Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phát huy chức năng văn hóa - nghệ thuật trong thời kỳ mới

Thứ Ba 02/05/2023 | 10:26 GMT+7

VHO- Hoạt động văn học nghệ thuật đang gặp một số điểm nghẽn, hạn chế cả ở lĩnh vực sáng tạo lẫn ở lĩnh vực khai thác. Vậy trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ vận dụng, tiếp thu những gì mà Đề cương về văn hóa 1943 đã đặt ra cũng như cần phải điều chỉnh, bổ sung như thế nào… là những nội dung được thảo luận tại Tọa đàm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), vừa được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức.

 Tọa đàm tập trung nhiều ý kiến tâm huyết của đại biểu nhằm tìm giải pháp thúc đẩy văn học nghệ thuật phát triển trong tình hình mới

 Tọa đàm tiếp tục khẳng định giá trị lớn lao của văn kiện lịch sử Đề cương về văn hóa Việt Nam, cương lĩnh tổng thể đầu tiên của Đảng về văn hóa, đồng thời phân tích tầm quan trọng của văn học nghệ thuật, góp ý những giải pháp nhằm đưa văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội…

Đề cương 1943 đặt nền móng cho hoạt động lý luận và thực tiễn

PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng ban Lý luận phê bình Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa năm 1943 là cương lĩnh tổng thể đầu tiên của Đảng về văn hóa. Đề cương là ngọn cờ quy tụ các thế hệ văn nghệ sĩ cả nước, động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức hăng hái tham gia mặt trận văn hóa, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt, đặt nền móng xây dựng nền văn hóa mới của đất nước. Đề cương mang tư tưởng vượt trước, đặt nền móng cho hoạt động lý luận cũng như thực tiễn.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM cũng khẳng định, Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn của Đảng, là kim chỉ nam soi đường cho những giá trị trong sáng tác văn học - nghệ thuật.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều chia sẻ: “Dưới góc độ người làm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cá nhân tôi tâm đắc vấn đề quan điểm của Đảng “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cải tạo xã hội” và 3 nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa Việt Nam mà Đề cương về văn hóa 1943 đưa ra: Dân tộc hóa; Đại chúng hóa Khoa học hóa. Điều này đã được Bác đúc kết tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…

Từ Đề cương về văn hóa 1943 đã định hình những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc cơ bản về tư tưởng, văn hóa, không chỉ cho bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ mà vẫn tiếp tục có giá trị khi được bổ sung, phát triển cho từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng của đất nước do Đảng lãnh đạo. Minh chứng cho nhận định trên, chúng ta thấy: Khi tiến hành đổi mới (1986) đến năm 1994, lĩnh vực văn hóa tiếp tục được Đảng quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn.

“Nói chung lại, để kế thừa tư tưởng vẫn còn nguyên giá trị thời đại mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khởi xướng, văn nghệ sĩ cùng nhà quản lý chúng ta cần làm gì để hành động mạnh mẽ, tích cực, sáng tạo, nhằm cải đổi nhận thức; cải tiến chính sách, chế độ về hoạt động văn học nghệ thuật, đào tạo - tập hợp đội ngũ, kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn trì trệ, đưa hoạt động văn học nghệ thuật của thành phố trở thành ngọn cờ hiệu triệu văn nghệ sĩ cùng công chúng tiến bước, đáp ứng nhu cầu hiện nay?”, PGS.TS Trần Luân Kim nêu vấn đề.

Nhận thức tầm quan trọng của văn học nghệ thuật chưa đầy đủ

Theo PGS.TS Trần Luân Kim, hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay đang gặp một số điểm nghẽn, hạn chế cả ở lĩnh vực sáng tạo lẫn lĩnh vực khai thác. Nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng nhận thức tầm quan trọng của văn học nghệ thuật chưa rộng rãi và đầy đủ. “Chúng ta cũng chưa có giải pháp cụ thể, khả thi đưa Văn hóa sánh vai ngang tầm với Chính trị, Kinh tế, Xã hội. Kế đó, là tình trạng định hướng chưa rõ ràng, thiếu phối hợp trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thời gian tới, kế tục tinh thần Đề cương về văn hóa, chúng ta cần khai thông các ngành, các cấp, phát triển đồng bộ hoạt động văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM đặt vấn đề: Để ca khúc Việt hội nhập và phát triển, cần bắt đầu từ đâu; lấy gì làm cơ sở, con đường nào để hội nhập và phát triển? Bởi lẽ, đã có những bài hát Việt bê nguyên xi giai điệu của ca khúc Hàn Quốc, Thái Lan..., hoặc được thể hiện nửa rock, nửa rap… “Xu hướng càng nhất thể nhanh các nền văn hóa, càng tăng tốc toàn cầu hóa thì con người càng muốn giữ gìn nét riêng của dân tộc. Sự thể hiện cái riêng không chỉ để đối kháng xu hướng toàn cầu hóa mà còn là do muốn tự vệ, không muốn bị đồng hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhấn mạnh.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long bày tỏ tâm tư khi có gần 100 chương trình giải trí (gameshow) đang thao túng trên các sóng truyền hình cả nước. Gameshow có mặt suốt 24 giờ, phát sóng cả ngày lẫn đêm, nhất là vào “giờ vàng” buổi tối, gần như kênh truyền hình nào cũng dành cho các chương trình này. Trong khung giờ đó, khán giả có chuyển hàng chục kênh cũng không thể tìm được nội dung nào khác đáng xem hơn. “Đáng lo là trên một số phương tiện truyền thông đã xuất hiện nhiều bài báo “câu khách” rẻ tiền, chỉ cốt gây sự tò mò của độc giả để đạt yêu cầu doanh thu quảng cáo… Trật tự xã hội sẽ lung lay khi những sản phẩm này xâm nhập giới trẻ hằng ngày, hằng giờ. Một dân tộc nếu để mất đi vốn di sản văn hóa của mình, để văn hóa xuống cấp thì dân tộc đó sẽ không còn tương lai”, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long cùng trăn trở.

 Văn học nghệ thuật TP.HCM thời gian qua đã thể hiện được vai trò, vị trí trong công cuộc xây dựng, phát triển

“Trên thực tế, sự đầu tư cho phát triển văn hóa như trong các Nghị quyết của Đảng có được thực thi như mong muốn và khát vọng của nhân dân hay không, đang là một câu hỏi lớn. Bởi trong thực tế, những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng về văn hóa vẫn chưa thật sự đi được vào cuộc sống, đây chính là câu hỏi dành cho các cơ quan quản lý văn hóa. Với cá nhân tôi, dù những người có trách nhiệm cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng đã ban hành một số chính sách nhưng do chưa và thiếu quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng nên chưa phù hợp với thực tiễn vốn vô cùng sinh động”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM thẳng thắn.

Nhận diện ranh giới giữa văn hóa đích thực và phản văn hóa

Theo chuyên gia, hiện nay ngành Văn hóa đang có chủ trương xây dựng “Chiến lược công nghiệp văn hóa”. Để xây dựng thành công chiến lược này đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề, nhưng có hai vấn đề cần làm rõ, đó là: Văn hóa đích thực và văn hóa thương mại trong thị trường văn hóa. Bởi xét về động lực và tính chất thì một bên lấy văn hóa làm động lực mục tiêu, còn một bên thì đặt lợi nhuận và giải trí là mục tiêu. Nếu không giải được bài toán này thì khó nhận diện được ranh giới giữa văn hóa đích thực và phản văn hóa. Bởi văn hóa không đơn giản là lĩnh vực vui chơi giải trí như một số người nghĩ mà đây là lĩnh vực liên quan đến các giá trị nhân văn, đạo đức của xã hội, là vấn đề mà UNESCO đánh giá là nhân tố quyết định liên quan đến sức mạnh “nội sinh” của một quốc gia, một dân tộc.

PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng, để đáp ứng tình hình mới, cần hoàn thiện hơn các kế hoạch, chương trình để tiếp tục vận hành, phát triển. Đồng thời, tập trung triển khai nhiệm vụ chính trị của văn hóa nghệ thuật, thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ, 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới hoạt động văn học nghệ thuật. Mặt khác, cần đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế với phương châm “hòa nhập, không hòa tan”, tranh thủ mở rộng thị trường văn hóa nghệ thuật quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho rằng, bối cảnh, tình hình mới đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật TP.HCM đã thể hiện được vai trò, vị trí trong công cuộc xây dựng, phát triển; kịp thời truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối nhằm định hướng xây dựng, phát triển TP. Việc đầu tư các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật tiêu biểu, có giá trị về nội dung và tư tưởng, chất lượng nghệ thuật phù hợp bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng văn hóa TP.HCM, sẽ thiết thực góp phần phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top