Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chiến thắng 30.4 còn có giá trị nhân văn

Thứ Sáu 28/04/2023 | 09:56 GMT+7

VHO-  Sức mạnh của ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam là những nhân tố quyết định, làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Ảnh: ITN

 Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, mốc son đánh dấu thắng lợi oanh liệt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh của niềm khát khao hòa bình, độc lập, tự do và cả tính nhân văn sâu sắc.

Khẳng định giá trị của dân tộc, đất nước

Ngày 30.4.1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn, miền Nam nước ta được giải phóng, đất nước được thống nhất, mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Bắc-Nam sum họp một nhà, nhưng những thanh âm hào hùng của Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn không ngừng vang vọng trong lịch sử dân tộc. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Vào dịp kỷ niệm Chiến thắng 30.4, tôi cũng như bất cứ ai, đều có cảm nhận riêng của mình, và cứ mỗi năm lại có một cảm xúc khác nhau. Đến ngày vinh quang đó, có những người mẹ, người vợ lại đứng trước bàn thờ thắp nén hương cho người đã hy sinh. Gia đình tôi cũng thế. Tôi nhớ ngày 30.4.1975, khi ấy tôi còn học phổ thông. Tất cả mọi người ùa ra đường và hò reo “Thống nhất rồi, hòa bình rồi”. Đó là niềm vui tự phát của người dân và những đứa trẻ như chúng tôi cũng hò reo đến phát cuồng. Vô cùng vui mừng vì đất nước thống nhất và có được hòa bình. Nói như vậy để thấy được giá trị cao nhất của một đất nước, một dân tộc là thống nhất, độc lập dân tộc và hòa bình”.

Vì giá trị cao nhất ấy của đất nước - mong muốn hòa bình, thống nhất, các thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương, lớp lớp thanh niên không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra trận. Rõ ràng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà dấu ấn quan trọng nhất là chiến thắng 30.4.1975 đã thể hiện dân tộc Việt Nam đầy chính nghĩa, đầy quả cảm, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do. Và chính sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân đã làm nên chiến thắng rực rỡ, khẳng định bản lĩnh, giá trị của dân tộc, của đất nước.

Cảm nhận sâu sắc tính nhân văn

Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam có vô vàn cuộc chiến lớn, trong đó rất nhiều cuộc chiến mà nhân dân ta đã kết thúc bằng chiến dịch quân sự với những trận quyết chiến chiến lược vô cùng oanh liệt. Chiến dịch Hồ Chí Minh trong Đại thắng mùa Xuân 1975 cũng như vậy, nhưng đặc biệt là đã làm được điều hiếm có trong lịch sử chiến tranh là giải phóng Thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, hạn chế đổ máu, tổn thất, đồng thời hoàn thành mục tiêu kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm giành độc lập, tự do của nhân dân ta.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể: “Tôi là học trò của ông Ba Quốc - Thiếu tướng Đặng Trần Đức, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhân vật xuất chúng của ngành Tình báo, một người hoạt động trong lòng địch. Ông Ba Quốc từng nói rằng, trong các bức điện của cơ quan Tình báo gửi ông Ba, ngay từ năm 1968 - chiến dịch Mậu Thân - để chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, tổ chức đã luôn có yêu cầu đánh thế nào để không hủy diệt Sài Gòn mà giải phóng Sài Gòn, nhưng thành phố cơ bản vẫn còn nguyên vẹn, người dân không bị thiệt mạng…”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã nhận thức rõ thời cơ và quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến

 chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch và chiến thuật, quyết tâm thực hiện chia cắt chiến lược, triệt để bao vây cô lập địch ở Sài Gòn, ngăn chặn và tiêu diệt chủ lực địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm về thành phố. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, năm cánh với hàng triệu quân tiến về Sài Gòn mạnh như vũ bão, đó là lần đầu tiên và duy nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, lực lượng của ta mạnh hơn, nhiều hơn của đối phương, kể cả về quân số, trang thiết bị, hậu cần, vũ khí, đạn dược. Có nghĩa là có thể “san phẳng, đè bẹp” Sài Gòn, nhưng chúng ta đã không lựa chọn phương án ấy.

“Quân đội Sài Gòn khi đó không hề yếu ớt, chống cự rất ác liệt. Chúng ta hy sinh rất nhiều chứ không phải tự nhiên kéo được xe tăng vào Sài Gòn. Nhưng chúng ta đã chọn cách đánh để sao có thể giữ nguyên được Sài Gòn và bảo vệ tính mạng của người dân. Đó là điều chúng ta phải thấy được tính nhân văn trong cách tiến hành giải phóng Sài Gòn của chúng ta ngày 30.4.1975”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.

Ông cũng cho biết: Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vì 2 yếu tố, thứ nhất là biết sức mạnh của quân Giải phóng không thể ngăn cản và có thể hủy diệt toàn bộ quân đội Sài Gòn. Thứ hai, Dương Văn Minh là người đã được tình báo của quân đội ta kết nối từ trước, đề nghị mở một con đường để ông ấy thay mặt Chính phủ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt để giảm thiệt hại xương máu cho cả hai bên...

Vì thế, khi quân đội ta tiến vào, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng, chợ Bến Thành và rất nhiều công trình lịch sử khác vẫn nguyên vẹn sau cuộc chiến; người dân Sài Gòn ùa ra đường vẫy cờ hoa đón chào, vì thực sự cảm nhận được hòa bình. Đó chính là điều vĩ đại của Chiến dịch.

Theo dòng chảy lịch sử, thế hệ ngày nay càng cảm nhận sâu sắc tính nhân văn của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Qua đó thể hiện đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng, với định hướng tư tưởng sâu sắc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quy tụ và phát huy tối ưu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước. Ở đó cũng phản ánh rõ nét đặc trưng bản chất của văn hóa chính trị và văn hóa quân sự Việt Nam, bồi đắp nền tảng văn hóa tinh thần bảo đảm cho dân tộc ta trường tồn và phát triển bền vững. 

 Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục II), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa ra mắt tác phẩm Người thầy do NXB Quân đội nhân dân phát hành. Đó là những trang viết, những bài học về nghề, về người, về đời của ông Ba Quốc - Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức, một nhà tình báo xuất sắc của chúng ta, một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, quyết liệt và là một người thầy có cá tính đặc biệt, nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.

THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top