Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

U22: Việt Nam và câu chuyện áp lực

Thứ Hai 08/05/2023 | 09:58 GMT+7

VHO- Chưa cần chạm trán những đối thủ mạnh, đối thủ lớn nhất HLV Philippe Troussier và ĐT U22 Việt Nam đang phải đương đầu tại SEA Games 32 lại là áp lực.

  Các cầu thủ U22 (phải) cần biến áp lực thành động lực Ảnh: NGUYỄN BẰNG

Điều đáng nói, áp lực ấy lại là thứ áp lực tiêu cực, khiến động lực có khi bị triệt tiêu và xuất phát từ bộ phận không nhỏ người hâm mộ nước nhà, hay còn gọi là “chuyên gia online”.

Núi áp lực

26 năm về trước, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 19 (SEA Games 19) diễn ra tại Indonesia. Ở môn bóng đá nam, đội tuyển Việt Nam nhận được rất nhiều kỳ vọng. Sau kỳ SEA Games “cất cánh” với tấm huy chương bạc 2 năm về trước tại Chiang Mai (Thái Lan), cũng như ngôi á quân Tiger Cup 1996.

Tuy nhiên, hành trình của ĐT Việt Nam tại SEA Games 19 thật chông gai. Chúng ta mở màn bằng trận thua Malaysia, cầm hòa Indonesia với tỷ số 2-2 và thắng sát nút đội tuyển Lào tại lượt trận thứ ba. Với kết quả như vậy, chúng ta không còn quyền tự quyết ở lượt trận cuối cùng. Để giành vé vào bán kết, điều kiện cần là chiến thắng trước Philippines, điều nghiễm nhiên các chàng trai áo đỏ làm được bằng chiến thắng 3-0, nhưng điều kiện đủ thật không tưởng: Lào thắng Malaysia. Cần nhấn mạnh lại là Lào phải thắng, kể cả hòa, Việt Nam vẫn bị loại. Vậy nhưng Lào lại thắng Malaysia thật. Sau 89 phút phòng ngự kiên cường để giữ sạch mành lưới, Keolakhone Channiphone bất thần tung cú sút xa từ cự ly 30m làm tung lưới Malaysia trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Trở lại với hiện tại, đội tuyển U22 Lào không thể tiếp bước tiền bối để tạo nên chiến thắng oanh liệt trước đối thủ Malaysia. Tại lượt trận thứ hai bảng B môn bóng đá nam, SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia, U22 Lào để thua U22 Malaysia với tỷ số 1-5. Nếu chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng, hẳn nhiên nhiều người cảm thấy “bình thường”, vì Lào thua đậm trước các đối thủ trong khu vực chẳng có gì lạ. Song, những ai theo dõi trực tiếp trận đấu đều nhận thấy U22 Lào chỉ thua cách biệt chứ không hề bị đối thủ áp đảo về mặt thế trận. Cách thi triển đấu pháp của đội tuyển U22 Lào hẳn nhiên không hề tự phát, khi đã được thể hiện một cách đầy ấn tượng trước đội tuyển U22 Việt Nam ở lượt trận mở màn, cuộc đấu thầy trò Philippe Troussier giành chiến thắng một phần nhờ may mắn. Bởi vậy, dù chưa đưa Việt Nam vào bán kết như 26 năm về trước nhưng màn trình diễn của U22 Lào trước Malaysia phần nào “minh oan” cho ĐT U22 Việt Nam, khi những chàng trai áo đỏ đã chịu vô vàn chỉ trích vì không “thắng áp đảo” Lào.

Đội tuyển U22 Việt Nam hành quân đến Campuchia dưới áp lực khủng khiếp. Trước nhất là áp lực bị so sánh. Người tiền nhiệm của HLV Troussier lẫn đàn anh của lứa cầu thủ tham dự kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á đã chạm tới thành công rực rỡ, tạo nên những vinh quang chói lọi nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên, lật ngược vấn đề, hãy so sánh đội hình giữa các thế hệ chỉ dựa trên yếu tố kinh nghiệm để thấy sự khác biệt lớn. Ở 2 kỳ SEA Games bóng đá nam chúng ta giành huy chương vàng, các đội tuyển tham dự theo quy định U23 + 3. Trong khi đó, lứa cầu thủ tham dự SEA Games 32 là U22 và không được bổ sung cầu thủ hơn tuổi. Lứa cầu thủ này của bóng đá Việt Nam chưa có nhiều cơ hội cọ xát tại các giải đấu quốc tế, thậm chí còn những cầu thủ chưa được đăng ký thi đấu chuyên nghiệp. Một lứa cầu thủ hoàn toàn mới, một huấn luyện viên hoàn toàn mới, đồng nghĩa sẽ là phương pháp huấn luyện mới, lối chơi mới, tính cách mới, thật khó để đòi hỏi sự trơn tru trong một sớm một chiều. Thế nhưng, cái bóng của những người đi trước lại quá lớn, đồng nghĩa kỳ vọng thái quá, áp lực thái quá và cả sự so sánh thái quá.

Đó là lý do tại sao ngay khi đặt chân đến Campuchia, HLV Troussier đã chia sẻ: “Chúng tôi gặp áp lực lớn về mục tiêu tại giải đấu này. Chúng tôi có áp lực phải chơi thứ bóng đá tốt nhất của mình, áp lực phải chơi thứ bóng đá đẹp. Tôi hy vọng rằng, những áp lực này sẽ giúp cho các cầu thủ chơi với tinh thần cao nhất. Chúng tôi biết rằng, để hoàn thành mục tiêu tại SEA Games 32, chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với 1, 2, 3 và thậm chí là 4 đối thủ khác. Đó là lý do tại sao thử thách lần này với U.22 Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhưng tôi nghĩ, chúng tôi đã sẵn sàng để đối đầu với thử thách này”.

Áp lực ấy càng khủng khiếp bởi 5 trận giao hữu chuẩn bị cho SEA Games toàn thua và chiến thắng thiếu thuyết phục trước đội tuyển U22 Lào. Thật may, áp lực đã phần nào được giải tỏa ở trận thắng U22 Singapore ở lượt trận thứ hai. So với trận mở màn, guồng máy U22 Việt Nam, với vài điều chỉnh của HLV Troussier, đã vận hành trơn tru hơn.

Biến áp lực thành động lực

Như HLV Troussier chia sẻ, ông muốn các học trò tự tin cầm bóng và phát triển tấn công. Tự tin đến từ trải nghiệm và kinh nghiệm thực chiến, nhưng tự tin còn đến từ động lực từ người hâm mộ, điều thật đáng buồn là họ đang thiếu. Thay vì những lời động viên, cổ vũ, một bộ phận không nhỏ “chuyên gia online” chỉ trích, chê bai thầy trò Troussier vì màn trình diễn “chưa hợp nhãn”. Nguồn năng lượng bộ phận “chuyên gia online” này tạo ra đầy tiêu cực, bởi đội tuyển U22 Việt Nam có thi đấu như thế nào vẫn bị soi mói, bới móc và so sánh.

Suy cho cùng, bóng đá là môn thể thao của quan điểm. Bất kỳ ai cũng có thể nêu ra quan điểm bởi đúng, sai đôi khi chỉ tương đối. U22 Lào đã chơi một trận không tồi nhưng rốt cuộc vẫn thua đậm U22 Malaysia đến 1-5, vậy là U22 Lào kém hay U22 Việt Nam tệ? Thay vì trả lời những câu hỏi không có đáp án đúng tuyệt đối và đầy sự tiêu cực ấy, điều cần ở cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam là văn hóa ứng xử đúng mực để tạo động lực cho những cầu thủ đang đại diện cho màu cờ sắc áo quốc gia.

Trong lần trò chuyện với cựu HLV Steve Darby, ông đã chia sẻ quan điểm rằng hãy để “chuyên gia làm việc của chuyên gia”, và chuyên gia ở đây là HLV trưởng, Giám đốc kỹ thuật, Giám đốc thể thao... những người làm công việc chuyên môn chứ không phải “chuyên gia online”. Chắc hẳn nhiều “chuyên gia online” cũng chẳng nhớ ông Darby là nhà cầm quân đã mang về tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên cho bóng đá Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, với đội trưởng Hiền Lương dẫn dắt trên sân. 

 NGỌC TRUNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top