Chat GPT không thể thay thế cảm xúc của nhà văn

VHO- Tại diễn đàn “Chat GPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay” vừa qua, nhiều diễn giả và đại diện các nhà xuất bản cho rằng, công nghệ này có thể rút ngắn thời gian trong quá trình tổng hợp kiến thức. Tuy nhiên, cảm xúc và trí tưởng tượng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa một tác phẩm văn học do con người tạo ra so với một “nhà văn máy”.

Chat GPT không thể thay thế cảm xúc của nhà văn - Anh 1

 Cảm xúc và trí tưởng tượng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa một tác phẩm văn học do con người tạo ra so với một “nhà văn máy” (ảnh minh họa)

Mở đầu diễn đàn, PGS.TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Chúng ta muốn làm bất cứ thứ gì, đầu tiên phải có thông tin. Trước đây, mọi người hay dùng Google để tìm thông tin và nhận được hàng triệu kết quả, còn Chat GPT được tổng hợp từ hàng trăm thứ tiếng, hàng trăm triệu cuốn sách nên nó là tri thức của toàn nhân loại”, PGS.TS Đinh Điền dẫn chứng lợi thế vô cùng lớn của Chat GPT trong thời đại hiện nay.

Tuy nhiên, dù là công cụ hữu ích trong việc sắp xếp, tổng hợp và gợi ý nội dung để triển khai tác phẩm, các diễn giả cũng cho rằng, hiện dữ liệu của ứng dụng này vẫn có những thông tin chưa chính xác và không thể thay thế hoàn toàn được nhà văn. PGS.TS Đinh Điền lấy ví dụ, về mặt văn học, các thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có 65% vốn ngôn ngữ mượn từ tiếng Hán, trong đó có nhiều nội dung mà Chat GPT không thể giải thích chính xác. “Chat GPT được “huấn luyện” trên hàng triệu tài liệu, hàng trăm thứ tiếng, trong đó có những tài liệu mang tính đặc thù của Việt Nam, do không được huấn luyện nên Chat GPT sẽ không thể hiểu được, đó là một trong những hạn chế của ứng dụng này”, PGS.TS Đinh Điền cho biết thêm.

Nhận định chung về mức ảnh hưởng của Chat GPT, ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ WEWE (VoizFM) cho biết: “Viết bằng ChatGPT giống như “mì ăn liền”. Nó không phải món ăn quá ngon, nhưng lại bán được nhiều và phục vụ một nhu cầu nhất định cho những người cần. Nếu viết sách để kinh doanh, thì ChatGPT có thể là một lựa chọn an toàn, còn viết sách những cuốn sách để đời chúng ta cần có sức lao động nhiều hơn và sáng tạo liên tục”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Huấn, thành viên hội đồng tư vấn chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM, trong giai đoạn 2020-2030, các sản phẩm do Chat GPT tạo ra không được gọi là sản phẩm sáng tạo bởi vì không có tính đột phá mà chỉ sao chép từ người khác. Thật vậy, mô hình ngôn ngữ ChatGPT có thể tạo ra các văn bản đúng ngữ pháp cơ bản, ngữ nghĩa có thể rõ ràng, mạch lạc, nhưng sẽ rất khó làm ra văn bản với ngôn ngữ tinh tế, mang phong cách của từng tác giả. Bởi mỗi nhà văn sẽ có vốn liếng sống khác nhau, có ngôn ngữ khác nhau và cách sử dụng ngôn ngữ cũng khác nhau, sinh động và phong phú hơn khả năng Chat GPT tạo ra văn bản cơ bản. Bên cạnh đó, nhà văn sẽ biết tác phẩm của mình viết cho đối tượng độc giả nào, chứ không phải là viết cho cả thế giới đọc như Chat GPT vẫn đang làm. Rõ ràng là về tư duy, về tâm hồn, về cảm xúc… thì “nhà văn nhân tạo” chưa thể nào thay thế được nhà văn con người.

Còn theo Thạc sĩ Thái Thu Hoài, Phó trưởng Khoa xuất bản, Trường đại học Văn hóa TP.HCM: “Khó mà có thể thay đổi được, nói thẳng ra, không gì có thể thay đổi được sự sáng tạo và những cảm xúc rất người, rất nhân văn của các nhà văn, đặc biệt là nhà văn trẻ. Có thể thấy, các nhà văn trẻ hiện nay có hướng tiếp cận công nghệ tốt, thế nhưng họ vẫn biết cách cân bằng để cho ra những tác phẩm xuất phát điểm vẫn ở chính cảm xúc của con người”. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc