nhất, tại SEA Games 31, tay bơi từng đi vào lịch sử của làng Bơi Đông Nam Á khi đoạt HCV Olympic - Schooling (Singapore) từng thất bại ở 2 nội dung 50m bướm và 100m tự do ở SEA Games 30. Gần đây nhất anh gây thất vọng lớn ở hai nội dung 4x100m và 4x200m. Những ví dụ trên cho thấy SEA Games là đấu trường khốc liệt, không phải là “ao làng”.

Tiền đề để tiến vào đấu trường châu lục và thế giới

Về mặt chuyên môn, có thể nói SEA Games là đấu trường mà các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines khá mạnh về các môn Olympic, Asian Games. Họ từng có huy chương Olympic ở các môn: Boxing, Cử tạ, Cầu lông, Bơi, Taekwondo… Thế nên những VĐV kỳ cựu như tay vợt Nguyễn Tiến Minh, dù được xem là biểu tượng của Cầu lông Việt Nam từng 4 lần giành vé đến Olympic nhưng cho tới giờ vẫn không thể có nổi chiếc HCV SEA Games. Gần đây nhất Tiến Minh từng thất bại ở bán kết SEA Games 31 trước nhà vô địch thế giới Loh Kean Yew người Singapore.

Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới, có tới 5 tay vợt đến từ Đông Nam Á nằm trong top 8, trong đó có Loh Kean Yew đứng thứ 7 thế giới. Ở nội dung đôi nam, 3 đôi đứng đầu thế giới đều là các VĐV của Đông Nam Á đến từ Indonesia và Malaysia. Ở nội dung đơn nữ, đối thủ của tay vợt nữ số 1 Việt Nam hiện nay - Nguyễn Thùy Linh cũng không “dám” đặt mục tiêu HCV bởi đối thủ của cô đẳng cấp thế giới đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trên bảng xếp hạng thế giới hiện VĐV từng là tay vợt nữ số 1 thế giới Intanon Ratchanok của Thái Lan đang xếp thứ 8 và tay vợt xếp số 10 thế giới cũng đến từ Thái Lan là Chochuwong Pornpawee.

Ở môn Thể dục dụng cụ, Giải vô địch Thể dục dụng cụ thế giới năm 2009 xuất hiện một hiện tượng đầy thú vị đến từ Đông Nam Á là VĐV Carlos Yulo (Philippines). Đây là VĐV đã làm nên kỳ tích khi mới 19 tuổi nhưng đã trở thành VĐV nam đầu tiên của khu vực Đông Nam Á vô địch thế giới ở nội dung tự do. Tại SEA Games 30 tổ chức trên sân nhà, Carlos Yulo đã giành HCV toàn năng. Tại SEA Games 31, Carlos Yulo giành tới 5 HCV và 2 HCB. Anh sẽ là đối thủ đáng gườm nhất cho bất cứ VĐV nào muốn bước lên ngôi vô địch ở môn Thể dục dụng cụ nam.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam Phan Thùy Linh, dù là đấu trường khu vực nhưng sự cạnh tranh tại SEA Games 32 lại không hề nhỏ bởi các nước đều có sự đầu tư mạnh. Ngoài môn Thể dục dụng cụ với nhà vô địch Carlos Yulo đã được Philippines đầu tư dài hạn cho tập huấn tại Nhật Bản, môn Aerobic, các nước cũng đầu tư lớn như Campuchia thuê chuyên gia người Brazil, Thái Lan thuê chuyên gia Bồ Đào Nha, Philippines có sự giúp sức của chuyên gia Hungary. “Chúng ta cũng đã có chuyên gia Bulgary Ssiyana Shtilyanava Bozhillova làm công tác huấn luyện trong khoảng 10 năm nay. Đây là chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiệt huyết và có trình độ, gắn bó cùng những thành công của đội tuyển Aerobic Việt Nam thời gian qua. Nhưng đây sẽ là kỳ SEA Games không dễ dàng với Aerobic Việt Nam”, bà Phan Thùy Linh cho biết.

Đặc biệt ở khá nhiều môn, thành tích tại đấu trường SEA Games cũng được tính cho Vòng loại Olympic hay giải vô địch thế giới như với trường hợp của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Anh từng đoạt vé dự Olympic 2020 ở cự ly 1.500m tự do với thành tích 14 phút 58,14 giây. Đây cũng là kỷ lục SEA Games do anh thiết lập tại SEA Games 30 tổ chức ở Philippines. Thành tích tại SEA Games 31 cũng đã giúp Hoàng đoạt chuẩn dự Giải Bơi vô địch thế giới 2022 tại Hungary. Trường hợp của chân chạy Nguyễn Thị Huyền cũng vậy. Thành tích xuất sắc của cô tại SEA Games 28 đã giúp Huyền đạt 2 chuẩn B Olympic ở các nội dung 400m và 400m rào nữ.

Thế nên có thể khẳng định, SEA Games là đấu trường cạnh tranh đầy khốc liệt và là tiền đề để thể thao khu vực nói chung và thể thao Việt Nam nói riêng bước ra châu lục và thế giới. Chính vì vậy, Đại hội thể thao lớn nhất khu vực vẫn luôn có sức hút và nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông trong khu vực cũng như nhân dân các nước ASEAN. 

THU SÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top