Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Làng Củi Lũ- không gian nghệ thuật với thông điệp bảo vệ môi trường

Thứ Sáu 05/05/2023 | 16:46 GMT+7

VHO-Không gian trưng bày những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo, tái sinh từ những thanh củi lũ đã bỏ đi vừa khai trương tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã trở thành một địa chỉ được nhiều du khách tìm đến. 

Du khách được hướng dẫn và tự tay chế tác sản phẩm từ nguyên liệu củi lũ tại Làng Củi Lũ

Làng Củi Lũ Driftwood Village tại thôn Đồng Nà, TP Hội An được khai sinh từ ý tưởng của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận, một người Hội An rất nổi tiếng với hành trình hội họa, điêu khắc mỹ thuật, tái sinh vòng đời đưa củi lũ-những khúc gỗ trôi theo dòng nước lũ tưởng chừng bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, thường được gọi với cái tên “Thuận củi lũ”, “Đại sứ nghệ thuật tái chế Việt Nam”. 
Không gian làng Củi Lũ được thiết kế bởi những vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tranh… Tại đây có các khu trưng bày hàng nghìn tác phẩm củi lũ, trong đó có cả mô hình Khu phố cổ Hội An, di tích Chùa Cầu, những con giáp, tượng người dân tộc Cơ Tu, sinh vật biển… Các tác phẩm được chế tác hoàn toàn thủ công, đậm chất văn hóa Việt. 
Ngoài ra còn có không gian check-in, khu trải nghiệm để du khách đến đây có tự tay tìm hiểu, xem những nghệ nhân mỹ nghệ trực tiếp biểu diễn những đường nét đục đẽo gỗ, cùng học cách làm nghề mộc, chế tác những khúc củi tưởng chừng đã bỏ đi thành những tác phẩm mỹ nghệ độc đáo,…Và từ đó, ý thức hơn về việc sử dụng đồ tái chế, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. 

Du khách tham quan không gian trưng bày tại Làng Củi Lũ

Nhiều du khách rất hào hứng khi bước vào không gian nghệ thuật điêu khắc này, chiêm ngưỡng, tìm hiểu quy trình chế tác những tác phẩm từ củi lũ. Và nhiều người không giấu được bất ngờ khi biết rằng nguyên liệu để làm nên những tác phẩm mỹ nghệ tinh xảo, đặc sắc đang được trưng bày nơi đây đều được tận dụng từ những khúc củi trôi từ thượng nguồn về đồng bằng vào những mùa mưa lũ, hoặc gỗ rừng trồng. Qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, những thanh củi tưởng chừng đã vứt bỏ đó được chế tác thành những tác phẩm Chùa Cầu, nhà cổ Hội An, thành những biểu tượng linh vật như mèo, hổ, gà, trâu, cá,…đầy sức sống, màu sắc. Các thanh gỗ tưởng chừng đã bị vứt bỏ tự thân “kể” hành trình hóa thân đổi phận của những thứ tưởng như phế bỏ thành những sản phẩm đẹp đẽ, đầy sức sống. 
Một nhóm du khách đến từ Châu Âu tham gia buổi workshop ở đây hào hứng chia sẻ: Thật bất ngờ khi biết những sản phẩm mỹ nghệ đầy sức sống này được chế tác từ những thanh củi đã bỏ đi. Cả nhóm đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, hào hứng khi được xem và được các nghệ nhân hướng dẫn để tự tay làm nên những sản phẩm điêu khắc, vẽ tranh sơn mài,…Mỗi người chọn cho mình một ý tưởng, người điêu khắc một chú mèo, người vẽ bức tranh….để mang về làm kỷ niệm. 

    Tự tay chế tác các sản phẩm 

Lê Ngọc Thuận,  chủ nhân và cũng là người khởi xướng ý tưởng về làng Củi Lũ cho biết, anh muốn mượn củi lũ để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, mang ý nghĩa về bảo vệ môi trường cùng với thông điệp phát triển du lịch xanh trong cộng đồng. Đặc biệt, du khách và người dân đến đây sẽ hiểu được câu chuyện về hành trình của củi lũ từ thượng nguồn xuôi về hạ lưu sau những trận bão. 
Khởi nghiệp với mô hình homestay tại làng chài An Bàng- Hội An, anh Thuận đã tái sử dụng những ngôi nhà ba gian cũ mang hồn quê của làng chài và sử dụng vật liệu địa phương được nhiều du khách ưa thích khiến anh luôn đau đáu với ý tưởng làm đồ nghệ thuật từ rác tái chế. Anh cũng rất say mê và nhiều lần ngược xuôi để tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc của đồng bào Cơ tu ở miền núi tỉnh Quảng Nam.  
Sau một đợt mưa lũ, Thuận tình cờ ra biển, nhìn thấy củi lũ từ thượng nguồn trôi về vùng hạ nguồn, cửa sông Thu Bồn, xuôi ra biển Cửa Đại. Theo tục lệ, người Cơ tu không chặt hạ cổ thụ vì tôn thờ Thần rừng; Thuận đã nhặt những cây gỗ ấy về để tái sinh, không để nó “chết” vì thiên tai, bão lũ mà để được sống tiếp một đời sống khác trong nghệ thuật. 
Những khúc gỗ ấy được đẽo gọt, trau chuốt, tỉa thành các hình hài khác nhau lấy ý tưởng từ những tác phẩm điêu khắc của đồng bào Cơ tu, hình tượng những con giống gần gũi với đời sống thường ngày được khách du lịch đón nhận, hỏi mua và đánh giá cao về tính nhân văn tái sử dụng lại những thứ bỏ đi.

Một góc không gian trưng bày tại Củi Lũ

Nhưng cơ duyên để chuyển tải ý tưởng thành hiện thực chỉ thật sự tới vào thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát vào năm 2020. Khi ấy, hoạt động kinh doanh đứt quãng vì dịch bệnh, có thời gian nên anh Thuận nghiên cứu và tìm hiểu về làng nghề mộc Kim Bồng vang tiếng một thời của Hội An. Nhưng anh không muốn bước đi trên con đường cũ của làng nghề mà mong muốn tìm một hướng đi khác, tạo ra các vật phẩm ngay những đồ bỏ đi, những phế phẩm sau sản xuất tại các xưởng mộc. Và cùng với đó là ý tưởng sẽ tận dụng tất cả thanh củi lũ này để biến thành các món đồ nghệ thuật. 
“Tôi khao khát chứng minh cho mọi người thấy rằng, ngay cả những thứ tưởng chừng như đã ở tận cùng của ruồng bỏ vẫn hoàn toàn có thể tỏa sáng, lấp lánh và nhận được tán thưởng”, anh Thuận chia sẻ. 
 Sau đó, anh tìm gặp những người thợ mộc ở các làng nghề, tâm sự, chia sẻ với nhau về mong muốn khôi phục làng quê của mình, sắm đồ nghề, nơi ăn ngủ của các anh em thợ, anh nhặt nhạnh gỗ về và trực tiếp phác thảo ý tưởng hội họa, màu sắc cho cho anh em thợ thao tác. Thật bất ngờ, rất nhiều thanh củi đã thật sự truyền thần dưới bàn tay thợ mộc Kim Bồng. 

Thích thú với các sản phẩm tự chế tác sau khi tham quan làng Củi Lũ

Đã có rất nhiều sản phẩm ra đời từ những thanh củi lũ, anh Thuận cũng đưa các tác phẩm tham gia tại triển lãm điêu khắc “Con Giống”  tại Hà Nội, Hội An và đã nhận nhiều lời khen ngợi, đánh giá của giới chuyên môn cũng như người xem vì sự sáng tạo. Quan trọng hơn, những sản phẩm làm ra đã lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng, từng bước tạo ra công ăn việc làm, lưu giữ được văn hoá làng nghề, giáo dục cộng đồng về sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học.
“Tôi tin một ngày không xa Quảng Nam sẽ hình thành nên một mạng lưới làng nghề mộc tái sinh. Điều mà tôi mong muốn nhất đó là tạo ra được công viên nghệ thuật tái chế để tạo không gian sáng tạo cho các trường đại học trong và ngoài nước; và đây chính là nơi giáo dục cho các em học sinh và cộng đồng một cách nhanh nhất, cũng là nơi thu hút khách du lịch văn hóa, nghệ thuật”, anh Thuận chia sẻ. 

THU HOÀI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top