Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kiểm tra khách sạn ở một số địa bàn trọng điểm du lịch trên toàn quốc

Thứ Bảy 13/05/2023 | 08:33 GMT+7

VHO- Từ tháng 6-10.2023, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trên toàn quốc.

Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch

Nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ du lịch

Hoạt động này nhằm thực hiện Kế hoạch số 1819/KH-BVHTTDL về kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam năm 2023 của Bộ VHTTDL. Qua đó, nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và những người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững, tạo sự hưởng ứng tích cực của toàn ngành Du lịch trong việc tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch, đặc biệt là giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19. 

Tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn.

Nâng cao ý thức ứng xử văn minh, thái độ lễ phép, thân thiện phục vụ khách đối với tất cả nhân viên trong cơ sở lưu trú du lịch. 

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch; thực hiện cải cách hành chính, nâng cao ý thức công vụ; thực hiện việc thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình, đảm bảo khách quan, công bằng; kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi vi phạm, tiêu cực, gây khó khăn hoặc bao che cho đơn vị không thực hiện đúng quy định.

Thể hiện quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của ngành Du lịch về nhận thức và hành động trong việc chấn chỉnh, phục hồi và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh, bền vững.

Tạo ra chuyển biến và kết quả cụ thể về nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Nhiều cơ sở lưu trú du lịch quảng cáo sai hạng sao

Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) có tại tất cả các tỉnh thành trong  toàn quốc với sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tạo cơ sở vật chất cho ngành Du lịch, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này tập trung vào các khu nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng núi. Bên cạnh khách sạn và nhà nghỉ du lịch, còn có căn hộ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), biệt thự du lịch, tàu thủy lưu  trú du lịch, bãi cắm trại du lịch. Số cơ sở có quy mô lớn tăng, góp phần phát  triển hoạt động MICE và phục vụ được các sự kiện lớn của quốc gia, quốc tế.

Mạng lưới nhà dân cung ứng qua hệ thống Airbnb chiếm tỉ lệ ngày càng cao, làm tăng cung và cạnh tranh mạnh mẽ với các CSLTDL truyền thống. Mô hình chia sẻ kỳ nghỉ áp dụng nhiều với loại hình căn hộ và biệt thự du lịch.

Các CSLTDL đã mở rộng dịch vụ bổ sung như: chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc sắc đẹp, thể thao, phục vụ hội nghị, hội thảo, vui chơi giải trí... Cùng với  những tập đoàn lớn có thương hiệu trên thế giới từ nhiều năm như Hyatt, Intercontinental, Accor, Sheraton, Hilton, IHG... cũng đã có sự lớn mạnh của các tập đoàn do người Việt đầu tư, quản lý; hình thành những thương hiệu Việt nổi tiếng như: Vinpearl, Saigontourist, Flamingo... Hoạt động du lịch cộng đồng, nhà ở có  phòng cho khách du lịch thuê được đẩy mạnh ở vùng sâu, vùng xa, tạo việc làm, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Từ năm 2011 đến năm 2020, CSLTDL tại Việt Nam tăng hơn 2,9 lần (số  cơ sở tăng từ 13.000 lên 38.000, sức chứa tăng từ 265.000 buồng lên 780.000 buồng). Tính đến ngày 31.12.2022 cả nước có 37.000 CSLTDL với hơn 702.000 buồng hoạt động đón khách, so với năm 2020 giảm 3% về số cơ sở và giảm hơn 10% về sức chứa. Từ khi áp dụng Luật Du lịch 2017, tỉ lệ  CSLTDL đăng ký xếp hạng giảm dần, đủ điều kiện hoạt động tăng dần, hạng 3-5 sao tăng và hạng 1-2 sao có xu hướng giảm.

Trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 95% CSLTDL bị đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Đến năm 2022, CSLTDL được đón khách bình thường từ tháng 3 nhưng chất lượng bị giảm do các nguyên nhân như: Xuống cấp do cơ sở vật chất kỹ thuật bị hư hại sau thời gian dài đóng cửa; thiếu hụt lao động, nhất là lao động giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có  kinh nghiệm lâu năm; nhiều đơn vị bị thiếu dòng tiền, công suất rất thấp nên thiếu nguồn để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và khó trả lương nhân viên.

Đến nay 95% cơ sở hiện có đã hoạt động bình thường, 4% chưa hoạt động do khách quốc tế ít so với năm 2019 nên một số cơ sở chuyên đón khách quốc tế tạm đóng cửa vì nếu hoạt động công suất thấp, mức thu không đủ bù chi phí vận hành; một số cơ sở tiến hành đầu tư nâng cấp.

Công suất sử dụng buồng bình quân giảm dần qua các năm do tốc độ tăng  của khách thấp hơn tốc độ tăng của CSLTDL. Cụ thể năm 2019 là 52%, năm 2022 chỉ còn 30%, quý 1 năm 2023 khoảng 35%.

Đội ngũ nhân lực du lịch suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối CSLTDL hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất trung bình dưới 40%, định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng. Tại các CSLTDL đủ điều kiện, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng. Đặc biệt thiếu nhân sự lúc cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao, mất cân đối theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Mặc dù, các cơ quan quản lý và cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch có nhiều cố gắng, phần lớn các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập. Do hoạt động kinh doanh lưu trú liên quan đến nhiều ngành như công an, y tế, thể thao, văn hóa,… nên dù đã cố gắng tuân thủ quy định của pháp luật nhưng vẫn còn CSLTDL chưa đáp ứng đầy đủ quy định như về phòng cháy và chữa cháy,  bảo vệ môi trường,... 

Việc phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn tiêu  chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức và chưa đạt hiệu quả. Việc thông báo về thời gian bắt đầu hoạt động và các báo cáo định kỳ  theo quy định của cơ sở chưa được thực hiện đầy đủ.

Nhiều cơ sở lưu trú du lịch quảng cáo sai loại hạng hoặc quảng cáo hạng sao khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đặc biệt, những thông tin này được quảng bá trên internet, mạng xã hội, gây hiểu lầm về chất lượng dịch vụ.

Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý khách sạn quảng cáo sai sự thật

Tổng cục Du lịch sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao ở các địa bàn trọng điểm du lịch trong cả nước. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng  cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Bộ VHTTDL yêu cầu các Sở quản lý du lịch chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. Tổng cục Du lịch, phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở quản lý du lịch kiểm tra, giám sát một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Theo đó, việc kiểm tra sẽ tiến hành ở cả 3 miền: Miền Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam); miền Nam (Bình Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Kiên Giang).  

Tổng cục Du lịch được giao tham mưu đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành văn bản chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở Du lịch về việc tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng cơ sở lưu trú du lịch nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kiểm tra cụ thể. Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên cơ sở hệ thống tiêu chuẩn ngành. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch tới Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Vụ Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các Trường đào tạo du lịch tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng về quản lý và nghiệp vụ du lịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cụ thể từng giai đoạn.

Thanh tra Bộ VHTTDL tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh đối với các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đặc biệt kiểm tra, rà soát việc quảng bá hạng cơ sở lưu trú du lịch trên các trang mạng xã hội, hệ thống đặt phòng trực tuyến như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Facebook, Zalo…

Bộ yêu cầu Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố tham mưu, đề xuất UBND các tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện Kế hoạch. Phối hợp tham gia đoàn kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn.

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch lồng ghép trong nội dung báo cáo công tác hàng quý, sáu tháng, cuối năm của đơn vị. Báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch gửi trước ngày 15.12.2023 tới Tổng cục Du lịch để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

 THÚY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top