Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Một người viết phê bình có trách nhiệm

Thứ Bảy 06/05/2023 | 10:56 GMT+7

VHO- Có nhiều định nghĩa khác nhau về phê bình văn học, nhưng có lẽ giản dị nhất, phê bình là sự đọc, theo nghĩa đầy đủ và rộng của khái niệm này. Tất nhiên, cũng có thể nói như Hoài Thanh, “tìm vẻ đẹp trong cuộc đời là văn chương, tìm vẻ đẹp trong văn chương là phê bình” nghĩa là phê bình chì có giá trị khi nó phát hiện ra vẻ đẹp (và vì thế nên nhà phê bình khác với “nhà dọn vườn”) nhưng sự tìm kiếm đó cũng là kết quả của một sự đọc. Người phê bình phải đọc ra được một vẻ đẹp, trình hiện sự đọc đó và qua đó, mở rộng chân trời đọc của độc giả văn chương. Trong nghĩa ấy, "Hiểm địa văn chương" của Phùng Gia Thế đã trình bày ra được diện mạo của một người phê bình có trách nhiệm. 

Trách nhiệm, trước hết là với nghề. Hiểm địa văn chương là một tuyển tập “gom” lại những tiểu luận được viết từ 2013 đến nay nhưng chủ yếu là tập trung vào khoảng ba năm gần đây, đa số đã được công bố trên các báo, tạp chí có uy tín về văn chương, nghệ thuật nhưng không ít đã được bổ sung cùng một số bài viết riêng cho tập sách. Vượt lên tính thời sự của những tiểu luận báo chí, tác giả đã cố gắng xây dựng một cấu tứ mạch lạc cho tập tiểu luận của mình: mở đầu bằng bốn bài viết mang nặng tính lí luận, tiếp đến là những tiểu luận nhận diện các hiện tượng văn chương và cuối sách là những cuộc trò chuyện về văn chương của chính tác giả. Mở và kết như thế cũng là một cách dựng lên cái “khung” mang tính lí luận, để từ đó người phê bình nhận diện những hiện tượng văn chương đương đại. Trong những phát biểu về nghề, Thế tỏ ra “dị ứng” với kiểu phê bình giao đãi, phê bình thù tạc, phê bình cảm tính. Kì công dựng lên một khung lí luận như thế là một cách làm có trách nhiệm để thoát khỏi những lối phê bình mà chính người viết muốn tránh. Xét theo nghĩa phê bình là một sự đọc thì ở Phùng Gia Thế, có một nỗ lực để sự đọc đó là có ý thức. Và nếu xét trong cái “mạch” đó thì việc đưa một tiểu luận chân dung vào phần cuối cuốn sách, thoạt tưởng là lạc lõng, nhưng ngẫm kĩ, cũng là có dụng ý: nó cho thấy cái sinh quyển mà người viết đã tạo dựng ý thức phê bình của mình trong đó.    

 

Với một cách hình dung như vậy thì chùm bốn bài viết mở đầu và hai bài phỏng vấn cuối sách có một ý nghĩa đặc biệt. Thế đã rất “kì công” khi chỉnh lí, tập hợp lại những tiểu luận được viết từ cách đây nhiều năm kết hợp với một bài viết được dành riêng cho Hiểm địa văn chương để tạo thành chùm bốn bài đầu sách. Nó là bốn vấn đề quan trọng tạo thành “lối vào” văn chương đương đại: một hình dung mới về tác giả (đằng sau phù hiệu có phần gây shock “cái chết của tác giả” mà thực ra là cái chết của một kiểu quan niệm, kiểu hình dung về tác giả, của một niềm tin vào một kiểu viết); xu hướng carnaval hoá của ngôn ngữ văn chương Việt Nam đương đại (mà thực ra là tính dân chủ và đa nguyên của ngôn ngữ văn chương đương đại, nhìn từ chất liệu cũng như nguyên tắc tổ chức); thế giới dị biệt, ngoại biên của văn chương đương đại (thực chất là những vùng thực tại được văn chương đương đại khai mở như chứng điên, hoang tưởng, những vùng vô thức,..) và cách nhìn văn chương như một thế giới trò chơi đặc thù. Thực ra, đây cũng là bốn cột trụ của lí luận văn nghệ hậu hiện đại, nó là những nguyên lí về một thứ văn chương mang tính kiến tạo cao hơn văn chương hiện đại, đòi hỏi sự nhập cuộc và đồng sáng tạo lớn hơn từ phía người đọc, nó mang tính tự trị với những nguyên tắc tạo sinh thế giới nghệ thuật của riêng mình vượt thoát khỏi phản ánh luận thô sơ và một thứ ngôn ngữ “hậu lãng mạn” với sụ hoà trộn của rất nhiều lớp ngôn từ. Nó đòi hỏi người đọc, muốn tiếp cận, phải vượt qua những định kiến về sự chờ đợi những chân lí được tác giả cấp cho, một thứ ngôn từ thơ mộng và thuần khiết và một thứ thực tại duy lí. Thế không phải là người đầu tiên nói về những điều này, nhưng anh có cách riêng để tạo nên một hệ thống chặt chẽ nhưng dễ tiếp cận với kiểu người đọc không có điều kiện tự mình đi qua khu rừng của những lí thuyết văn chương hiện đại và hậu hiện đại mà không ít đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt nhưng để có thể hiểu được thì cần vài lần “chuyển nghĩa” của giới chuyên môn. Công việc ấy cho thấy trách nhiệm của anh trong việc mở rộng chân trời đón đợi của độc giả văn chương đương đại.  

Bốn bài viết mở đầu tập sách của Phùng Gia Thế cũng gắn với những tên tuổi đã định hình diện mạo của văn chương Việt Nam Đổi mới: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương … Đó cũng là xuất phát điểm để anh khai triển sự đọc của mình đồng hành cùng văn chương đương đại. Chỉ cần nhìn qua một lát cắt của văn chương năm 2022, có thể thấy trách nhiệm của một người tha thiết “sống với văn học cùng thời”. Anh đưa vào diện trường quan sát của mình những văn phẩm có chất lượng và cả có vấn đề (theo nghĩa tích cực) nhất của một năm văn học: Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Khắc Ngân Vi, Lý Lan, Đào Tuấn Ảnh, Phạm Quang Long, Đỗ Phấn, Lê Anh Hoài… Và ngay trong chiều rộng này, trong cách anh lựa chọn Nguyễn Khắc Ngân Vi chứ không phải Lê Vũ Trường Giang, có thể thấy Thế không chỉ là một người phê bình trách nhiệm mà còn là một người thẩm văn có chính kiến và không kém phần tinh tế, điều không phải dễ gặp trong bối cảnh phê bình bị truyền thông cạnh tranh hiện nay. Một trong những thước đo thành công của một người phê bình chính là qua danh mục văn chương mà anh ta trình hiện ra trước độc giả. Ở khía cạnh ấy, có thể nói, Phùng Gia Thế là một người đồng hành tỉ mỉ và có trách nhiệm của văn chương đương đại: từ những tác giả đã cũ như Nguyễn Đức Sơn đến những người còn mới như Tống Ngọc Hân; từ thơ của Nguyễn Tiến Thanh, Bùi Việt Phương, Lương Kim Phương đến truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thuỵ, Lê Anh Hoài; từ những thể nghiệm diễn ca văn xuôi sang lục bát, song thất lục bát kiểu hiện đại của Đỗ Anh Vũ đến những chuyển hướng từ tiểu thuyết sang truyện ngắn của Phùng Văn Khai; từ tiểu luận của Uông Triều đến nghiên cứu của Cao Kim Lan hay phê bình của Nguyễn Hoài Nam. Nhìn vào những gì mà sự đọc của Phùng Gia Thế trình bày ra trước độc giả có thể cảm nhận được cái phong phú, dồi dào sức sống và đa dạng về giá trị của văn chương Việt Nam đương đại. Nó mang đến một sự lạc quan về một đời nền văn chương đáng đọc và có cái để đọc. Trong mỗi tiểu luận, Thế luôn tìm được một sự cân bằng giữa đọc câu chuyện và đọc cấu trúc nghệ thuật, giữa thẩm bình và diễn giải, giữa nhận diện và đánh giá, giữa sự sắc sảo và tinh tế trong cảm nhận với tư duy khoa học cũng như sự tiết chế để không đẩy độc giả vào những rừng khái niệm quá phức tạp của phê bình hàn lâm nhưng cũng không hề dễ dãi trong lối viết. Chính vì thế, chắc chắn, những tiểu luận của anh được viết cho số đông công chúng yêu văn chương và có tiềm năng lớn trong việc chạm đến chân trời của công chúng ấy. Trên tất cả, Thế luôn tỏ ra là một tri âm với người cầm bút nhưng vẫn cố giữ được một sự công tâm và khách quan (điều chẳng dễ trong cảm thụ văn chương) trong chức trách với độc giả.  Thế nên, mỗi tiểu luận của anh là một phát hiện và không ít trong số đó rất riêng như cái cách anh viết về cái “độc, dị” của thơ Nguyễn Đức Sơn, cái chất lãng tử rất xưa cũ của Nguyễn Tiến Thanh, cái ẩn dụ nhưng cũng đầy trữ tình của truyện Phạm Duy Nghĩa hay cái đẹp tinh tế, cổ điển và phảng phất buồn trong một nhịp điệu rất riêng của tản văn Trần Nhật Minh. Tất nhiên, có những tác giả mà sự đọc của Thế tìm thấy sự tri âm đặc biệt: Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Đức Sơn, Cao Kim Lan, Nguyễn Tiến Thanh, Phạm Duy Nghĩa hay Đỗ Anh Vũ, Uông Triều. Cũng phải nói thêm rằng chính cái nền lý luận được tạo dựng kỹ lưỡng là điểm tựa để Thế có bản lĩnh đối diện và chỉ ra được “cái lí”, cái logic nội tại, giá trị nội tại của những cái mà đôi khi, với những định kiến xưa cũ, được coi như những “hiểm địa” của văn chương: những lối khai thác ngôn từ khác thường, những ẩn dụ phi lí tính, những thứ “tục thi”, những trò chơi ngôn từ. 

 

Từ tất cả những điều đó, có thể nói, Hiểm địa văn chương của Phùng Gia Thế là kết quả của một sự đọc có trách nhiệm, với nghề, với văn chương và với công chúng. Trách nhiệm ấy được tạo dựng trên một kiến văn rất rộng, một nhạy cảm tinh tế đặc biệt với những giá trị thẩm mỹ và một nền tảng lí luận vững chãi. Nó là một thứ phê bình mang đến cho độc giả những vùng trời giá trị mới mà đôi khi, sự lưỡng lự trước những gì khác lạ là một bức tường vô hình ngăn cách với họ. Tất nhiên, gấp hơn 300 trang sách được trình bày công phu của Thế, vẫn có những bâng khuâng nuối tiếc. Dù đã rất dũng cảm đi vào những vùng hiểm địa nhưng dường như, Thế vẫn bị sức trì kéo của những gì xưa cũ, cổ điển và sự mất cân xứng về dung lượng giữa những tiểu luận có khi thể hiện một đánh giá có ý thức nhưng cũng có khi là một lướt qua để lại sự nuối tiếc. Dẫu vậy, với một tác giả như Phùng Gia Thế, với một kiến văn và một nền tảng như đã được trình hiện trong sách, ta hoàn toàn có thể tin tưởng để chờ đợi những cuộc viễn hành vào những miền hiểm địa trong tương lai của anh.

PHẠM XUÂN THẠCH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top