Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Sống mòn trong những biệt thự cũ ở Hà Nội (Bài 1): Hoang tàn hết rồi!

Thứ Hai 08/05/2023 | 10:31 GMT+7

VHO-  Hà Nội hiện có 1.216 nhà biệt thự cũ với lối kiến trúc Pháp, được chia làm 3 nhóm, trong đó nhiều biệt thự đã giao cho người dân và đang xuống cấp trầm trọng đến mức khó cứu vãn. Từ lâu trong giới chuyên gia, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư đều coi những ngôi biệt thự cũ ở Hà Nội là một bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa đô thị. Nếu vậy cần chung tay đề ra giải pháp để cứu loại hình di sản này trước khi quá muộn.

Ngôi biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học Ảnh: TƯ LIỆU

“Chán không buồn kêu nữa”, “còn gì mà cứu”…, là những nỗi lòng mà cư dân sinh sống trong những ngôi biệt thự cũ kỹ thốt ra khi chúng tôi hỏi về cuộc sống của họ trong những căn nhà có tuổi đời cả trăm năm này

 

 Dù bận việc nhưng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn dành cho chúng tôi thời gian để nói về ngôi biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội), nơi gia đình ông có 5 thế hệ sinh sống…

Nước mắt ở biệt thự danh nhân

Kể về ngôi biệt thự, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, người chủ của nó tên là Cự Lĩnh, người thầu khoán xây những dãy nhà ở phố Hàng Bông, Hàng Gai những năm 1930 - 1935 ở Hà Nội. Ông này cũng là chủ thầu xây nhà thương Đồn Thủy, nay gọi là Bệnh viện Việt Xô. Chính vì thế ông có đầy đủ kinh nghiệm về kỹ nghệ lẫn thực tiễn để xây nên một căn nhà cho gia đình trên diện tích hơn 200m2, với những nguyên vật liệu tốt nhất, quý nhất của Pháp mà cho đến bây giờ, qua gần 100 năm hầu như không suy chuyển.

Nhìn bên ngoài, ngôi nhà có mái cong, cổng vào, sân vườn nên có dáng dấp của phong cách Á Đông, nhưng bên trong lại được thiết kế theo cấu trúc châu Âu với lò sưởi, tường dày 40cm nên mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát; gạch đá hoa dày không bị nồm bởi thời tiết nhiệt đới, tường phun vôi gồ ghề để cách âm, chiều cao của nhà đều 3,7m hoặc 4,2m tuỳ từng phòng. Các phòng cũng được liên kết với nhau, có khu bếp, khu phụ, có gara ô tô... Năm 1954, sau chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ. Thời điểm đó, chính quyền Hà Nội phân nhà cho một số văn nghệ sĩ gồm các họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ tại biệt thự 65 Nguyễn Thái Học. Ngoài gia đình người chủ ở tầng 1, những công dân đầu tiên của khu nhà đó đều là những tên tuổi lừng lẫy, như danh họa Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Văn Giáo, Mai Văn Hiến, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận...

Ngôi nhà có 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng, phòng to nhất là 36m2, phòng nhỏ nhất là 16m2. Ở tầng trên cùng có 4 phòng của các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Văn Giáo, Trần Đông Lương và Nguyễn Sáng. “Thời bấy giờ các cụ chọn tầng trên cao cho yên tĩnh và phòng nhỏ để đỡ tiền nhà”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể. Từ những căn phòng khiêm nhường trên cao ấy, nhiều tác phẩm vô giá của nền văn học nghệ thuật nước nhà đã ra đời. Nhiều văn nghệ sĩ sống trong ngôi biệt thự ngày ấy đã được trao tặng những giải thưởng, danh hiệu vinh dự của Đảng và Nhà nước. Ngôi nhà còn là “cái nôi” của những Đại biểu Quốc hội như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Đỗ Hồng Quân.

“Ngôi nhà đó là nơi mà các thế hệ văn nghệ sĩ đã đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng đã sinh sống và sáng tác; nhiều tác phẩm tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật nước nhà đã được ra đời. Vì thế, ngôi nhà không chỉ có giá trị về kiến trúc mà còn hàm chứa giá trị về tinh thần rất lớn. Đã từng có ý tưởng xây dựng một bảo tàng danh nhân về văn học nghệ thuật tại địa chỉ này, nhưng không thành công và đáng buồn là, địa chỉ đáng tự hào của văn hóa nghệ thuật, của kiến trúc Hà Nội giờ đây đang trở nên xuống cấp trầm trọng”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

 Các vật liệu làm khung tranh chiếm lối đi của nhiều hộ dân

Tắt dần những tiếng kêu

Cùng thế hệ với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, họa sĩ Mai Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, con gái họa sĩ Mai Văn Hiến cũng gắn bó với nhiều kỷ niệm sâu đậm tại biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học. Ánh mắt nữ họa sĩ xa xăm nhớ về bầu không khí sáng tác văn học, nghệ thuật mà có lẽ chỉ duy nhất tại ngôi biệt thự này có được, với sự quy tụ của những tên tuổi một thời vang bóng. “Kiêu hãnh và tự hào là cảm xúc của tất cả những ai đã từng sống ở biệt thự ấy”, họa sĩ Mai Ngọc Oanh trầm giọng.

“Tôi nhớ cảnh mỗi buổi sáng các văn nghệ sĩ xếp hàng đánh răng, rửa mặt ở vòi nước chảy ri rỉ trong sân, vì ngôi nhà được thiết kế cho gia đình nên chỉ có 2-3 vòi nước dùng chung, nhưng đều hỏng dần. Tôi nhớ hình ảnh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thường ngồi cạnh gốc cây bàng đầu cổng, giờ đã không còn nữa, mỗi lần đi qua ông đều gọi tôi: “Ngồi đây bác đọc thơ cho nghe”…”. Hỏi chuyện nữ họa sĩ về nguyện vọng bảo tồn ngôi nhà kiến trúc Pháp này bà thốt lên: “Hoang tàn hết rồi, còn gì mà bảo tồn”. Sự lấn chiếm bừa bãi, phá tan tành kiến trúc gốc, những mảng trần, ngói vỡ chỉ trực rơi xuống. Tầng 1 bị người chủ mới ngang nhiên phá dỡ tường ngăn phòng để thông nhau mà đó là tường chịu lực của cả căn nhà, rồi đào sâu nền nhà xuống nửa mét để sử dụng làm gian bán tranh, khung tranh. “Nguy hiểm vô cùng. Người dân sống trong biệt thự này đã kêu mãi, rồi thì cũng chẳng biết kêu ai mới thấu”, họa sĩ Mai Ngọc Oanh than thở.

Trước mắt chúng tôi, ngôi nhà biệt thự vốn là niềm kiêu hãnh một thời ấy giờ tồn tại với dáng vẻ cũ kỹ, tồi tàn. Mặt tiền biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học là cửa hàng khung tranh được thiết kế hiện đại, bao quanh bởi kính cường lực, cạnh là cửa hàng mua bán, sửa chữa máy khâu cũ. Nếu không có mảng tường màu vàng “truyền thống” còn sót lại ở tầng 2 thì toàn cảnh trông giống khu chung cư cũ lô nhô “chuồng cọp”. Bên trong, các loại khung tranh, khúc gỗ được bày la liệt, chiếm dụng lối đi, chỉ vừa cho người đi bộ. Nói chuyện với một cư dân (con trai của một danh họa sống tại biệt thự) về tình trạng của ngôi nhà, ông lắc đầu quầy quậy: “Kể chán, nói chán rồi cũng có được cái gì đâu. Thời buổi kinh tế thị trường, họ mở ra để làm ăn ”. Ông cho biết, các văn nghệ sĩ thế hệ trước đã không còn, hiện nay là thế hệ con cháu hoặc cho người khác ở nhưng đã được Nhà nước hóa giá, nhà thuộc quyền sử dụng của họ.

 Hiện trạng ngôi biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học không khác gì một khu chung cư chắp vá, tồi tàn

"Quả bóng" trách nhiệm bị đá đi khắp nơi

Biệt thự cổ số 65 Nguyễn Thái Học xây dựng từ trước năm 1954, được Sở Xây dựng Hà Nội xếp vào nhóm 2 trong danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quyết định số 1845/ QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Sau vụ cháy ở cửa hàng kinh doanh tầng 1 vào năm 2016, UBND quận Ba Đình, phường Điện Biên, Sở Xây dựng Hà Nội, Xí nghiệp nhà Ba Đình đã họp dân, đưa ra phương án cải tạo tổng thể toàn bộ căn biệt thự và được hầu hết các gia đình ủng hộ. Sở Xây dựng Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu đơn vị quản lý biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhanh chóng có biện pháp cải tạo, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Nhưng từ đó cho đến nay cũng không có thêm một động thái nào, các hộ dân vẫn đang sống trong cảnh nơm nớp, lo sợ ngôi nhà có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào.

Lo lắng nhất có lẽ là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bởi gia đình của ông nằm ngay trên cửa hàng khung tranh không còn tường chịu lực đỡ phía dưới. “Khoảng 20 - 30 năm về trước, KTS Hoàng Phúc Thắng, Ủy viên Hội đồng tư vấn kiến trúc của Thủ tướng Chính phủ đã nêu vấn đề kêu gọi nguồn lực để bảo tồn biệt thự 65 Nguyễn Thái Học thành bảo tàng mini của danh nhân. Nhưng ý tưởng không thành hiện thực và bây giờ thì ngôi nhà đã biến dạng và nằm trong tình trạng quản lý phức tạp. Một phần là quản lý của nhà nước và một phần được hóa giá cho các chủ hộ nên trách nhiệm bảo tồn duy trì cải tạo dường như không thuộc về ai…”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trăn trở. Cũng theo nhạc sĩ này, “toàn bộ mái ngói bị dột, ống máng nước thải, nước cống đều bị tắc; tường nhà bong tróc rất nhiều năm nhưng không có một động thái nào sửa chữa cấp thiết. Người dân nộp đơn đề nghị chính quyền thì “quả bóng” trách nhiệm bị đá đi khắp nơi”.

Ông cho rằng, trước một di sản quý giá cả về vật chất và tinh thần như biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học thì phải có biện pháp thực tế và cụ thể. Chính quyền không quản lý chặt chẽ dẫn đến việc mua đi bán lại, biến một ngôi nhà mà trước đây thành phần là những tầng lớp tinh hoa nay đã bị thoa trộn bởi các thành phần khác, ý thức bảo vệ di sản kém. “Họ sẵn sàng đục đẽo, phá dỡ để phục vụ mục đích của mình. Thay vì nhìn nhận đó là một địa chỉ văn hóa, là môi trường sống của những nghệ sĩ thì họ chỉ nhìn thấy những vấn đề của cuộc sống mưu sinh. Điều đó làm cho ngôi biệt thự trở nên nhếch nhác, không còn nguyên giá trị nguồn gốc, không có cơ hội để trở thành địa chỉ văn hóa như điều chúng tôi từng trông đợi…”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bức xúc. 

QUỲNH HOA - THU TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top