Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Giữ gìn làng thổ cẩm​​​​​​​ bên dòng Đạ Dâng (Kỳ 1): “Của hiếm” của người Cil

Thứ Bảy 29/04/2023 | 09:07 GMT+7

VHO- LTS: Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Đam Pao được tỉnh Lâm Đồng công nhận từ năm 2011. Đây là làng nghề dệt thổ cẩm hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để có thể hội nhập và phát triển, trở thành điểm dừng chân tham quan, mua sắm cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên cho đến nay làng nghề truyền thống này vẫn đang trong cảnh “thoi thóp” vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong khi hơn 400 hộ dân hầu như không một ai trong làng nghề thực sự sống dựa vào nghề, chỉ xem đây là công việc lúc nông nhàn.

Làm gì để bảo tồn, vực dậy làng nghề này là những trăn trở không chỉ của các nghệ nhân, già làng mà cả chính quyền và những người làm văn hóa.

Nghệ nhân Long Dinh K’Nier, người nắm giữ nhiều bí quyết trong nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Ho Cil

 Là khu vực định cư đông đúc và lâu đời của người dân tộc thiểu số Cơ Ho Cil, thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà, Lâm Đồng), nơi có dòng sông Đạ Dâng chảy qua từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nơi đây vẫn còn một số cụ già nắm giữ những bí quyết của nghề, đơn cử như già Long Dinh K’Nier.

Thổ cẩm của người Cơ Ho Cil nói riêng và các dân tộc định cư lâu đời tại Tây Nguyên nói chung là trang phục truyền thống được sử dụng phổ biến để làm khố mặc cho người đàn ông, váy cho đàn bà. Ngoài ra những tấm thổ cẩm với hoa văn sặc sỡ còn được người dân tộc thiểu số sử dụng làm vật trang trí trong nhà.

Biết dệt khi còn chưa đi bắt chồng

Trong những sự kiện, lễ hội quan trọng của buôn làng hay gia đình, nam nữ trong buôn làng sẽ diện những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất để tham dự. Không những thế, trong mâm sính lễ của người Cil khi con gái đi bắt chồng về, phía nhà trai lúc nào cũng yêu cầu nhà gái phải cung cấp một số thổ cẩm nhất định.

Trong thời buổi hội nhập cũng như quá trình di dân đã tạo nên sự đan xen văn hóa giữa các dân tộc. Điều đó khiến cho nhiều nghề truyền thống của người dân tộc nơi đây bị mai một, không nhiều người còn biết làm nghề truyền thống của dân tộc mình nữa. Và già Long Dinh K’Nier (95 tuổi) được xem là “của hiếm” còn lại trong buôn làng khi cụ hiện đang nắm giữ rất nhiều bí quyết để làm nên một tấm thổ cẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi tìm đến nhà già Long Dinh K’Nier, người nắm giữ rất nhiều bí quyết của nghề dệt thổ cẩm tại đây. Quá trình tiếp xúc với phóng viên, có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay sức khỏe cụ đã yếu đi rất nhiều, mắt đã mờ dần và tai cũng nghe kém đi. Và trong những lúc trò chuyện cụ còn phải cần đến con cháu trong nhà thông dịch giúp cho. Tuy nhiên, mỗi lần đề cập đến những câu chuyện liên quan đến dệt thổ cẩm, ánh mắt cụ lại như rực sáng và tinh thần cũng như minh mẫn hẳn ra.

 Để tạo ra được một tấm thổ cẩm có màu tốt và không bị phai, người tạo màu nhuộm phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất thời gian

Cũng như các cô gái người Cil khác, K’Nier được bà, mẹ mình truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm ngay từ khi còn là một cô gái chưa phải đi bắt chồng. Từ đó, hình ảnh chiếc khung cửi luôn gắn liền với bà như hình với bóng, đi theo bà đến cái tuổi ngót nghét gần 100 này.

Già K’Nier cho biết, “cũng như nhiều cô gái người Cil trước đây, đều biết đi lấy bông về se chỉ, quay sợi, dệt vải khi còn là một đứa trẻ. Đến khi đi bắt chồng về sinh con đẻ cái là đã có thể tự tay làm được những tấm thổ cẩm để làm cái khố, cái váy cho cho cả nhà. Tuy nhiên bây giờ thì tụi nhỏ chúng nó không còn mặc váy nữa nên không còn làm cái nghề của dân tộc mình nữa”. Khi tiếp xúc với cụ, chúng tội nhận ra, hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, 10 đầu ngón tay cụ đã đen kịt lại bởi dính những chất liệu trong quá trình pha tạo, nhuộm màu chỉ để dệt nên những cho những tấm thổ cẩm truyền thống. Mặc dù sức khỏe đã không còn như trước, nhưng hiện nay cụ vẫn tự tay làm lấy tất cả các công đoạn để dệt thành một tấm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Phương pháp tạo màu bí truyền

Để dệt được một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh phải mất rất nhiều công đoạn và thời gian mới có thể hoàn thiện được sản phẩm. Từ lấy bông, kéo sợi, nhuộm màu, dệt, tạo hoa văn, họa tiết cho sản phẩm… Trong các công đoạn kể trên công đoạn tạo và nhuộm màu là cả một quá trình cực kỳ công phu và tốn thời gian mà không phải ai cũng làm được.

Theo bà Long Dinh K’Thin (71 tuổi), là con gái đầu của cụ K’Nier, để dệt được một tấm thổ cẩm truyển thống của dân tộc mình, nhiều người phụ nữ trong buôn làng biết làm, nhưng để tạo chất liệu màu nhuộm cho vải thì có rất ít người có thể làm được. Hiện nay trong buôn chỉ có cụ K’Nier và một vài người nữa là làm được. Nói về cách tạo màu của mình, già K’Nier chia sẻ, đầu tiên sẽ phải tạo ra nước trắng bằng cách lấy các phần của cây chuối gồm củ, cuống buồng và vỏ quả chuối thái nhỏ ra rồi đem đi phơi cho khô và đốt cháy thành than. Vỏ ốc sau khi lấy sạch ruột sẽ được giã nhuyễn rồi trộn đều vào số than đã được đốt trước đó. Tiếp đến, lấy nước suối đầu nguồn đem về lọc qua những hỗn hợp than và vỏ ốc trên sẽ cho ra một thứ nước màu trắng đục, nước này sau đó sẽ được dùng để pha tạo màu về sau.

 Tấm thổ cẩm đã được hoàn thiện của nghệ nhân Long Dinh K’Nier

Đối với người Cil, màu xanh là màu của trời đất, núi rừng, cây cối nên trên trang phục của họ thường sử dụng màu xanh là màu chủ đạo. Cụ K’Nier cho biết, để tạo ra màu xanh cần phải có lá T’Răm (một loại cây thân gỗ mọc rất nhiều tại đây, sau này được đưa về trồng xung quanh nhà để dễ dàng hái sử dụng), là nguyên liệu chính. Khi đó, lá T’Răm phải được hái vào lúc sáng sớm khi những giọt sương vẫn còn đọng trên lá. Sau đó đợi trong khoảng một ngày cho những chiếc lá ấy hoàn toàn khô sương sẽ được vò hoặc giã nát ra rồi đem ngâm trong nước. Sau 2 ngày sẽ tiến hành gạn bỏ phần nước bên trên để lấy phần lắng dưới đáy và tiếp tục đem trộn với các loại hạt bầu, ớt và muối trong một cái gùi nhỏ để khoảng 3 ngày cho các hỗn hợp đóng thành cục.

Bước cuối cùng của công đoạn pha màu là sẽ lấy thứ đã đóng thành cục kia đem ngâm vào trong nước trắng được thu giữ trước đó trong vòng 3 ngày nữa sẽ cho ra loại thuốc nhuộm màu xanh. Theo cụ K’Nier, đây là phương pháp bí truyền được các thế hệ trước trong gia đình truyền lại cho mình mà người ngoài không thể nào biết được. Với cách tạo màu nhuộm như thế này sẽ giúp cho vải sau khi nhuộm sẽ không bị phai nhạt màu khi giặt.

Bên cạnh những phương pháp và cách thức tạo màu kể trên thì có một chi tiết khá thú vị và độc đáo mà chúng tôi được cụ cho biết thêm, người phụ nữ trong suốt thời gian thực hiện các công đoạn tạo nhuộm màu kể trên sẽ kiêng kỵ nhiều ngày không được gần chồng hay bất kỳ một nười đàn ông nào khác; không được ăn thịt trâu, bò; không được tắm, giặt, đụng đến xà bông và tuyệt đối không cho ai vào khu vực điều chế màu của mình.

(Còn tiếp)

THÀNH KHIÊM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top